Đưa học sinh hòa nhập vào thực tế

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 10:47, 11/07/2016

Từ đầu thập kỷ bảy mươi của thế kỷ trước, toàn ngành giáo dục đã sôi nổi thực hiện phong trào đưa thực tế vào bài giảng ở tất cả các môn.

Nhiều chuyên đề về vấn đề này đã được tổ chức ở các trường, các huyện, các tỉnh. Hơn 40 năm trôi qua, nguyên lý giáo dục nêu trên rất ít khi được nói tới. Phong trào giảng dạy gắn với thực tế cũng chìm dần. Gần đây lại nghe nói năm học 2018-2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đưa vào chương trình giảng dạy môn "Cuộc sống quanh ta". Tên môn học nghe có vẻ mới lạ. Thực ra nó vẫn là cụ thể hóa nguyên lý giáo dục "Học đi đôi với hành; giáo dục kết hợp với lao động sản xuất; nhà trường gắn liền với xã hội" mà thôi.

Việc đưa bộ môn "Cuộc sống quanh ta" vào giảng dạy cũng chỉ là một giải pháp tình thế trước một thực tế không thể phủ nhận, đó là học sinh ngày một xa rời với đời sống lao động sản xuất, với tự nhiên, xã hội. Nói cách khác là vốn kiến thức thực tế của các em rất yếu. Nguyên nhân là các em mất tất cả thời gian vào học. Nào học ở trường theo chương trình chung, nào học thêm các môn chính, học thêm môn năng khiếu... Lịch học của các em dày đặc cả sáng, chiều, tối, cả chủ nhật và ngày lễ. Ngoài ra, các em còn say mê với máy tính, với internet... Vì vậy lúc nào các em cũng chỉ trong bốn bức tường hoặc ở lớp học hoặc ở nhà mình. Quãng đường quen thuộc là từ nhà đến trường. Ngoài ra hầu như các em không đi đến đâu cả. Nguyên nhân thứ hai là nhà trường dạy quá nhiều lý thuyết. Mớ lý thuyết khổng lồ ấy nằm ở sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, không ai dám cắt bỏ. Chúng ta hãy dồn đủ sách giáo khoa từ lớp 1 đến hết lớp 12 xem khối lượng có lớn không? Vì mải dạy lý thuyết cho đủ, cho xong nên người thầy làm sao có thời gian đưa học sinh vào thực tế cuộc sống, dù đấy là thực tế ngay ở xóm, làng, phố của các em. Nguyên nhân thứ ba thuộc về gia đình. Thấy các em học quá vất vả nên gia đình vì thương con mà không bắt các em làm việc, dù chỉ là việc nhỏ như phụ giúp nấu cơm, vệ sinh, tưới rau, dọn dẹp nhà cửa... Vả lại, ngày xưa còn sản xuất nhỏ, manh mún, học sinh nông thôn ngoài giờ học còn phải chăn trâu, cắt cỏ, tham gia cấy, gặt, phơi thóc... Nay ở đâu cũng làm bằng máy, nhiều nơi không còn trâu, mọi việc đều làm trong một quy trình khá hiện đại nên các em cũng không có việc gì phải tham gia. Chính vì thế các em không những xa rời mọi thực tế xung quanh mà còn ngại cả nắng mưa, bùn đất, ngại lao động, ngại giao tiếp với mọi người, với cả môi trường... Các em đang thành "công tử bột" mặc dù gia đình các em chỉ là gia đình công nhân, nông dân, viên chức... Nhớ lại thời trước, lấy học sinh nông thôn làm ví dụ: Một trẻ em sinh ra và lớn lên ở làng thường biết rất rõ về làng mình từ đường đi lối lại, ao chuôm, đống, gò, cây cổ thụ... Biết rõ đồng làng, bờ đê, bến nước và cả đình đám, lễ hội, tập tục... Còn trẻ em ngày nay hoàn toàn khác: Các em chỉ biết xóm mình mà không biết xóm khác. Các em thạo mở máy tính, điện thoại mà không biết đâu là lúa nếp, lúa tẻ, đâu là cỏ gừng, cỏ lác... Các em có thể viết được bài văn với những từ ngữ bóng bẩy nhưng lại không thuộc, không hiểu những câu tục ngữ của dân gian. Các em có thể giải bài toán hình học, đại số rất thạo nhưng lại lúng túng, thậm chí bó tay khi phải tìm đường kính một gốc cây cổ thụ chưa chặt hạ hoặc tìm diện tích một khu đất hình dạng phức tạp. Các em có thể thuộc sử Việt Nam mà không biết ở làng mình, xã mình có sự kiện hoặc dấu tích lịch sử gì...

