Ngôi chùa có nhiều chữ Vạn nhất Việt Nam
Di tích - Ngày đăng : 10:59, 10/06/2016
Bằng ý tưởng độc đáo của người trụ trì, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một công trình tôn giáo tín ngưỡng độc đáo: ngôi chùa có nhiều chữ Vạn nhất Việt Nam.
Hệ thống chữ Vạn trong chùa Cương Xá
Từ một ngôi cổ tự hoang phế, bằng ý tưởng độc đáo của người trụ trì, hảo tâm của phật tử thập phương, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một công trình tôn giáo tín ngưỡng độc đáo: ngôi chùa có nhiều chữ Vạn nhất Việt Nam.
Ấn tượng
Công trình tôn giáo độc đáo trên chính là chùa Cương Xá ở xã Tân Hưng (TP Hải Dương). Thăm nơi đây, chúng tôi được đắm mình vào không gian yên ả, thanh bình của chốn thôn quê. Chùa được bài trí đẹp mắt với các hạng mục kiến trúc độc đáo, nổi bật là tòa tam bảo uy nghi ẩn sau tán cây đại cổ thụ vài trăm năm tuổi.
Bước vào tam bảo, chúng tôi cảm nhận được sự thanh tịnh, linh thiêng thường thấy ở các ngôi chùa Bắc Bộ. Tầng trên cùng thờ đức A Di Đà, Quan Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát. Tầng thứ 2 từ trên xuống thờ đức Quan Âm Thiên thủ Thiên nhãn. Tầng thứ 3 là pho Thích Ca Mâu Ni bằng đá trắng từ núi Ngũ Hành (Đà Nẵng) nặng 6,6 tấn. Tầng thứ 4 là toà Cửu Long bằng đồng nặng 700 kg được đúc tinh xảo. Tầng thứ 5 thờ 7 pho tượng Dược Sư. Hai bên có khám thờ tượng đức Thánh Ông và đức Thánh Hiền. Kết cấu gỗ của chùa gồm 18 cột lim, cao 8,2 m. Trên mỗi cột có câu đối ca ngợi đức độ của chư Phật và Bồ Tát. Hệ thống rui, hoành được soi tỉ mỉ công phu, mái lợp ngói Giếng Đáy.
Song ấn tượng đặc biệt khi đến chùa Cương Xá là toàn bộ móng và tường chùa xây bằng đá xanh lấy từ núi Nhồi (Thanh Hóa). Mỗi viên đá dùng xây chùa dài 40 cm, rộng 30 cm, dày 35 cm, nặng 80 kg. Đây là điều ít gặp trong kiến trúc chùa ở Việt Nam. Đặc biệt hơn, trên mỗi viên đá còn chạm nổi chữ Vạn hoặc hoa sen quét nhũ vàng. Đứng giữa tam bảo nhìn đâu cũng thấy hệ thống chữ Vạn nổi bật, chiếu rọi như sức mạnh vô biên của Phật pháp.
Nói về lịch sử của chùa, ông Phan Ngọc Thưởng, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Cương Xá cho biết: Cương Xá vốn là một ngôi làng cổ với 8 dòng họ sinh sống. Cùng với sự ra đời của ngôi làng, nhân dân đã lập đình, nghè và chùa để sinh hoạt tâm linh. Đình làng có từ thời Lý, thế kỷ XI, được các triều đại phong 4 chữ vàng: Lý triều Huân Tướng cùng 4 đạo sắc phong. Chùa Cương Xá còn có tên gọi là Quỳnh Khâu tự nằm trên một gò đất cao phía tây nam của làng, tổng diện tích hơn 7.000 m2. Chùa được trùng tu lần đầu vào thời Lê, cách đây 588 năm. Ngôi chùa gồm 5 gian tiền tế, 3 gian hậu cung. Bên phải có nhà thờ tổ, bên trái thờ mẫu và phía sau thờ Phật. Trong dân gian còn có câu ca: "Thứ nhất đống da, thứ nhì đống gạo, thứ ba đống chùa" để nói lên quy mô một thời của chùa Cương Xá. Ở đây còn có một giếng nước trong xanh, nhân dân thường ra lấy nước về sinh hoạt. Tương truyền, ăn nước giếng chùa, con gái làng Cương rất xinh đẹp, nhưng lại hay chết yểu. Sư tổ và nhân dân đã lấp giếng bên trái của chùa và đào một giếng mới bên phải, từ đó không còn hiện tượng trên nữa. Trong vườn chùa có nhiều loại cây cổ thụ, đặc biệt có 4 cây chò chỉ rất to. Khi đất nước chiến tranh, chùa và đình bị tàn phá, chỉ còn một nền đất trống. Hòa bình lập lại, nhân dân khôi phục lại ngôi chùa với quy mô nhỏ 3 gian. Tuy nhiên, rất nhiều cổ vật xưa vẫn được nhân dân lưu giữ: văn bia cổ, chuông niên đại thời Lê, 2 đôi câu đối, tượng cổ. Khi đào móng xây chùa còn phát hiện dấu tích gạch từ đời Đông Hán cách nay hơn 2.000 năm. Những dấu tích trên khẳng định chùa Cương Xá là ngôi cổ tự có từ rất lâu đời.
