Sống như những đóa hoa

Truyện ngắn - Ngày đăng : 13:03, 21/06/2016



Ly cầm tấm thẻ nhà báo trên tay mắt bỗng nhiên cay xè. Ðể có được nó Ly đã phải cố gắng suốt bốn năm qua. Ngồi nhớ lại những ngày đầu mới về tòa soạn, nhìn đâu cũng chỉ thấy khó khăn, bỡ ngỡ. Tờ báo mà Ly chọn để nộp đơn xin việc đang trong giai đoạn khủng hoảng. Internet phát triển, báo mạng lên ngôi nên những tờ báo giấy làng nhàng sớm muộn gì cũng rơi vào tình trạng ngoi ngóp rồi tự chết. Người cầm trịch cũ đã chuyển công tác, người mới về thay. Phóng viên lâu năm chán nản, ai cũng đều nghe ngóng tình hình dù thừa biết rất khó để vực dậy một tờ báo coi như đã chết lâm sàng. Người đi thì không ngoảnh lại. Người ở lại thì chểnh mảng bài vở. Cầm tờ báo trên tay chỉ thấy những bài viết dễ dãi, thậm chí vừa đọc là biết ngay phóng viên đã xào xáo nhào nặn từ đống thông tin hỗn độn trên mạng. Báo không bán được thì lấy đâu tiền chi trả lương và nhuận bút. Phóng viên xoay đủ nghề tay trái mong kiếm thêm thu nhập chèo chống gia đình giữa thời buổi vật giá leo thang. Một tờ báo sống dở chết dở đã mở ra cho Ly cơ hội thử sức với nghề cùng với mười hai phóng viên thử việc khác. Hầu hết đều là sinh viên ngành báo mới ra trường, chỉ có Ly là học ngành sư phạm trong tay không có kinh nghiệm gì về nghề báo. Với niềm đam mê và lời khích lệ của bố, Ly quyết tâm từ bỏ công việc ổn định để theo đuổi con đường mới.

Chiều nay, Ly bắt xe về nhà. Nhà nằm ở ngoại thành, xe len lỏi giữa dòng người ngược xuôi rồi thong thả trôi qua cây cầu bắc ngang sông, bỏ lại sau lưng mọi bon chen chật chội. Ly tựa đầu vào cửa kính nhìn những thửa ruộng đang vào mùa thu hoạch. Những tấm lưng ướt đẫm mồ hôi gợi cho Ly cảm giác vừa gần gũi vừa xót xa. Trước khi chuyển sang trồng hoa nhà Ly cũng từng cấy lúa. Tuổi thơ của Ly gắn liền với mùa màng thóc lúa. Với những bữa cơm ăn vội giữa đồng trưa. Những buổi chiều muộn mấy mẹ con cấy thi với mảnh trăng non, đến lúc lên bờ đã thấy nhà người ta quây quần bên mâm cơm tối. Giờ Ly ước gì còn được ăn những bữa cơm đông đủ mặt người. Anh trai đi xa nửa vòng Trái đất để sống một cuộc đời đầy hoài bão. Bố đã về nơi chín suối đúng mùa những thửa ruộng trồng hoa hướng dương nở rộ. Nhà chỉ còn mẹ già, con chó nhỏ và gió vườn thổi xào xạc ngày đêm. Ly ở gần thôi nhưng rất ít khi về. Công việc bận rộn, báo ra hằng ngày nên phóng viên chịu áp lực bài vở cao. Ly gần như không có ngày nghỉ đúng nghĩa. Không bạc mặt trên các chặng đường ngược xuôi thì lại cắm đầu vào máy tính. Sự thảnh thơi hiếm hoi trong ngày có chăng là lúc bài đã viết xong, tự cảm thấy hài lòng trước một đề tài khó nhằn. Những lúc ấy Ly thường vùi mình trong chăn chiếu nằm nhớ lại những ngày tháng xa xưa. Hình ảnh về người bố quá cố chưa khi nào mờ nhạt trong tâm trí Ly. Chiếc xe đạp cọc cạch bố thồ cả tuổi thơ anh em Ly trên chiếc yên gỉ sét. Mẹ đau yếu, bố thay mẹ chợ búa bán mua. Trên xe bao giờ cũng buộc hai chiếc sọt để chở sắn ngô đi bán và mua về từng bó rau dưa. Anh em Ly ngồi sau xe tranh nhau nói về những ước mơ. Mọi thứ trong con mắt trẻ thơ còn trong ngần đẹp đẽ chưa vướng bụi trần. Bố vừa rướn người đạp xe lên dốc vừa cười. Mồ hôi ướt đẫm lưng áo bố. Thuở ấy Ly ước lớn lên được làm trong đài tiếng nói chỉ vì mê giọng đọc truyện đêm khuya của cô phát thanh viên. Còn anh trai mơ làm phi công để được tự do bay lượn trên bầu trời rộng lớn. Hai mươi năm đã trôi qua chiếc xe đạp năm xưa còn treo trên nóc bếp. Con đường ngày xưa mấy bố con đèo nhau đi chợ giờ lẫn đâu đó trong khu đất trồng hoa. Con đường bê tông rộng rãi nối quê hương gần hơn với thành phố đông đúc, ngày đêm ngược xuôi xe cộ. Cuộc sống có đổi thay nhiều mà Ly vẫn tìm thấy đâu đó dấu vết của thời gian. Nhưng những lần trở về Ly không bao giờ còn nhìn thấy bố. Suốt ba năm nay Ly sống trong nỗi giày vò ân hận. Nếu như hôm ấy Ly đừng tham công tiếc việc thì biết đâu đã kịp trở về nắm lấy bàn tay gầy gò ấy để nghe bố căn dặn vài điều.

