Khắc phục ớt bị thối quả
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 12:19, 11/07/2016
Cây ớt thời kỳ mang quả lại rất mẫn cảm với bệnh vì cây yếu, đòi hỏi người trồng phải chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh kịp thời.
- Chăm sóc cây: Giai đoạn mang quả của cây ớt nông dân cần bón phân để hạn chế rụng quả và giúp quả tăng khối lượng. Song cần phải cân đối về dinh dưỡng cho cây, nhất là đạm và kali. Tốt nhất nên bón đạm và kali theo tỷ lệ 1:1 hoặc 1,2:1. Thời kỳ cây đang cho thu hoạch rộ nên sử dụng loại NPK 13:13:13+TE và thời kỳ cây cho thu hoạch ở giai đoạn cuối vụ nên dùng loại NPK 12:3:10 +TE hoặc 12:5:10+TE để bón cho cây.
- Nhận biết triệu chứng bệnh trên quả để có biện pháp phòng trị kịp thời: Quả ớt bị thối hỏng trong mùa mưa là do nhiều đối tượng gây hại hoặc do nguyên nhân sinh lý như đã nêu trên. Các đối tượng gây hại chính là nấm thán thư và vi khuẩn thối nhũn.
Để phân biệt rõ quả ớt bị thối là do nấm hay vi khuẩn gây ra cần nhận diện qua các triệu chứng điển hình sau:
Vết bệnh thối do nấm thán thư: Ban đầu là những đốm tròn trong giọt dầu sau biến vàng đến nâu xám. Vết bệnh trũng tâm và có hình vòng đồng tâm xoáy trôn ốc (hình mạng nhện). Giai đoạn cuối có các hạch nấm già nhỏ li ti xuất hiện rải rác trên vết bệnh. Cần nhận biết bệnh từ giai đoạn đầu và phòng trị bằng thuốc có các hoạt chất đặc trị: Azosystrobin + Difenoconazole (thuốc Amistar hoặc Monneys, Bi-a…) hoặc Triforine (thuốc Saprol)...
Quả ớt bị thối do vi khuẩn: Vết bệnh ban đầu là những vết nhỏ li ti màu vàng sau lan rộng thối đen và hỏng. Dùng tay ấn vào vết bệnh thấy nhũn toét và có mùi khẳn. Bệnh này nên sử dụng các loại thuốc có hoạt chất kháng sinh như Steptomycin, Oxytetracycline, Saikuzo... để phun phòng định kỳ trong thời tiết có mưa kéo dài kết hợp với chăm sóc cây khỏe (tăng cường kali và canxi).
KS. TRẦN THỊ LIÊN
(Trạm Khuyến nông huyện Nam Sách)