Một tấc cũng không

Truyện ngắn - Ngày đăng : 14:58, 18/06/2016



Từ hôm kẻ trộm bẻ khóa vào nhà thờ lấy đi hai pho tượng tổ bằng đồng đen, hai pho ngựa đá, rồi hạc đồng, nồi hương, chuông khánh… mà dòng họ đã dày công gìn giữ tu bổ suốt 12 thế kỷ, ông Triệu Cương như người ngẩn ngơ. Đêm đêm ông mơ thấy vị thượng tổ họ Triệu bị nhốt trong gian kho bẩn thỉu với đủ loại tượng 12 con vật: ngưu, khuyển, mã... mãi nước người cách xa vạn dặm, mạng nhện chằng chịt mắt mũi, bao bì rơm rạ chồng chất trên đầu. Ông nghe rõ tiếng kêu cứu từ xa vọng lại cứ yếu dần đi. Lại có đêm ông mơ thấy họ đem bán lại cho nhà giàu để con cháu họ làm trò chơi, cưỡi lên đầu lên cổ, vặt râu, bôi tro trấu vào mặt. Ông thật có tội với tổ tiên. Ông nghiệm thấy từ ngày các vị tượng tổ bị đánh cắp đem bán, dòng họ Triệu nhà ông sa sút, đổ đốn nghiêm trọng. Chỉ nguyên năm ngoái hai người trong họ ông đang sung sướng, lên xe xuống ngựa, kẻ hầu người hạ mà bỗng dưng ra vành móng ngựa, ba người bị tai nạn giao thông, ba cô gái chửa hoang. Dòng họ Triệu nhà ông truyền thống khoa bảng. Cụ thượng tổ đậu bảng nhãn làm quan Thái sư trong triều, được trong triều ngoài nội kính trọng. Khi về hưu được nhà vua sức cho quan Bộ Lễ về tận nhà đúc tượng khi cụ còn sống. Những đời sau, đời nào cũng có người đậu tiến sĩ, cử nhân. Từ sau Cách mạng Tháng Tám đến nay số tiến sĩ cử nhân được nhân lên bội phần. Trong tráp vàng dưới gối cụ tổ có cuốn sổ vàng ghi danh sách từng cử nhân, tiến sĩ. Đời  sau nhiều hơn đời trước. Thật là vẻ vang. Ấy thế mà từ ngày mất tượng cụ tổ, năm ngoái chỉ được có một cháu vào đại học. Đau lắm.

Ông lại nghĩ đến công lao các cụ tổ ngày trước, gìn giữ lăng mộ, bia ký, chăm lo hương khói ngày giỗ khi sóc vọng. Ông vẫn nhớ cụ tam đại kể: xửa xưa có lần giặc giã nổi lên, các cụ phải cử đinh tráng canh gác bảo vệ nhà thờ. Có lần đổ máu mới giữ được ngôi từ đường trọn vẹn. Đời cụ thân sinh ra ông làm trưởng họ, cũng là thời kỳ chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ. Giữ được mạng người đã khó huống chi còn lo đến phụng thờ hương khói đều đặn được. Ấy thế mà bố ông quên cả đói rét, mặc cho bom đạn ngày đêm tính toán bảo vệ tượng cụ tổ, thần sắc, tộc phả. Ông bảo, còn tổ tiên còn mình, còn đời con đời cháu mãi mãi. Năm bốn bảy giặc Pháp bắn đại bác từ đường 5 vào làng, cả làng cháy rụi, ấy thế mà nhà thờ họ Triệu chỉ sứt mẩu vây rồng trên nóc, nhưng ông vẫn đập tường nhà xây hầm để bảo vệ. Giặc Pháp chiếm đóng, ông cùng cả làng tản cư. Người ta mang theo thóc gạo đồ dùng còn ông chỉ lo chuyển được tượng cụ tổ ra ngoài hậu phương an toàn. Ông cắt tấm nhiễu vàng khâu thành chiếc bao đủ để cụ tượng rồi khoác lên vai. Hơn hai mươi cân đồng, hơn hai mươi cây số mưa gió đường gập ghềnh, trơn trượt, bom đạn. Ông bảo chẳng thấy nặng thấy mệt, cứ chạy băng băng như có người đùn đẩy. Hòa bình lập lại ông lại đón cụ tổ về. Cứ như thế. Thời bao cấp đói kém, sắn khoai, ông vẫn lo hương khói chu toàn, đạn bom thời chống Mỹ thì có hầm hố ngụy trang. Tượng cụ tổ thần phả, đồ thờ tự lúc nào cũng an toàn, bóng loáng. Ấy thế mà đến đời con trai ông, thằng Triệu Nhu, làm quan to, giám đốc một công ty xuất nhập khẩu biên giới, gia tài là thế, nhà tầng xe hơi lên xe xuống ngựa, có cả trăm tỷ ở ngân hàng. Thế nhưng Nhu nói trắng trợn. Nó làm ra cả, chẳng có tổ tiên phù hộ nào sất. Cứ thế thì nay mai ông về với tổ tiên, đến lượt nó là trưởng cái họ danh giá này thì nguy lắm. Không chừng nó đem tổ tiên làm hàng hóa hết.