*


Ly bắt đầu nuôi mơ ước trở thành nhà báo khi mười ba tuổi. Thời điểm đó đất trồng lúa đã chuyển sang trồng hoa. Người ta gọi làng của Ly là làng hoa. Cứ mờ sáng là những chuyến xe nối đuôi nhau chở hoa vào thành phố. Bố thường dậy khi những cánh hoa còn đẫm sương đêm, một mình thu hoạch hoa để kịp giao cho khách. Nhiều hôm trở về nhà Ly nhận thấy hơi lạnh toát ra trong từng hơi thở của bố. Nhưng khi vuốt lại phẳng phiu những đồng tiền bán hoa, bố luôn nở nụ cười ấm áp. Trồng hoa mang đến thu nhập ổn định cho những người nông dân quê Ly. Nhiều ngôi nhà mới được xây lên. Những đứa trẻ chuyên tâm lo học hành vì bố mẹ chúng thôi không còn nghĩ đến việc đẩy chúng vào các khu công nghiệp sau khi học xong phổ thông. Ấy vậy mà bỗng nhiên chính quyền địa phương thu hồi đất để xây dựng nhà máy may. Người dân không chịu. Sự việc xảy ra xô xát không đáng có. Ðúng lúc ấy báo chí xuất hiện. Nói đúng hơn một chị nhà báo đã tìm đến viết bài. Ly lúc đó còn nhỏ không hiểu hết được sự việc diễn ra sau đó, chỉ nhớ nhờ những bài báo điều tra ấy mà người dân làng chị giữ lại được mảnh đất trồng hoa. Ly nhớ mãi ánh mắt cô nhà báo, cương trực khi làm việc với chính quyền địa phương nhưng lại đầy cảm thông khi tiếp xúc với người nông dân cục mịch. Ly yêu ánh mắt ấy đến mức đã mơ ước sau này trở thành một nữ phóng viên.

Nhưng khi đăng ký thi đại học Ly lại chọn ngành sư phạm. Mặc dù bố hết mực khuyên can, ông muốn Ly nỗ lực thực hiện mơ ước của mình. Lúc đó Ly chỉ nghĩ mẹ ốm yếu lâu năm tiền thuốc thang hằng tháng không phải ít. Sau nhiều năm gồng gánh cả gia đình bố cũng sắp sức tàn lực kiệt. Ngành sư phạm không mất tiền học phí, mà đầu ra khi đó còn dễ dàng chứ không như bây giờ. Ly ra trường với tấm bằng khá, xin về dạy trong trường trung học cách nhà bốn mươi cây số. Cứ tưởng chỉ cần yên tâm công tác rồi lấy chồng sinh con là ổn định. Nhưng đó chỉ là sự yên ổn bề ngoài. Mỗi sáng đứng trên bục giảng Ly lại tự hỏi vì sao mình đứng ở đây? Sao Ly lại lựa chọn một công việc mà mình không đam mê? Liệu Ly có tư cách gì để nói với học trò của mình về ước mơ, hoài bão? Ðêm đến khi mọi người đã yên giấc, Ly ngồi soạn giáo án mà lòng không ngừng nghĩ ngợi vẩn vơ. Bao nhiêu bất công trong đời sống đập vào mắt mỗi ngày. Ngay cả môi trường giáo dục mà Ly công tác cũng đầy rẫy tiêu cực. Những con người thấp cổ bé họng đang cần được cộng đồng sẻ chia, giúp đỡ. Ly thấy mình nhỏ bé trước dòng đời cuộn chảy ngoài kia, muốn làm gì đó cho đời bớt đi tiếng kêu than mà nhiều khi bất lực. Ðành rằng nghề giáo đầy cao quý nhưng đó không phải là niềm đam mê nên Ly không nghe thấy những thúc giục cống hiến trong lòng. Vài lần Ly tâm sự với bạn bè về ước mơ chuyển nghề làm báo. Nhưng lần nào bạn cũng giãy nảy: “Ðiên à, sung sướng gì chứ. Làm phóng viên chạy tin bài bục mặt ngoài đường. Ðàn ông còn đỡ, chứ phụ nữ sau này còn chồng con. Ði dạy học còn chẳng có thời gian dành cho gia đình nữa là làm báo. Mà suy cho cùng với phụ nữ còn gì quan trọng hơn gia đình chứ?”. Có người cười khẩy bảo: “Ðam mê ư? Ðể xem được bao lâu? Người ta được học hành bài bản mà còn chìm nghỉm giữa làng báo huống hồ không chút kinh nghiệm lót tay”. Những lời khuyên can ấy khiến Ly đôi lúc cũng hoang mang, loay hoay mãi không trả lời nổi những câu hỏi của chính mình. Những lúc ấy chỉ có bố ở bên động viên khích lệ. Có lần nhìn vườn hoa hướng dương nở rực rỡ giữa trời, bố bảo:

