May nhờ rủi chịu

Thị trường - Ngày đăng : 07:30, 16/06/2016

Nhưng những thực phẩm sạch rao bán trên mạng liệu có bảo đảm chất lượng hay không thì chính người tiêu dùng cũng không dám chắc.



Người tiêu dùng nên mua rau, quả sạch ở những nơi uy tín, sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Trong ảnh: Quầy bán rau, quả tại siêu thị Big C Hải Dương


Lo lắng trước thông tin thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường, nhiều người tìm mua thực phẩm sạch trên mạng. Nhưng những thực phẩm sạch rao bán trên mạng liệu có bảo đảm chất lượng hay không thì chính người tiêu dùng cũng không dám chắc.

Phụ thuộc lương tâm người bán

Từ những thông tin rao bán hoa quả và rau sạch trên địa chỉ Facebook có tên Rau sạch Hải Dương, tôi liên lạc đến số điện thoại đăng trên trang này để mua 2 kg rau muống. Khi tôi hỏi về nguồn gốc, xuất xứ, người bán hàng tên Linh cho biết: "Rau này chị nhờ người nhà ở xã An Thanh (Tứ Kỳ) trồng. Ở đó đất tốt, rau không phải sử dụng phân bón, nước tưới rau lại sạch sẽ. Chị bảo đảm với em rau này sạch 100%. Chị bán nhiều rồi, không tin em cứ vào xem mục bình luận, nhiều người rất thích mua rau nhà chị”. Tôi đồng ý mua 2 kg rau muống và đợi chị Linh chuyển hàng. Khi nhận, rau muống sạch do chị Linh quảng cáo chỉ được buộc trong chiếc túi nilon sơ sài, không có cơ sở gì chứng minh là rau sạch. Chị Linh cho biết mỗi ngày chị bán được khoảng 5 kg rau muống sạch, chủ yếu cho các gia đình ở TP Hải Dương.

Những trường hợp quảng cáo và bán rau sạch kiểu như chị Linh hiện nay không ít. Trên Zalo, một người chuyên cung cấp rau, quả sạch có tên Phương Vy quảng cáo: “Cả nhà mình đã ai ăn dưa lê Hoàng hậu chưa? Nếu chưa ăn phải nên ăn thử. Ai bảo Việt Nam mình không có những giống hoa màu đặc biệt. Dưa Hoàng hậu là một nông sản đặc biệt của bà con Gia Lộc, Hải Dương quê mình, bảo đảm cực sạch và an toàn. Hãy một lần thưởng thức sản phẩm này. Dưa lê Hoàng hậu là 70.000 đồng/kg (bán nguyên quả) 1 quả nặng trên dưới 3 kg nha cả nhà”. Nếu so với giá bán ngoài thị trường hiện nay thì giá bán dưa lê Hoàng hậu sạch mà người này quảng cáo cao gấp 4 lần. Trong khi đó, người có tên Phương Vy cũng không có bất cứ một cơ sở nào để chứng minh dưa mình bán là sạch.

Nắm bắt tâm lý chuộng mua hàng sạch, lại tiện lợi do hàng được giao tận nơi nên ngày càng nhiều người mở cửa hàng bán rau, quả sạch online. Chỉ cần vào mạng, lướt Facebook hoặc Zalo là có thể nhìn thấy những quảng cáo cung cấp nông sản sạch quê nhà. Người mua chỉ cần gọi điện hoặc nhắn tin là trong một thời gian ngắn hàng sẽ được giao tận nơi. Sản phẩm được quảng cáo với những lời hấp dẫn như “6 tháng không phun thuốc bảo vệ thực vật”, “cam nhà trồng bảo đảm sạch 100%”, “đặc sản nhà quê không sạch không lấy tiền”… Lời quảng cáo của người bán hay như vậy nhưng chất lượng ra sao thì đa phần người mua cũng tù mù. Chị Phạm Thị Hoa ở phố Hàm Nghi (TP Hải Dương) đã từng nhiều lần mua rau, quả sạch trên mạng cho biết: “Cũng vì sợ mua rau ngoài chợ bị phun thuốc kích thích nên tôi mới mua đồ sạch trên mạng. Rau, quả sạch trên mạng bao giờ cũng cao hơn ngoài chợ một vài giá”. Rau, quả bán trên mạng không tem nhãn, không có địa chỉ nguồn gốc xuất xứ và cũng chỉ được bọc trong túi nilon sơ sài như vậy nhưng không ít người như chị Hoa vẫn tìm mua. “Mua rau trên mạng chúng tôi chỉ biết trông chờ vào cái tâm của người bán mà thôi”, chị Hoa nói.

Sạch do... tự phong

Ông Lê Đình Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định: "Chúng tôi chưa cấp bất cứ một giấy phép hay giấy chứng nhận nông sản sạch cho một cơ sở kinh doanh rau quả online nào trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, rau quả được quảng cáo là sạch trên mạng phần lớn là do người bán tự phong”. Để được công nhận là sạch, nông sản đó phải trải qua một quá trình kiểm soát rất chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tiêu dùng. Sản phẩm phải được kiểm nghiệm và đánh giá chất lượng thường xuyên.

Câu chuyện mà ông Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Minh Đức, xã Phạm Trấn (Gia Lộc) kể trong hội nghị bàn các giải pháp xúc tiến thương mại nông sản Hải Dương được UBND tỉnh tổ chức cuối tháng 5 vừa qua chắc chắn khiến không ít người đã từng mua rau sạch trên mạng phải giật mình. Theo vị chủ nhiệm này: "Thời gian qua, một số doanh nghiệp, thậm chí có một số cá nhân về làm việc với HTX để ký hợp đồng mua nông sản sạch bán trên mạng. Họ yêu cầu tôi phải phô tô hết giấy tờ chứng nhận sản xuất sạch và yêu cầu các giấy tờ đó phải được đóng dấu đàng hoàng để chứng minh sản phẩm sạch. Sau khi lấy toàn bộ giấy tờ chứng nhận nông sản được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chúng tôi không thấy họ đến mua rau nữa. Gọi điện hỏi thì họ lấy lý do là rau đắt, không có lãi nên không mua được. Còn giấy tờ chứng nhận sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX chúng tôi họ dùng để làm gì và lấy rau ở đâu bán thay cho thương hiệu rau an toàn Tân Minh Đức thì tôi không rõ”.

Việc kiểm soát chất lượng của các cửa hàng kinh doanh rau, quả sạch online hiện nay cũng không dễ. “Đa phần họ không đăng ký kinh doanh, nay bán, mai nghỉ nên chúng tôi cũng không nắm bắt được số lượng. Hơn nữa họ cũng không có địa điểm bán hàng trực tiếp nên chúng tôi không có cách nào lấy mẫu kiểm định, đánh giá chất lượng những loại nông sản được bán qua mạng. Do đó, người tiêu dùng nên chọn mua nông sản ở những địa chỉ uy tín, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt, nên sử dụng nông sản theo mùa, không nên mua rau quả trái vụ vì rất có thể dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nhất là hàm lượng nitrat trong rau quả sẽ rất lớn”, ông Lê Đình Sơn cho biết thêm.

Kinh doanh nông sản sạch, cung cấp cho người tiêu dùng thực phẩm an toàn là việc cần được khuyến khích. Đặc biệt, hình thức kinh doanh nông sản sạch online cũng cần được hỗ trợ phát triển bởi tính tiện lợi mà nó mang lại. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm các cơ sở lợi dụng hình thức kinh doanh này để quảng cáo sai sự thật hoặc đánh lừa người tiêu dùng.

PV