Cần tuyên truyền rộng rãi hơn

Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 08:23, 19/06/2016

Thời gian tới, nhiều người dân sẽ không thu được tín hiệu các kênh VTV1, VTV2, VTV3, VTV4, VTV6, VTC9… khi truyền hình tương tự mặt đất bị "khai tử".



Nhiều người dân còn lơ mơ về việc dừng phát sóng truyền hình tương tự


Theo Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất (gọi tắt là số hóa truyền hình) Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, đến ngày 15-8, Hà Nội và 3 thành phố khác sẽ ngừng phủ sóng toàn bộ các kênh truyền hình tương tự (THTT) mặt đất. Là vùng phụ cận Hà Nội, Hải Dương có khoảng 70% số hộ đang sử dụng ti vi thu sóng THTT, đồng nghĩa với việc các ti vi này có thể không thu được tín hiệu nhiều kênh truyền hình như VTV1, VTV2, VTV3, VTV4, VTV6, VTC9… Cũng theo lộ trình số hóa truyền hình, đến ngày 31-12-2016, Hải Dương sẽ ngừng phủ sóng THTT. Ngoài việc không bắt được các kênh truyền hình trên, nhiều hộ có thể không xem được kênh truyền hình Hải Dương. Tuy nhiên, đến thời điểm này nhiều người dân chưa quan tâm đến sự thay đổi này.

Khi được hỏi về THTT, nhiều người thắc mắc là tại sao phải dừng phủ sóng trong khi ti vi vẫn xem được các kênh truyền hình bình thường, tại sao giờ phải nối thêm đầu thu? Theo Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT), dừng phủ sóng THTT là việc làm mang tính bước ngoặt của ngành truyền hình nhằm xóa bỏ công nghệ thu và phát sóng truyền dẫn đã lạc hậu, tiến tới công nghệ truyền hình số với chất lượng tốt hơn, số lượng kênh nhiều hơn, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng tần số truyền hình. Để xem được truyền hình số với chất lượng tốt hơn, người dân phải mua thêm đầu thu kỹ thuật số DVB-T2 nối vào ti vi hoặc mua ti vi mới đã tích hợp sẵn đầu thu. Riêng những hộ nghèo và cận nghèo sẽ được cấp và lắp đặt đầu thu miễn phí.

Gia đình ông Nguyễn Văn Sơn ở thôn Lẻ, thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) là 1 trong hơn 30.000 hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn tỉnh đã được lắp đầu thu kỹ thuật số DVB-T2. Ông Sơn cho biết: “Tôi có hiểu THTT là gì đâu, chỉ thấy các anh bưu điện đến lắp cho đầu thu. Được cấp đầu thu miễn phí là tôi vui rồi”. Ông Sơn cũng không biết đến thời điểm 31-12 năm nay Hải Dương sẽ dừng phủ sóng hoàn toàn các kênh THTT.  Cùng ở thôn Lẻ còn có 8 hộ nghèo và cận nghèo được cấp đầu thu miễn phí như gia đình ông Sơn nhưng tất cả đều không biết gì về việc dừng phủ sóng THTT và cũng chưa quan tâm khi hiện tại họ vẫn xem được các kênh truyền hình bình thường.

Ở thị trấn Gia Lộc, Thanh Hà, Bình Giang thậm chí ngay tại TP Hải Dương nhiều người không biết thời điểm dừng phủ sóng THTT.

Ông Phạm Huy Thắng, Trưởng Phòng Viễn thông (Sở TTTT) cho biết: “Đà Nẵng đã dừng phủ sóng THTT mặt đất từ ngày 1-11-2015. 25.000 đầu thu kỹ thuật số DVB-T2 đã được bán hết chỉ trong 1 ngày, nhiều cửa hàng nâng giá gây ra cơn sốt ảo. Hải Dương sẽ rút kinh nghiệm từ Đà Nẵng bằng việc tăng cường công tác tuyên truyền về vấn đề này”.

Hiện tại, Hải Dương đã thành lập Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình. UBND tỉnh cũng đã yêu cầu Sở TTTT, Báo Hải Dương, Đài Phát thanh - Truyền hình, các Sở: Công thương, Tài chính, Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND cấp huyện, các doanh nghiệp viễn thông... phối hợp tuyên truyền thực hiện đề án. Sở TTTT đã mở nhiều lớp tập huấn về đề án cho lãnh đạo một số sở, ban, ngành, doanh nghiệp liên quan, lãnh đạo các Trung tâm Văn hóa, thông tin cấp huyện, lãnh đạo 265 đài truyền thanh cơ sở. Trong các buổi giao ban báo chí, Sở TTTT cũng tăng cường tuyên truyền về lộ trình thực hiện đề án. Thời gian tới, Sở TTTT phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiến hành khảo sát lại số hộ nghèo, cận nghèo (theo chuẩn mới) để nhanh chóng cấp đầu thu miễn phí đến các hộ này. Ngoài ra, sở sẽ chuẩn bị tài liệu để tuyên truyền trực tiếp về thời điểm dừng phủ sóng THTT và hướng dẫn người dân cách để xem truyền hình trên hệ thống đài truyền thanh cơ sở.

Đến nay, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã phối hợp với các doanh nghiệp được Bộ TTTT cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình để tìm phương án kỹ thuật tốt nhất cho quá trình truyền dẫn, phát sóng. Tuy nhiên, để thông tin tuyên truyền về đề án số hóa truyền hình đến được với người dân nhiều hơn, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh cần mở một chuyên mục về nội dung này. Ngoài ra, các doanh nghiệp cung cấp đầu thu kỹ thuật số, ti vi cần cam kết không tăng giá đầu thu. Người dân cũng cần tích cực nắm bắt thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng để hiểu rõ vấn đề này.

MAI LINH

Số hóa truyền hình mặt đất được hiểu đơn giản là quá trình chuyển đổi công nghệ phát sóng và thu, xem từ truyền hình tương tự mặt đất sang truyền hình số mặt đất. Quá trình số hóa truyền hình mặt đất được thực hiện cả ở phía phát và phía thu nhằm mang lại nhiều lợi ích cho người xem truyền hình, công nghiệp truyền hình và Nhà nước. Khi quá trình số hóa này hoàn thành, truyền hình số mặt đất sẽ thay thế hoàn toàn truyền hình tương tự mặt đất. Lợi ích của người xem truyền hình khi chuyển sang sử dụng truyền hình số: Truyền hình số cho chất lượng âm thanh, hình ảnh trung thực và sắc nét; không còn hiện tượng "bóng ma", "muỗi" như truyền hình tương tự. Truyền hình số có thể cung cấp số lượng kênh chương trình nhiều hơn truyền hình tương tự. Người xem được hưởng thêm các tiện ích khác, ví dụ như dịch vụ hướng dẫn chương trình điện tử (EPG), truyền hình tương tác…

(Theo Cục Tần số vô tuyến điện)