Thế mà thật. Vụ trộm cắp lấy hết của họ ông những thứ quý giá nhất. Chiến tranh bom đạn, chết chóc máu xương thì giữ được tổ tiên mà thời bình thì để mất. Ông Triệu Cương đi lang thang, than vãn, nước mắt lăn trên gò má.

Giữa lúc đau đớn đó thì ông lại nhận giấy gọi của tòa án một tỉnh biên giới để dự phiên tòa xử đứa con trai ông là giám đốc công ty xuất nhập khẩu Triệu Nhu vì tội quan hệ với nước ngoài buôn hàng quốc cấm. Thật là họa vô đơn chí. Mất tất cả rồi. Ông lặng đi. Nhưng đến khi tỉnh táo ông đã kịp nghĩ ra rằng, chính những đứa như con trai ông đã đem bán rẻ tổ tiên. Trước tòa, ông sẽ chỉ thẳng vào mặt nó về vụ mất trộm tượng cụ thượng tổ nhà họ Triệu của ông cũng như nhiều vụ mất trộm ở các nhà chùa, nhà thờ họ khác trong huyện ông.

Sau vụ ông thẳng thắn tố cáo kẻ buôn bán tổ tông nơi pháp đường, ông như người được hồi sinh, tỉnh táo sáng suốt hơn lúc nào hết.

Giữa lúc đó có một người lạ mặt, lơ lớ tiếng Tàu Khựa thì thào vào tai ông:

- Tôi có cách chuộc lại những pho tượng cụ tổ họ Triệu nhà ông. Nhưng với điều kiện: ông khuyên đứa con của ông bán lại toàn bộ đất đai, xí nghiệp của nó dọc biên giới vô thời hạn cho chúng tôi.

- Nghĩa là bán cả đất cho các ông.

- Đúng, thế mới chuộc được cụ tổ nhà các ông về quê chớ.

Không biết ai đã mách bảo để lúc này ông Triệu Cương, trưởng họ Triệu vanh vách trả lời: "Này các ông nhớ, đất ấy là mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc chúng tôi, có nước mới có tổ tông, gia đình. Một tấc cũng không bán". Trả lời xong bằng câu đanh thép đó, ông Triệu Cương cười hảy nhìn theo kẻ lạ mặt lủi thủi đi ra. Tại sao ông trả lời kẻ lạ mặt kia lưu loát, hùng biện như vậy. Có phải chăng, đêm qua trong giấc mơ, cụ tổ đã trở về nhắc nhở ông. Cụ tổ đã biết trước điều đó sẽ xảy ra? Ông còn nghe trong mơ, cụ tổ nói rất lớn: "Hồn tôi có thể rời qua thân xác. Chúng chỉ có thể giam cầm được xác tôi, còn hồn tôi luôn về bên quê hương, đất nước”.

Vậy đúc lại tượng cụ tổ rồi lập đàn chiêu hồn cụ tổ về là được. Ông Triệu Cương quyết định như vậy.

Đàn chiêu hồn cụ tổ họ Triệu được tổ chức rất trang nghiêm. Triệu Nhu chắp tay vái lạy họ hàng xin được tha thứ rồi từ từ kéo màn nhiễu đỏ, pho tượng cụ tổ họ Triệu lộ dần ra trước sự ngạc nhiên của quan khách và bà con họ Triệu. Trong giọng nói run run như lời tạ tội, Triệu Nhu trình bày: Thời gian qua, anh đã đôn đáo chạy nhờ trường mỹ thuật dựa trên tấm ảnh cụ tổ được chụp từ trước để tạc lại. Trời, giống y như tượng cũ nhưng sáng sủa hơn nhiều. Trong hương bay khói tỏa, kèn trống nổi lên, ông pháp sư mũ mã, quần áo đỏ diễu quanh đàn tràng đọc những lời thần chú rồi gắn tên cụ tổ vào lưng tượng trong tiếng vỗ tay rầm rầm.

Truyện ngắn củaNGUYỄN LONG NHIÊM