- Con cứ sống như những đóa hoa kia. Hướng về phía những điều tốt đẹp để sống hết mình cho đam mê hoài bão. Ðừng để sau này phải ân hận điều gì.

- Nhưng con đã không còn trẻ nữa.

- Bố thì nghĩ chẳng bao giờ là muộn cho một khởi đầu mới cả.

*


Nắm chặt tấm thẻ nhà báo trong tay Ly chỉ muốn xe chạy thật nhanh để được về ngồi bên mộ bố. Bố ra đi đã gần bốn năm vì căn bệnh ung thư giai đoạn cuối không còn cơ hội chạy chữa. Vì vợ con mà bố đã một mình chịu đựng những cơn đau âm ỉ. Thời gian đó Ly đang vắt kiệt mình cho những bài báo đầu tiên. Một tờ báo giãy chết đang cần đến lực lượng cầm bút trẻ với những đề tài mới lạ để cầm cự và vực dậy dần dần. Nên tổng biên tập chẳng do dự khi gật đầu đồng ý nhận một cô giáo rẽ ngang sang nghề báo như Ly. Sáu tháng thử việc không lương, nhuận bút mỗi bài báo còn không đủ chi tiền công tác phí, nhiều người đã đuối sức bỏ giữa chừng nhưng Ly vẫn cố gắng bám trụ tới cùng. Dù vào làm nghề mới biết không phải điều gì mình muốn viết là có thể viết. Không phải tất cả những lần tranh đấu cho lẽ phải đều có kết quả tốt đẹp. Càng đi nhiều càng thấy mình bé nhỏ trước dòng chảy của đời sống này. Nhưng nghề báo đã khiến Ly không còn run sợ. Ðã cho Ly ý chí của một người đấu tranh cho công lý và lẽ phải. Chỉ có điều người Ly gầy rộc, mắt thâm quầng vì thiếu ngủ. Ngày nào cũng đi cả trăm cây số về các tỉnh lân cận. Về đến tòa soạn lại ngồi gỡ băng ghi âm đến ù tai. Ðêm nào cũng thật khuya mới xong công việc. Nhiều hôm muốn gọi điện về nhà cũng không có thời gian. Chưa khi nào Ly thấy mình chạy đua với thời gian gấp gáp đến thế.

Bố mất đúng hôm Ly được cử đi điều tra theo thư bạn đọc. Mẹ gọi điện nhiều cuộc nhưng đang dở công việc nên Ly không kịp bắt máy... Khi về được đến nhà thì bố đã không đợi được Ly. Bố nằm đó gọi không thưa, lay không dậy. Những năm qua mỗi lần nghĩ về bố Ly đều thấy có lỗi. Dù Ly biết bố sẽ không trách móc đứa con gái này đâu. Vì cả cuộc đời bố nhẫn nại hy sinh để con cái đến được những chân trời mơ ước. Tấm thẻ nhà báo này là món quà Ly muốn gửi đến thiên đường. Ở nơi đó bố có thể mỉm cười khi thấy con gái mình đã sống như những đóa hoa…

Truyện ngắn củaVŨ THỊ HUYỀN TRANG