Nỗi niềm phụ bếp

Đời sống - Ngày đăng : 16:31, 21/06/2016

"Ơn giời, chồng tôi về đây rồi", vừa nhìn thấy chị ở cửa anh đã nói. Lúc ấy, anh vẫn đang cởi trần trong bếp; trên bàn ăn, mấy món ưa thích của bọn trẻ đã dậy mùi.



Chị chỉ biết cười, rồi vội vã thay quần áo, xắn tay vào giúp anh sắp mâm.

Đã mấy năm nay, dường như anh cũng đã quá quen với cảnh đứng bếp thay chị, đưa đón con cũng anh, chợ búa đa phần cũng là anh. Kể từ ngày chị được điều động từ phòng phóng viên về làm biên tập, cuộc sống cả gia đình đã bị đảo lộn hết cả. Thực ra chị cũng đã chuẩn bị tư tưởng từ trước bởi đã mấy lần chị nghe người này, người kia kháo nhau kiểu gì chị Miên cũng sẽ bị điều xuống Phòng Thư ký tòa soạn. Bởi chị viết gọn gàng, ít phải sửa chữa. Lãnh đạo phòng tin tưởng nên thường giao cho chị giúp đỡ, biên tập bài cho các em sinh viên thực tập, phóng viên thử việc. Ban đầu chị cũng không muốn về bó chân gầm bàn nhưng khi lãnh đạo cơ quan gọi xuống động viên, chị đâu có sự lựa chọn nào khác. Các anh lãnh đạo nói công việc bếp núc của tòa soạn tuy áp lực cao, vất vả nhưng cũng là cơ hội rèn giũa tốt nhất cho người làm báo. Trong mấy chục phóng viên, Ban Biên tập chỉ "chọn mặt gửi vàng" chứ không phải ai cũng được gọi vào ngồi ghế "nóng". Song chị không thể nào hình dung hết sự vất vả của công việc mới.

Trước kia làm phóng viên tuy có lúc rất bận rộn, sáng sớm hơn 5 giờ đã phải phóng xe về huyện để kịp đưa tin giao quân hoặc khai giảng năm học mới, có ngày chị phải đi hơn 100 cây số qua 2-3 huyện để lấy tư liệu viết bài nhưng chị hoàn toàn chủ động được công việc. Viết xong bài đôi lúc chị cho phép mình nghỉ xả hơi nửa ngày, thậm chí 1 ngày. Mỗi tháng định mức hơn 20 tin, bài đối với một phóng viên viết khỏe, năng nổ như chị thì chỉ chừng nửa tháng đã hoàn thành nên chị thấy rất thoải mái. Chỉ thỉnh thoảng lại một phen "đau đầu" khi thực hiện những bài điều tra, phê bình bị các nhân vật liên quan tìm để "hỏi tội". Nhưng phần thưởng cho những lần như thế thường là những giải thưởng, là lời khen ngợi của lãnh đạo phòng, lãnh đạo cơ quan và đặc biệt là những người dân được bài báo bênh vực.

Còn bây giờ, chị không khỏi có lúc cảm thấy công việc thật nhàm chán, mệt mỏi. Cách một ngày chị lại phải làm đến tầm 8 giờ tối mới được rời nhiệm sở. Có những hôm trong tỉnh diễn ra những sự kiện quan trọng, chị còn phải chờ tin đến 11-12 giờ đêm. Để chuẩn bị cho một ca trực như thế, chị có trách nhiệm tìm, sắp xếp, biên tập tất cả bài, chuyên mục, tin, ảnh để trình lãnh đạo phòng... Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng áp lực công việc rất lớn. Bởi báo ra hằng ngày, tin tức anh em phóng viên, cộng tác viên thường gửi về dồn dập vào cuối giờ chiều. Một mình chị vừa mở email của tòa soạn để in tin, ảnh, vừa biên tập, gọi điện để trao đổi làm rõ những thông tin chưa chính xác hoặc còn thiếu... Những hôm đủ tin còn đỡ, có những hôm thiếu tin, chị lại phải gọi điện đôn đáo tới từng phóng viên, cộng tác viên để "đặt hàng" họ. Rồi những khi anh em kỹ thuật viên báo trang này còn thiếu mấy trăm chữ, chị lại lật đật đi tìm những chuyên mục hướng dẫn bạn đọc như Y tế với sức khỏe, Bạn cần biết... để "vá" cho vừa trang báo. Ngoài ra, chị còn phải đảm nhiệm cả tá công việc không tên khác mà nếu không phải người trong bộ phận này thật khó hình dung được. Đó là sắp xếp quản lý tin, bài, ảnh, chuyên mục của phóng viên, cộng tác viên, tiếp đón cộng tác viên, thống kê kết quả thực hiện chương trình tuyên truyền trên mặt báo xem có khớp với chương trình đăng ký từ đầu tháng của mỗi phóng viên không để giúp các phòng phóng viên làm căn cứ bình xét thi đua...