Ý tưởng độc đáo
Tháng 3-1996, đại đức Thích Thanh Cường được cử về trụ trì chùa Cương Xá. Lúc đó, chùa chỉ có 3 gian nhỏ đơn sơ. Qua nhiều năm, ngôi chùa xuống cấp dột nát. Thể theo nguyện vọng của nhân dân địa phương, năm 2009, đại đức Thích Thanh Cường đã làm đơn xin phép UBND tỉnh và Sở Xây dựng cho trùng tu tôn tạo chùa Cương Xá trên nền đất cũ bằng nguồn xã hội hóa.
Công trình có tổng diện tích 360 m2, phần sân vườn 1.600 m2. Bên phải chùa là nhà tổ 14 gian, bên trái chùa là nhà thờ mẫu và Đức Thánh Trần. Sau 7 năm xây dựng, đến nay tòa tam bảo của chùa đã hoàn thiện với tổng kinh phí hơn 21 tỷ đồng.
Nói về ý tưởng độc đáo khi xây dựng ngôi chùa bằng đá với hệ thống chữ Vạn, đại đức Thích Thanh Cường cho biết: "Khi có ý định tu bổ, tôn tạo ngôi chùa, trong thâm tâm tôi luôn muốn xây dựng một công trình đậm nét kiến trúc truyền thống song mang dấu ấn riêng. Lúc đầu tôi có ý tưởng xây dựng công trình bằng gỗ. Tuy nhiên, mọi sự đã thay đổi khi tôi đến thăm quần thể di tích Angkor của Campuchia. Chứng kiến ngôi đền Angkor được xây dựng bằng đá trải qua hàng nghìn năm vẫn tồn tại cùng thời gian, khi về nước tôi quyết định chọn đá làm chất liệu xây dựng".
Trên tường chùa, lúc đầu dự kiến chạm một bài kinh Phật. Song trong một lần ngồi tụng kinh, đại đức chợt nảy ra ý tưởng chạm chữ Vạn và hoa sen. Hoa sen tượng trưng cho nhà Phật cũng như tượng trưng cho sự thanh khiết của người tu hành giữa cuộc đời. Còn chữ Vạn là biểu tượng của sự may mắn, được lấy ý tưởng từ việc quan sát vũ trụ, hệ mặt trời, thể hiện nơi phát sinh ra nguồn sống vô tận và sự vĩnh hằng. Chữ Vạn là một trong ba mươi hai tướng tốt của Phật. Đem ý định này chia sẻ với các đệ tử cùng các bậc tăng ni, họ đều tán đồng. Thế là mỗi viên đá trước khi được đưa vào xây dựng mặt ngoài được đục nhám, mặt trong tạo tác nổi chữ Vạn và hoa sen quét nhũ vàng. 3 hàng đá từ nền chùa trở lên, mỗi viên được tạo tác hình hoa sen. Từ hàng thứ 4 cho đến nóc, mỗi viên được chạm 1 chữ Vạn, tổng cộng cả chùa có 2.889 chữ.
Việc xây dựng gặp vô vàn khó khăn. Sau khi xây dựng mấy hàng móng, hiệp thợ thi công phải lắp ráp 3 máy tời di chuyển đá. Mới đầu, tiến độ công việc còn nhanh. Về sau, mỗi ngày hiệp thợ chỉ tời lên tường được 5 viên đá. Sau 7 năm ròng rã cuối cùng công trình cũng hoàn thành. Với sự độc nhất vô nhị, sáng 24-4-2016, tại lễ cắt băng khánh thành ngôi tam bảo, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã công bố xác lập chùa Cương Xá là ngôi chùa có nhiều chữ Vạn nhất Việt Nam.
Sau khi được xác lập kỷ lục, nhà chùa đang cùng chính quyền địa phương lập hồ sơ đề nghị ngành văn hóa xếp hạng chùa là di tích lịch sử cấp tỉnh với cụm di tích đình, nghè, chùa Cương Xá. Với sự độc đáo, đặc sắc, chắc hẳn chùa Cương Xá sẽ trở thành điểm du lịch tâm linh, tín ngưỡng có giá trị của Hải Dương.
NGỌC HÙNG