Đề thi địa lý có tính thời sự
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 15:00, 03/07/2016
Sáng 3-7, toàn tỉnh có 10.028 thí sinh dự thi môn địa lý trong tổng số 10.262 thí sinh đăng ký dự thi, đạt tỷ lệ 99,47%.
Thí sinh sử dụng Atlat làm bài thi môn địa lý tại điểm thi Trường THPT Chí Linh
Trong buổi thi sáng 3-7, từ 10 giờ ở các điểm thi đã rải rác có các thí sinh hoàn thành bài thi và ra ngoài sớm. Nhiều thí sinh cho biết đều làm được bài thi ở mức độ 50-70%, đề thi không quá khó và có tính thời sự khi đề cập tới hiện tượng ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long. Thí sinh Lê Thành Trung (Trường THPT Hoàng Văn Thụ, TP Hải Dương) nhận xét: “Đề thi bám sát chương trình học, em làm bài trong vòng hơn 2 tiếng là xong. Lúc 10 giờ, trong phòng thi của em đã có khoảng 1 nửa thí sinh nộp bài sớm ra ngoài trước. Vì em thi đại học khối D nên môn thi này chỉ xét tốt nghiệp, em không chú trọng ôn luyện lắm".
Thí sinh Trương Thị Ngọc Huyền (Trường THPT Thanh Miện 2) đánh giá: “Đề thi địa lý không khó, em chỉ cần làm trong 2/3 thời gian, có thể được 6-7 điểm. Đây là môn em chỉ xét tốt nghiệp nên số điểm như vậy là cũng đạt yêu cầu em tự đề ra”.
Đoàn kiểm tra của Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra điểm thi Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi
Nhiều thí sinh lựa chọn thi môn địa lý để làm môn xét tốt nghiệp vì theo đánh giá của các thí sinh đây là môn dễ học, dễ đạt điểm cao. Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, địa lý có số lượng thí sinh đạt điểm trên trung bình cao. Vì chỉ dùng để xét tốt nghiệp nên đa phần thí sinh vẫn cảm thấy hài lòng khi làm được 50-70% đề thi.
Theo giáo viên địa lý Đặng Thị Nghiệp (Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi), toàn bộ nội dung đề thi năm nay đều nằm trong chương trình lớp 12. Cấu trúc đề thi bảo đảm được cả về kiến thức và kỹ năng, phù hợp với trình độ chung của học sinh. Đề thi có tính phân loại cao. Có những câu chỉ cần kiến thức cơ bản là có thể làm được như câu “nêu các biện pháp bảo vệ đa dạng sinh học”, "dùng Atlat để kể tên các khu công nghiệp ven biển"; có những câu cần tới sự phân tích, vận dụng hiểu biết thực tế như câu hỏi về “ảnh hưởng tích cực của quá trình đô thị hóa”, "thế mạnh và hạn chế về tài nguyên đất ở đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng xâm nhập mặn ở khu vực này". “Đối với đề thi này, những thí sinh thi tốt nghiệp có thể dễ dàng đạt từ 4-6 điểm. Để đạt từ 7 điểm trở lên thí sinh phải biết vận dụng kiến thức, có sự hiểu biết thực tiễn. Đề thi năm nay khó hơn năm ngoái một chút, câu sử dụng Atlat học sinh dễ nhầm lẫn hơn”, cô giáo Đặng Thị Nghiệp nhận xét.
VIỆT HÒA - HÀ NGA