Xe khách hợp đồng có thể sẽ không được chạy liên tỉnh

Công nghiệp - Ngày đăng : 06:51, 03/07/2016

Theo dự thảo nghị định mới, những hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng không được chạy liên tỉnh.



Tới đây, những xe kinh doanh vận tải nhỏ lẻ có thể sẽ không được hoạt động liên tỉnh

Bộ Giao thông vận tải đang soạn nghị định mới để thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10-9-2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Theo đó, những hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng chỉ được vận chuyển trong phạm vi địa phương nơi phương tiện được cấp phù hiệu, không được chạy liên tỉnh.

Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh


Hiện nay, nhiều gia đình có 1 - 2 xe vận tải khách hoạt động theo hình thức chạy xe hợp đồng nhưng thực chất chạy tuyến cố định. Loại hình kinh doanh này khó quản lý, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, khiến tình hình giao thông thêm phức tạp.

Anh Vũ Duy Thuận ở thôn Cam Lộ, xã Tân Việt (Thanh Hà) cho biết: "Tôi là thành viên HTX Vận tải hành khách và Du lịch Tân Việt chạy tuyến Thanh Hà - Phú Thọ được gần chục năm nay. Tôi rất bức xúc việc nhiều xe hợp đồng nhưng lại hoạt động như xe khách chạy tuyến cố định. Các loại xe hợp đồng được vào trung tâm các thành phố để đón trả khách nên họ tùy tiện đón khách. Trong khi xe chạy tuyến cố định chỉ được hoạt động tại bến nên rất thiệt thòi vì tâm lý hành khách muốn tiện lợi thay vì phải ra bến xe. Trong khi đó, xe chạy tuyến cố định như chúng tôi phải đăng ký nhiều thủ tục, qua nhiều khâu kiểm định mới được cấp phép hoạt động". Cũng theo anh Thuận, không ít vụ va chạm giữa các chủ xe đã xảy ra khi xe hợp đồng tranh giành khách với xe khách tuyến cố định.

Ông Phạm Thanh Hoàn, Trưởng phòng Quản lý vận tải đăng kiểm - kỹ thuật (Sở Giao thông vận tải) cho biết, những hộ kinh doanh cá thể rất khó đáp ứng được điều kiện kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định, đặc biệt về quản lý an toàn xe, lái xe. Khi những loại xe này chạy đường dài rất khó bảo đảm về điều kiện an toàn, dễ gây tai nạn giao thông. "Điều kiện kinh doanh, cấp giấy phép cho xe hợp đồng rất đơn giản, không có bộ phận điều hành vận tải, theo dõi quản lý an toàn giao thông (ATGT), do đó không có ai giám sát, theo dõi tốc độ và nhắc nhở lái xe. Trong khi đó, đăng ký kinh doanh đối với các loại xe khách chạy tuyến cố định khó khăn hơn vì phải theo quy hoạch, bến bãi, lắp đặt các thiết bị giám sát hoạt động... Trong trường hợp quá đông xe chạy cùng một tuyến, các chủ xe còn phải bỏ thầu tuyến vận tải khách", ông Hoàn nói.

Theo ông Hoàn, quy định này không phải cấm xe hợp đồng chạy liên tỉnh nhưng nếu muốn hoạt động phải bảo đảm điều kiện kinh doanh vận tải, có bộ phận theo dõi ATGT, phải giám sát được tốc độ, luồng tuyến. Nếu hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp chạy xe hợp đồng muốn hoạt động ngoài địa phương phải vào HTX vận tải hoặc liên kết lại để thành lập doanh nghiệp có chức năng vận tải tuyến cố định. Đây là biện pháp nhằm hạn chế việc cạnh tranh không lành mạnh giữa xe hợp đồng và xe chạy tuyến cố định, hướng họ tham gia vào các HTX để hình thành bộ máy điều hành đáp ứng yêu cầu quản lý.

Các nhà xe lớn ủng hộ

Các doanh nghiệp vận tải khách có quy mô lớn rất đồng tình với quy định trên. Nhiều doanh nghiệp cho rằng quy định này nhằm phân loại và phân vùng hoạt động của xe khách, hạn chế những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, giảm được nạn xe dù, bến cóc, đặc biệt là tình trạng những đơn vị chỉ có 1-2 đầu xe hợp đồng nhưng chạy từ tỉnh này sang tỉnh khác. Ông Nguyễn Thành Đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Vận tải hành khách Hải Hưng cho biết: "Quy định hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp kinh doanh xe hợp đồng không được chạy xe liên tỉnh là cần thiết để bảo đảm hoạt động vận tải ổn định, an toàn hơn". Theo ông Đông, các hộ kinh doanh đơn lẻ, ít phương tiện, làm ăn tự phát và thiếu bài bản không chỉ gây khó khăn trong quản lý, mất ATGT mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà xe. Việc quy định cụ thể phạm vi hoạt động kinh doanh vận tải khách, kể cả vận tải theo tuyến cố định và xe hợp đồng còn nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm ATGT, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp vận tải.

Tuy nhiên, ông Phạm Duy Tuấn, một chủ hộ kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng, du lịch nhỏ lẻ ở thôn Lãng Xuyên, xã Gia Tân (Gia Lộc) lại cho rằng: "Việc siết chặt quản lý đối với những hộ kinh doanh trá hình là đúng đắn nhưng không thể áp dụng quy định trên đối với tất cả các hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp kinh doanh xe hợp đồng bởi sẽ thiệt thòi với những người làm ăn đàng hoàng, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật". Ông Tuấn cho rằng quy định như vậy không khác gì "ngăn sông cấm chợ", "cởi" rồi lại "trói" trong hoạt động vận tải theo cơ chế thị trường hiện nay. “Quy định này rất khắt khe. Chúng tôi sẽ gặp khó khăn trong việc tham gia vào các HTX hoặc liên kết lại thành những doanh nghiệp có đủ điều kiện kinh doanh. Việc này không hề dễ dàng, đòi hỏi mất nhiều thời gian”, ông Tuấn nói.

Để quản lý chặt chẽ xe vận tải khách, cơ quan quản lý nhà nước cần lưu ý, có thể sau khi nghị định này có hiệu lực, các hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp kinh doanh xe hợp đồng sẽ tham gia vào các doanh nghiệp hoặc HTX nhưng mục tiêu là thực hiện cho đầy đủ thủ tục pháp lý để hoạt động. Vì vậy, đề xuất hộ kinh doanh cá thể, các đơn vị kinh doanh vận chuyển hành khách hợp đồng không được tham gia vận chuyển hành khách liên tỉnh là cần thiết nhưng chưa đủ để xóa bỏ tình trạng xe hợp đồng lách luật để vận chuyển khách theo tuyến cố định.


LÊ HƯƠNG