Ai nhìn bề ngoài cũng nghĩ các chị toàn quần là áo lượt, váy vó diện dàng, mùa đông ngồi trong phòng kín, mùa hè phòng lại bật điều hòa nhiệt độ mát rượi thì còn sướng gì bằng. Nhưng khi tình cờ chứng kiến những ca trực vất vả của các chị, họ cũng sợ. Mới đây, một phóng viên nữa lại được điều về bộ phận của chị. Mặt cô bé dài như cái bơm khi một đồng nghiệp trong phòng đùa rằng: "Em về làm cơm thắp hương báo cáo với các cụ tổ tiên đi. Nhớ khấn rõ là từ nay trở đi xin các cụ thông cảm, tang ma, giỗ Tết trong họ con không thể chu toàn". Nói vui là vậy nhưng sự thực là do bộ phận chị còn thiếu người, công việc nhiều nên một người nghỉ sẽ ảnh hưởng đến cả những người khác trong dây chuyền. Vì thế mỗi khi ốm đau hoặc nhà có việc riêng, phải đổi ca trực cho nhau ai cũng thấy ngại. Đôi khi ra đường chị như người lơ ngơ, giật mình khi nhìn thấy một tòa nhà mới mọc lên hồi nào chả biết, nghe chị em phóng viên đồn quán này mới có món mới ngon lắm mà mãi chị cũng chả sắp xếp đi được. Anh bảo: "Thật không thể tin được từ một phóng viên năng nổ, ngõ ngách nào trong tỉnh cũng xông pha như em giờ lại biến thành gà công nghiệp, cái gì cũng ấm ớ". Chị chẳng dám thanh minh vì đấy là sự thật.

Dạo này, chị học kinh nghiệm của người bạn cùng phòng: Không thể thay đổi công việc thì phải làm tốt công tác "chồng vận". Thỉnh thoảng trong bữa cơm chị bảo: "Hôm nay trời nắng nóng kinh khủng anh nhỉ? Cũng may em không phải đi cơ sở như hồi phóng viên nữa chứ nắng nôi thế này ra đường ai cũng phóng vội, phóng nhanh, nguy hiểm biết đâu mà lường. Ngày còn phóng viên, chả có lần em bị ngã xe vì say nắng đấy thôi". Có lúc chị lại kể: "Cứ tưởng bọn em là khổ nhất. Hôm nay nghe đứa bạn em làm trên Hà Nội bảo chúng nó còn phải trực tin cả đêm để sáng sớm có báo phục vụ bạn đọc. Nhất là mùa EURO này, phóng viên viết xong bài bình luận cũng đã gần sáng thì người biên tập còn trực muộn đến cỡ nào". Có vẻ như anh cũng hiểu nên dạo này không còn thấy anh kêu ca nhiều nữa. Hôm nay tan ca trực về, chị thấy trên bàn có một lọ sen hồng tuyệt đẹp. Chị còn chưa kịp hỏi đã thấy con gái khoe: "Bố bảo mua hoa tặng mẹ nhân ngày nhà báo đấy ạ". Chị mỉm cười hạnh phúc: "Vậy là bố yên tâm quản bếp nhà để mẹ lo phụ bếp ở tòa soạn rồi con nhỉ?".

KIM THANH