"Cát tặc" chỉnh luồng sông Lạch Tray

Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 10:22, 25/06/2016

Chỉ trong vòng gần 2 năm, hàng chục mẫu ruộng thuộc cánh đồng Cây Chanh, xã Đại Đức (Kim Thành) nằm ở ngoài đê sông Lạch Tray đã bị "cát tặc" biến thành sông.




Tàu thuyền qua lại tấp nập trên luồng sông mới mà trước đây là một phần cánh đồng Cây Chanh

Ruộng thành sông

Những ngày này các xã khu C của huyện Kim Thành đang khẩn trương thu hoạch lúa để chuẩn bị bước vào vụ  rau màu mới. Tại cánh đồng Cây Chanh, xã Đại Đức chỉ thưa thớt vài người chăn thả vịt, đánh bắt tôm cá. Từ nhiều năm nay khu đồng phù sa hàng nghìn năm bồi đắp này đã bị bỏ hoang hóa. Vì nạn khai thác đất, cát trái phép, cánh đồng này đang có nguy cơ bị xóa sổ trên bản đồ. Dù được ông Bùi Văn Nhiên ở thôn Đình Giọng cố gắng miêu tả nhưng khó khăn lắm tôi mới mường tượng được đồng Cây Chanh khi còn nguyên vẹn. Hàng chục mẫu ruộng màu mỡ nay ngập trắng, mênh mông nước. “Sông Lạch Tray chảy qua xã Đại Đức vốn như một chữ U ôm trọn đồng Cây Chanh và đồng Mẫu Đuối giờ bị cắt ngang, chia cắt hai cánh đồng bởi dòng sông rộng cả trăm mét, sâu hàng chục mét. Đến nỗi tàu thuyền qua lại đây cũng không phải đi vòng theo khúc sông chữ U trước đây mà chạy tắt qua luồng mới do... cát tặc đã khai thông”, ông Nhiên cho biết.

Tôi đi xe máy theo ông Nhiên ra sát bờ sông để thấy rõ hơn sự tàn phá khủng khiếp của “cát tặc” với đồng đất nơi đây. Con đê bao dài hơn 5 cây số nay chỉ còn khoảng 1 cây số với đoạn cuối nằm lọt thỏm giữa dòng sông, có thể bị đánh bay bất cứ lúc nào. Khu vực này trước đây là nơi cư ngụ của một số hộ dân xã Bát Trang, huyện An Lão (Hải Phòng) ở bên kia sông sang xâm canh. Theo lời ông Nhiên, vì đồng đất cứ mất dần nên nguồn thu giảm sút. Nước sông bao vây xung quanh, ngày càng “ăn” sát vào móng nhà nên họ phải chuyển về làng sinh sống. Tại đây nay chỉ còn trơ trọi vài móng nhà, giếng nước mà người dân không thể di chuyển. Những cây vải, cây bưởi đang gần tới ngày thu hoạch cũng bị bỏ mặc không còn ai quan tâm, chăm sóc. Trước đây, chỉ cần đi xe máy, xe đạp men theo con đê bao này là người dân xã Đại Đức có thể ra tới đồng Mẫu Đuối. Nhưng từ khi “cát tặc”... chỉnh luồng sông Lạch Tray, cánh đồng Mẫu Đuối như một hòn đảo hoàn toàn cô lập giữa dòng nước mênh mông. Mỗi khi có việc cần đi ra đồng người dân đều phải thuê đò chở qua. Chúng tôi phải trả 20.000 đồng một người để nhờ ông Đoàn Văn Kíp ở thôn Quán, xã Bát Trang, huyện An Lão (Hải Phòng) chở đò sang cánh đồng Mẫu Đuối. Con đò này đã tồn tại từ rất nhiều năm phục vụ đi lại của người dân 2 xã Bát Trang và Đại Đức qua sông Lạch Tray, nay lại có thêm công việc mới là chở người dân xã Đại Đức ra đồng. Lòng sông tại địa điểm này chỉ rộng chừng vài chục mét. Nhưng nếu đoạn đê bao tại đây bị mất nốt thì sông có thể rộng thêm hàng trăm mét. Không nhớ con đò có từ khi nào, nỗi lo của ông Kíp bây giờ là đò còn duy trì được đến bao giờ. “Đò nhỏ nên chạy sông rộng rất nguy hiểm. Nếu họ hút sập mất chỗ đê bao này thì có lẽ đò cũng phải ngừng hoạt động. Bây giờ người qua lại cũng ít mà đầu tư hàng trăm triệu đồng đóng đò mới thì tôi cũng không có vốn”, ông Kíp lo lắng.

Ngồi trên con đò nhỏ dập dềnh, nhìn tàu thuyền tấp nập qua lại trên dòng nước trước đây vốn là đồng đất trù phú chúng tôi không khỏi xót xa. Theo tính toán chưa đầy đủ của người dân nơi đây thì đã có khoảng trên 30 mẫu ruộng đồng Cây Chanh bị biến thành sông. Với chiều sâu những diện tích đất bị “bốc hơi” chừng 20-25m, chỉ bằng những phép tính đơn giản cũng có thể thấy được khối lượng đất, cát và nguồn thu của những người rút ruột đồng ruộng lớn đến mức nào.

