Nắng sớm

Truyện ngắn - Ngày đăng : 09:07, 11/06/2016




Minh họa: VĂN HÀ


Nhiên thức dậy ê ẩm sau một giấc mộng dài mà không biết cơn mơ đã chấm dứt thật chưa. Đêm qua những con số cứ nhảy loạn xạ trong đầu óc Nhiên chẳng khác gì trò ma thuật. Cuộc sống quá ngắn còn những nỗi lo lại quá dài nên ngày hay đêm là những định nghĩa mơ hồ cứ vá víu nhau. Chị mới đọc thấy thông tin công dân Việt Nam sắp có mã số định danh cá nhân gắn liền và không thay đổi trong suốt cuộc đời. Như thế cuộc sống mỗi ngày thêm chật ních những con số, chúng nhảy loạn xạ trong đầu. Lúc nhẹ nhàng uyển chuyển như một bản tango, lúc bấn loạn dữ dội như trị số huyết áp của một kẻ dễ mắc bệnh tăng xông. Lâu lắm rồi chị không đủ thảnh thơi để ngồi đọc một trang sách chứ đừng nói là hì hụi chép tặng nhau một khổ thơ hay như cái thuở đôi mươi nữa. Chút thời gian hiếm hoi ngồi uống café cùng chồng đầu óc chị vẫn không thoát ra khỏi những con số nhảy múa. Anh ngồi đó nói về đàn bà ngực nở mông cong, mốt váy nửa kín nửa hở đang thịnh hành, mùi nước hoa được các chị em ưu ái. Nhiên nghe bập bõm hình như anh nhắc đến cả tên một loại bao cao su đang được bán chạy nhất vì có mùi thơm đặc biệt với đủ bộ hình 12 con giáp. Suýt nữa thì Nhiên sặc cafe…

Sự vô tâm của đàn ông không phải lúc nào cũng là liều thuốc độc giết chết hôn nhân. Nhiên gọi sự vô tâm của chồng giống như thứ thảo mộc có tác dụng thanh nhiệt, ít ra là giữa lúc miền Bắc đang những ngày nắng nóng. Dường như anh không quá bận tâm đến mấy cái hóa đơn tiền điện mà cô nhân viên bấm chuông inh ỏi đúng bữa cơm tối. Những con số khiến chị dùng bữa mất ngon, vẫn là những nỗi lo cũ mèm từ tháng này qua tháng khác. Giá điện nước, xăng dầu, thuốc thang đều tăng, chỉ đồng lương eo hẹp là không hề nhúc nhích. Công ty người ta có thưởng này thưởng kia, đằng này công ty chị chỉ thấy ngày càng nghĩ ra nhiều khoản phí phát sinh vô lý. Hè này con phải học thêm, anh cũng vừa đăng ký học nâng cao nghiệp vụ. Đấy là chưa kể đầu năm học mới học phí của con có thể sẽ tăng. Chị sẽ già nua đi khi cứ quẩn quanh trong những lo toan như thế. Còn anh vẫn chẳng lúc nào bớt tếu táo bông đùa. Như thể không có lạm phát, như thể sáng nay bác chủ nhà không sang báo tin tiền nhà sẽ tăng từ đầu tháng. Như thể chẳng đêm nào chị thao thức buồn phiền khi nghĩ đến ngày mai. Có than vãn thì anh bảo:

- Nhà nhà vất vả, người người cực thân chứ đâu phải riêng mình. Nên vui được lúc nào thì cứ vui lên mà sống. Buồn bã thì cũng được ích chi.

- Em cũng thèm được như thế nhưng đàn bà thì… không thể không lo toan được.

-Chả thế mà sếp anh bảo những bà vợ đều đáng được tặng huy chương.

- Thế còn các anh, trong cái thời buổi kim tiền này thì tâm trí đàn ông các anh để đi đâu?

- Ờ thì một mặt vẫn lao tâm khổ tứ kiếm tiền còn một mặt thì bám theo những cái phù phiếm khác. Đàn ông có lao đao khốn đốn đến thế nào cũng ít khi để người phụ nữ thấy được điều đó chứ không phải họ vô âu vô lo.

- Thứ phù phiếm của các anh có phải ở khe ngực của đàn bà?

- Đấy là em nói đấy nhé, không phải anh. Nhưng chồng em thì có tiếng mà không có miếng.

- Vợ anh mà nhàn hạ thì cũng chỉn chu làm đẹp và quyến rũ như ai...

