Không nên chỉ phạt tiền

Tin tức - Ngày đăng : 10:05, 13/06/2016

Gần đây bạn bè tôi từ tỉnh ngoài về Hải Dương nhận xét: Chưa thấy ở đâu cảnh sát giao thông lại đứng ở đường xử lý vi phạm nhiều như ở Hải Dương.

Sẽ không có nhiều phàn nàn nếu cảnh sát giao thông tăng cường hướng dẫn người dân, xử lý công tâm những lỗi vi phạm cố tình, góp phần hạn chế được số người vi phạm, làm giảm ùn tắc và kiềm chế được tai nạn giao thông.

Trên báo chí hoặc các trang mạng xã hội, thỉnh thoảng lại xuất hiện một đoạn clip hoặc hình ảnh phản ánh việc cảnh sát giao thông xử lý vi phạm không minh bạch, người này hoặc người kia tố cáo cảnh sát “mặc cả” với người vi phạm... Người dân trong tỉnh lại bức xúc khi thấy cảnh sát làm ngơ nhiều trường hợp người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, ngang nhiên vượt đèn đỏ mà không hề bị xử lý. Thậm chí trong một số cuộc tiếp xúc cử tri, có ý kiến phàn nàn việc xử phạt hình như chỉ nhằm vào bà con nông dân ít có dịp ra thành phố, không thông hiểu đường đi và đương nhiên không nắm vững quy định của pháp luật về giao thông đường bộ. Nhiều người ước ao, giá như cảnh sát giao thông của Hải Dương cũng giống như cảnh sát giao thông của Đà Nẵng, lấy việc giáo dục, nhắc nhở người vi phạm làm trọng, xử phạt là thứ yếu thì hay biết mấy. Những phản ánh này cần được xem xét nghiêm túc.

Thực tế trong thi hành pháp luật, việc tuyên truyền, giáo dục bao giờ cũng được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm cũng cần được xử lý nghiêm minh. Vấn đề là xử lý như thế nào để người vi phạm tâm phục và việc xử lý vi phạm không trở thành nỗi ám ảnh hay tạo ra hình ảnh thiếu thân thiện đối với người dân và du khách khi đến với Hải Dương? Có ý kiến cho rằng nếu tất cả người đi đường, dù là đi bộ hay đi ô tô, xe máy đều tuân thủ đúng quy định của pháp luật thì sợ gì bị phạt, lực lượng chức năng lấy cớ gì để phạt? Ý kiến này không sai nhưng chưa đủ. Thực tế có một số trường hợp người tham gia giao thông có thể không vi phạm, nhưng lại không nắm vững quy định của pháp luật nên khi cảnh sát yêu cầu dừng xe kiểm tra thì mất bình tĩnh, chưa kịp hỏi xem mình phạm lỗi gì, cảnh sát nêu lỗi có đúng không... đã vội “xin tha”, sẵn sàng nộp phạt một cách không chính thức để được đi cho nhanh. Đây chính là cơ hội nảy sinh tiêu cực, tạo ra hình ảnh chưa đẹp cho lực lượng chức năng khi thi hành nhiệm vụ. Vì vậy, việc làm đầu tiên để giảm việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ vẫn là người tham gia giao thông nêu cao ý thức chấp hành pháp luật, nắm vững pháp luật về giao thông để biết hành vi của mình là đúng hay sai, mức xử phạt cho từng hành vi vi phạm. Trong trường hợp đã vi phạm quy định, nên nghiêm chỉnh chấp hành việc xử phạt để rút kinh nghiệm, không tái phạm.

Với lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nên tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở khi người tham gia giao thông thực hiện chưa đúng quy định thay vì xử phạt hành chính ngay. Nên có hình thức đánh dấu đối với người vi phạm đã được nhắc nhở, nếu tái phạm mới tiến hành xử phạt theo quy định. Việc xử phạt phải bảo đảm công bằng, nghiêm minh, đúng pháp luật; không lợi dụng xử phạt vì động cơ cá nhân.

Tuy nhiên, cả Nghị định 171 ngày 13-11-2013 và Nghị định 46 ngày 26-5-2016 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đều chỉ quy định hình thức phạt tiền và một số biện pháp khắc phục hậu quả. Đây là biện pháp đánh vào kinh tế của người vi phạm, có tác dụng nhất định, song cũng dễ làm nảy sinh tiêu cực. Việc yêu cầu người vi phạm chép phạt các quy định của pháp luật đối với hành vi vừa mắc lỗi như của cảnh sát giao thông Đà Nẵng hay áp dụng biện pháp phạt phải lao động trong thời gian nhất định như ở một số nước trên thế giới đều đem lại hiệu quả tích cực trong giáo dục pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông. Nên chăng cơ quan chức năng sớm kiến nghị bổ sung các hình thức xử phạt phù hợp, vừa có tác dụng giáo dục, vừa giảm tiêu cực trong xử lý vi phạm về giao thông.

HOÀI ANH