Bất lực giữ đất

Theo một số người dân phản ánh, tình trạng khai thác cát trái phép tại khu vực đồng Cây Chanh đã xuất hiện từ nhiều năm nay. Do cấy trồng không mang lại thu nhập cao, lại thường xuyên bị nạn khai thác cát đe dọa nên việc trồng lúa không được coi trọng. Đến năm 2014, tại đây đã có tình trạng người dân chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho một số hộ với mục đích được cho là để làm vùng nuôi rươi, nuôi cáy. Thậm chí, việc làm trên còn được chính quyền xã Đại Đức làm trọng tài và ký hợp đồng với những hộ thuê đất. Về vấn đề này, tháng 8-2014 báo Hải Dương đã có bài “Dân bán đất 03, chính quyền xã làm ngơ?” phản ánh thực trạng và đề nghị các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Sau khi có công dân thôn Đồng Tâm, xã Đại Đức gửi đơn tố cáo, ngày 18-5-2015, UBND huyện Kim Thành có thông báo số 409/TB-XMTC kết luận vụ việc. Trong đó nêu rõ tổng diện tích đất mà người dân có ruộng ở đồng Cây Chanh cho thuê là trên 388.000 m2. Có 3 cá nhân bỏ tiền ra thuê đất là ông Nguyễn Văn Sơn ở thôn Đại Tiến (trên 54.000 m2), ông Đồng Xuân Công ở xã Kim Đính (trên 289.000 m2) và ông Nguyễn Văn Bình ở thôn Đại Tiến (trên 44.000 m2). Thông báo cũng khẳng định việc UBND xã Đại Đức đại diện cho các hộ dân có đất nông nghiệp được giao ổn định, lâu dài cho các công dân khác thuê trên 388.000m2 đất là chưa bảo đảm tư cách pháp nhân. Để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND xã năm 2014, công chức địa chính - nông nghiệp - xây dựng - môi trường và công chức tài chính - kế toán xã; đồng thời yêu cầu UBND xã Đại Đức tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai tại khu vực trên để hạn chế các vi phạm có thể xảy ra.



Nơi nước ngập trắng băng này trước đây là đồng ruộng

Gặp lại một số người dân có ruộng ở đồng Cây Chanh, đa số họ đều có chung tâm trạng nuối tiếc, thậm chí đau xót khi nhìn từng mẫu ruộng biến thành sông. Nhiều người trong số họ phải chung tình cảnh nếu không nhận tiền thì ruộng cũng bị “cát tặc” hút mất nên đành ngậm ngùi cầm 5 triệu đồng/sào để vĩnh viễn mất đi tư liệu sản xuất của gia đình. Thậm chí có những người phải bán đất vì sự đã rồi. Ông Nguyễn Văn Thênh ở thôn Tân Tiến cho biết: “Vợ chồng tôi hiện đang sống với các con bên xã Tam Kỳ (Kim Thành). Lúc đầu nghe có người thuê đất để nuôi cáy, nuôi rươi tôi cũng phấn khởi vì đất để hoang hóa lãng phí. Nhưng đến khi về quê thì ruộng nhà tôi đã trôi sông, đành phải nhận 6,2 triệu đồng”.

Là người sâu sát với vụ việc và luôn đau đáu với từng mẫu đất ở đồng Cây Chanh, ông Phạm Văn Hao ở thôn Đồng Tâm là một trong số ít người không chịu bán ruộng. Hầu hết người dân đều nhận tiền bán ruộng nên không còn tha thiết với ruộng đồng của mình nên 2 năm nay chỉ có mình ông Hao ngược xuôi, đôn đáo phản ánh vụ việc. Nhiều lần ông Hao đã gửi đơn thư đến các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh và trung ương phản ánh tình trạng trên. Tuy nhiên, cơ quan chức năng thì đã có phúc đáp, thông báo trả lời mà đồng ruộng cứ âm thầm “bốc hơi” khiến ông cảm thấy đơn độc. “Mới có 2 tháng gần đây khi có đoàn công tác của tỉnh về kiểm tra các tàu cát mới chịu yên ắng. Tôi đã nhiều lần viết đơn kiến nghị nhưng không thấy có ai chịu trách nhiệm hay bị xử lý. Nếu vụ việc cứ chìm nghỉm như thế này thì chả mấy nữa mà cả cánh đồng Cây Chanh cũng bị biến thành sông”, ông Hao bức xúc.

Mới chỉ hơn 1 năm sau khi UBND huyện Kim Thành có thông báo kết luận vụ việc, khó có thể tưởng tượng được cánh đồng Cây Chanh đã bị teo tóp, tan hoang như hiện nay. Năm nay 84 tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, nhắc đến cánh đồng Cây Chanh, ông Phạm Hồng Tuyết, nguyên Bí thư Chi bộ thôn Đồng Tâm, xã Đại Đức không giấu nổi sự tiếc nuối xen lẫn bức xúc. Cũng cố gắng giữ đất nhưng ông Tuyết đành bất lực nhìn đồng ruộng tan hoang. “Sông Lạch Tray mất hàng trăm, hàng nghìn năm bồi đắp mới được khu đồng màu mỡ, phì nhiêu mà giờ người ta làm thành ra như vậy. Bây giờ cấp trên có ngăn chặn thì cũng đã quá muộn rồi, nhưng muộn còn hơn không, giữ được mẫu ruộng nào hay mẫu đấy”, ông Tuyết ngậm ngùi.

HẠO NHIÊN