Chị nói xong nguýt anh một cái rõ dài rồi tất bật đưa con đi học, luồn lách thêm một đoạn đường dài thì đến công ty vừa kịp giờ quẹt thẻ. Một xấp tài liệu đang chờ chị xử lý. Những con số lại được thể quay cuồng. Lúc ngẩng mặt lên khỏi đống dữ liệu thì thấy hoa trên bàn đã héo, không khí như đóng cặn lại trong phòng. Mấy chị đồng nghiệp vươn vai tính rủ nhau đi mua đồ giảm giá. Một chị bảo mấy thứ mỹ phẩm khuyến mãi ấy toàn đồ Tàu, mua về dùng khéo đẹp thì chả thấy đâu mà nguy cơ hỏng da thì là cái chắc. Ờ! Biết vậy nhưng hàng hiệu thì đắt, lấy đâu ra tiền. Thôi cứ mua về đấy lúc nào cần thiết thì dùng, mà thử nghĩ xem trong nhà mình có đến bao nhiêu món đồ mang mác China. Đồng tiền eo hẹp nên muốn làm người tiêu dùng thông thái cũng đâu có dễ. Đang rôm rả chuyện trò thì điện thoại kêu reng reng, đầu dây bên kia sếp báo lên họp gấp. Một chị tru tréo than: “Thôi chết! Sắp đến giờ vàng giảm giá rồi. Ôi thôi cái máy hút bụi của tôi”. Cả bọn phá lên cười.

*


Nhiên vừa lao ra khỏi cửa cơ quan thì thấy hai xe trước mặt đâm sầm vào nhau. Phanh khựng lại, chị thấy tai mình ù đi, tiếng nhốn nháo của đám đông xung quanh càng làm chị hoảng sợ. Tí nữa thì chị nằm trong gầm xe bus nếu không cũng nát bét bên vệ đường, hồn lìa khỏi xác như hai cô gái xấu số kia. Phải đến lúc đồng nghiệp đến lôi chị ra khỏi đám đông thì nỗi sợ hãi trong chị mới bật thành tiếng khóc. Dạo này Nhiên luôn bị ám ảnh bởi hàng loạt thông tin tai nạn giao thông tràn lan trên mặt báo. Lại là những con số thương vong khiến Nhiên phải rùng mình. Có thể bạn không tin vào số phận nhưng Nhiên thì tuyệt đối tin. Rằng mỗi người đều được định đoạt sẵn một số phận mà nhiều khi dù có cố gắng bao nhiêu đi chăng nữa cũng không thể thay đổi được. Như cách mà mấy chục con người xa lạ, vào một buổi sáng nào đó trong cuộc đời họ cùng bước lên một chuyến xe để đi về cõi vĩnh hằng. Có những người chuẩn bị cho chuyến đi đó từ rất lâu, lại có người ngẫu hứng tự nhiên xách ba lô, chuẩn bị vội vài ba món đồ, hí hửng về chuyến hành trình ngắn ngủi mà đầy dư vị. Nhưng rồi chuyến đi đó đã đưa họ đến đâu? Nhiên gọi đó là định mệnh. Như thể từng ấy con người đã hẹn nhau từ kiếp trước, thượng đế chỉ việc chọn một ngày đẹp trời rồi lùa họ lên cùng một chuyến xe, mượn tay một ông tài xế lái ẩu, chọn một cái dốc cua hoặc đợi đúng lúc đổ đèo thì cho xe lật nhào xuống vực hoặc đâm đầu vào núi. Chỉ vài ba cái gạch đầu dòng để tường thuật lại một vụ tai nạn thương tâm nhưng nỗi đau thì vô tận. Nhiên là đàn bà, tính hay nghĩ ngợi nên thỉnh thoảng tự hỏi không biết bao giờ thì thượng đế sẽ lùa mình lên một chuyến xe? Sáng sớm chồng vừa nhấm nháp cafe vừa ngả lưng thảnh thơi điểm báo: “Trong tuần đầu tháng có 339 vụ tai nạn giao thông xảy ra trên toàn quốc làm 151 người chết, 232 người bị thương. Theo thống kê thì mỗi ngày Việt Nam có hơn 30 người đột ngột vĩnh viễn từ bỏ cuộc sống trong khi đang tham gia giao thông”. Chị hỏi anh có phải đã quên cho đường vào cafe hay không mà đắng thế? Anh nhìn xuống dòng người ngược xuôi đông như mắc cửi dưới kia mà buông tiếng thở dài. Chị đùa anh:

- Ra đường đừng có ham ngắm khe ngực sâu của đàn bà mà có ngày được lên báo. Thiên hạ đọc xong xót xa được mấy ngày rồi thì tờ báo sẽ nằm gọn lỏn trong chiếc thúng của mấy bà bán xôi sáng ngồi đầu chợ. Chỉ có vợ con là khổ thôi.

- Tình hình giao thông thế này quả là buồn cho mấy gã đàn ông em nhỉ?