Tất cả những hạn chế ấy ảnh hưởng lớn đến tư duy và tình cảm của các em. Cụ thể là các em hiểu một cách máy móc, khô cứng về tự nhiên và xã hội. Các em thành quan liêu, lạc lõng trước thực tại, tính linh hoạt ở các em sẽ rất hạn chế. Nói tóm lại các em sẽ rất bỡ ngỡ khi vào đời, khi thành người lao động.

Vậy làm thế nào để đưa học sinh hòa nhập vào thực tế cuộc sống? Trả lời câu hỏi này tuy không dễ, tuy cần phải có thời gian nhưng tôi nghĩ chúng ta phải làm và sẽ làm được. Trước hết là phá bỏ bốn bức tường lớp học đi. Nghĩa là hãy đưa các em trực tiếp giao tiếp với "cái gốc" mà dạy. Chẳng hạn dạy văn tả cảnh thì không gì bằng để các em ra ngoài mà nhìn, nghe, ghi chép. Dạy địa thì sông đây, núi đây, đất đây, nước đây... sao phải dạy ở trong phòng. Dạy kỹ thuật thì nông dân đây, thợ thủ công, công nhân, kỹ sư đây. Họ làm thế nào, họ vận dụng lý thuyết của toán, lý, hóa ra sao...
Hai là, thực hiện xã hội hóa giáo dục, cái quan trọng không phải là tìm mọi cách hô hào phụ huynh học sinh đóng góp mà hô hào, vận động để tất cả phụ huynh học sinh đều là thầy giáo. Cụ thể, mỗi gia đình đều phải biết dạy con. Dạy từ cái nhỏ, giản đơn đến cái lớn, cái khó. Chẳng hạn dạy con từ việc cầm chổi, lau nhà, rồi nấu ăn... Nhà nào biết nghề gì dạy con nghề ấy. Làm sao mỗi gia đình phải thành một lớp học. Khi các em đã học được ở nhà, ở xóm làng, ở đồng ruộng hay công xưởng thì giáo viên chỉ bổ sung thêm, hoàn chỉnh và hệ thống lại là xong một quy trình.

 Ba là, muốn dạy học sinh bằng thực tế cuộc sống thì giáo viên phải có vốn sống thực tế. Chẳng hạn giáo viên dạy tiếng Việt thì ngoài kiến thức sách giáo khoa còn phải biết ở làng xã, huyện mình đang công tác bà con nói thế nào, ngọng những phụ âm nào?...

Bốn là, nhà trường cần có kế hoạch để học sinh học từ thực tế trong những tháng nghỉ hè. Cách học là học mà chơi, chơi mà học. Học sinh có thể đi du lịch xa hoặc gần. Học sinh đi thực tế tùy địa phương, tùy gia đình. Nội dung học cần được định hướng cụ thể qua giáo viên bộ môn, gợi ý cho các em cần tới đâu tìm hiểu cái gì, cách tìm hiểu, quan sát, ghi chép ra sao. Định hướng tốt nhất là căn cứ vào chương trình sang năm tới học gì mà đi thực tế.

Tóm lại, đưa học sinh hòa vào thực tế cuộc sống là hướng đi đúng đắn của giáo dục nước nhà. Mặc dù sẽ gặp không ít khó khăn nhưng chắc chắn chúng ta sẽ làm được và làm tốt.

VĂN DUY