Tránh để sâu hại kháng thuốc
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 15:48, 04/07/2016
- Luân phiên thuốc trừ sâu: Có thể phun 1 loại thuốc vài lần để quản lý dịch hại nhưng không trừ nhiều loài sâu hại bằng các thuốc có cùng nhóm hóa học. Không nên dùng nhắc lại nhiều lần cùng một loại thuốc trong một vụ cây trồng. Rất nguy hiểm nếu luân phiên các thuốc trong cùng một nhóm hoạt chất hay giữa các thuốc khác nhóm nhưng có cùng một cơ chế tác động (tiếp xúc hay xông hơi…).
Khi luân phiên cần dùng các loại thuốc phổ hẹp, thuốc chọn lọc hay thuốc đặc hiệu, thuốc trừ sâu nội hấp, thuốc sinh học, thuốc có tác dụng xua đuổi và ngăn chặn…
- Tránh dùng thuốc hỗn hợp để trừ một loại dịch hại. Mặc dù sử dụng hỗn hợp nhiều loại thuốc trừ sâu trong một bình phun sẽ có tác dụng diệt sâu triệt để hơn nhưng sẽ tạo các gien trội gây nên tính kháng phát triển nhanh hơn và mạnh hơn.
- Dùng thuốc đúng kỹ thuật: Cố gắng không sử dụng thuốc BVTV hơn mức cần thiết (tăng nồng độ, liều lượng). Sử dụng đúng nồng độ và liều lượng khuyến cáo, đúng thời điểm, trúng nơi, phun thuốc thật đều trên mặt tán và trong lá sẽ cho hiệu quả trừ sâu tốt hơn.
- Áp dụng tốt biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM): Phòng chống dịch hại kháng thuốc là biện pháp có hiệu quả nhất. Muốn vậy nông dân cần phối hợp chặt chẽ các biện pháp trong hệ thống IPM, giảm sự phụ thuộc vào thuốc BVTV trong phòng trừ dịch hại:
+ Vệ sinh đồng ruộng: Phá hủy ký chủ phụ và tàn dư cây trồng sẽ làm mất thức ăn và nơi trú ngụ của dịch hại, hạn chế được tính kháng thuốc của sâu hại và giảm nguồn dịch hại cho vụ sau.
+ Luân canh cây trồng: Mỗi cây trồng đều có một hệ dịch hại riêng. Khi luân canh cây trồng, việc sử dụng thuốc BVTV sẽ khác nhau làm giảm tính kháng thuốc, giảm số lượng sâu hại kháng thuốc do thức ăn bị cắt đứt.
+ Điều tra dịch hại: Đây là việc làm rất quan trọng và có ý nghĩa trong phòng trừ và quản lý sâu hại. Điều tra để biết được sự phát triển của dịch hại trên cây trồng, thời điểm phòng trừ tốt nhất, biết được sâu đã chết hay không sau khi phun thuốc…
+ Chỉ phun thuốc khi cần thiết: Cây trồng có thời điểm tự đền bù được những phần bị sâu hại cắn phá (lúa giai đoạn ra lá, đẻ nhánh) và còn rất nhiều loại sâu hại khác khống chế đó là lượng thiên địch. Do đó việc dùng thuốc hóa học để trừ sâu chỉ nên thực hiện khi đã đến ngưỡng gây hại kinh tế. Có như vậy mới hạn chế được lượng thuốc dùng làm giảm tính kháng cho sâu hại.
Các biện pháp khác như bảo vệ thiên địch, sử dụng biện pháp phòng trừ sinh học… sẽ rất hữu ích trong quản lý dịch hại, đồng thời sâu hại sẽ không tăng tính kháng thuốc.
KS. TRẦN THỊ LIÊN (Trạm Khuyến nông huyện Nam Sách)