Anh nói rồi dắt xe ra cổng hòa vào dòng người ngược xuôi tấp nập ngoài kia. Chị nhìn theo dáng anh gầy gò bỗng thấy nhớ cái mùi mồ hôi quen thuộc như vẫn còn lẩn khuất đâu đây. Bao thương yêu bình dị mỗi sớm mai thỉnh thoảng cũng được đánh thức bởi chính những lo toan vụn vặt. Như thể lúc anh nhắc lâu rồi không thấy vợ mua váy mới, chị bỗng bùi ngùi thương anh lụi cụi dán lại đôi giày há mõm. Vết rách nhỏ thôi nhưng lại toang hoác trong lòng chị. Hình như lâu rồi mải quay cuồng với các con số mà chị thiếu chỉn chu chăm sóc cho anh. Như thể sáng nay cu Bo bảo hè này bạn Sóc, bạn Bil đều được đi nghỉ mát ở Vũng Tàu mà chị bỗng thấy thương những buồn vui con trẻ. Mấy nhỏ bạn qua nhà rủ chị đi tập yoga vừa khỏe đẹp lại vừa vui. Chị lắc đầu kêu không có thời gian nhưng kỳ thực chị tiếc tiền sắm hai bộ đồ tập và vài trăm ngàn phí đóng ở trung tâm mỗi tháng. Số tiền đó chị tính mua sữa cho con hoặc vài bộ đồ mới cho anh đi làm trông tươm tất, rồi sắm thứ này thứ kia còn thiếu trong nhà. Chẳng biết từ bao giờ với bất cứ khoản chi tiêu nào chị cũng đều phải toan tính thiệt hơn như thế. Rồi có lúc tự hỏi lỡ sáng mai thượng đế gọi tên mình trên một chuyến xe thì chi li tính toán cũng còn có ý nghĩa gì. Cuộc đời có bao lâu mà hững hờ... Câu này anh vẫn nói còn chị vẫn để nó trôi qua tai. Chị đâu có hững hờ, thương yêu đến quặn thắt lòng, vật lộn mỗi ngày cũng chỉ để kiếm tìm hai chữ bình yên.

*


Nhiên ốm. Người gầy xọp đi vì không ăn uống được gì. Anh bỏ việc ở nhà chăm chị đã mấy ngày, lòng cũng héo hon vì lo lắng. Trong cơn sốt mê man chị thấy mình đang ở một thế giới khác, thế giới của những mật mã được thiết lập bởi hàng nghìn con số. Khi cánh cửa này mở ra cánh cửa khác đóng lại. Chị hoảng loạn chạy tìm cánh cửa bước vào ngôi nhà thân yêu của mình nhưng không thấy. Thế giới số khiến chị bấn loạn, trên đường phố người cứ trôi, ngôn từ vừa thốt ra đã đóng băng, ngay cả những lùm cây cũng không còn màu xanh nữa. Chúng có màu khói xám như màu ủ rũ của nền trời. Lần đầu tiên trong đời chị thấy mình bỏ mặc những con số để đi tìm những dáng hình thân quen. Chị cứ mải miết, vắt kiệt sức để mà chạy cho đến khi bắt gặp đôi giày há mõm nằm chỏng chơ bên đường thì thoát khỏi cơn mê man dài như một kiếp người. Anh ngồi đó, ân cần hỏi: “Em thấy đỡ nhiều chưa?”.

Chao ôi, chị thấy khoảng không gian này mới bình yên thân thuộc làm sao. Bao lâu rồi chị mới nghe thấy tiếng chim hót, thấy gió chạy ùa chạm nhẹ vào từng ngón tay như trẻ nhỏ, thấy mây bên ngoài cửa kính kia như đang nhởn nhơ bay cùng nắng sớm. Chị nghe thấy cả tiếng cu Bo đánh răng trong nhà tắm, tiếng con mèo mờ sáng đã sục sạo lục ăn trong bếp. Những âm thanh quen thuộc vẫn ở đó mỗi ngày nhưng sao sáng nay chị mới thấy xốn xang? Những con số đã biến mất, chị sẽ vứt chúng ra khỏi đầu như cách người ta vứt mớ hóa đơn sinh hoạt vào thùng rác sau khi đã rút ví thanh toán xong xuôi. Chị mong mình khỏe nhanh để vào bếp nấu cho chồng con một bữa cơm tươm tất. Muốn cuối tuần cả nhà lôi nhau đi xem phim rồi thú thật với chồng rằng chị cũng nhớ rừng, nhớ biển lắm rồi mà lâu chưa có dịp đi. Ôi! Sáng nay sao mọi thứ cứ trào dâng căng tràn trong ngực chị.

Đỡ chị ngồi dậy ngắm nắng sớm mai nhảy nhót ngoài giàn hoa giấy rồi anh nói sẽ tạt sang chợ nhanh thôi. Nửa tiếng sau anh trở về với lỉnh kỉnh đồ ăn trên tay và bó hoa sen thơm ngát. Anh bảo: “Cho ngày em khỏe lại”. Cuộc đời có bao lâu mà hững hờ... Mắt chị nhòe đi. Đàn bà tuổi ba mươi mà thương yêu cũng sến rệt vậy trời.

Truyện ngắn củaVŨ THỊ HUYỀN TRANG