Tình trạng bổ nhiệm người thân làm giảm niềm tin người dân
Tin tức - Ngày đăng : 14:18, 20/07/2016
Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại phiên khai mạc - Ảnh VIỆT DŨNG |
Về tình hình chung, ông Nguyễn Thiện Nhân nêu tăng trưởng không bằng cùng kỳ năm trước, sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ còn khó khăn, vấn đề thất nghiệp đô thị, hạn hán, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là Formosa gây ô nhiễm làm cá chết hàng loạt… khiến cử tri quan tâm, lo lắng.
Theo báo cáo do ông Nguyễn Thiện Nhân trình bày, cử tri và nhân dân đánh giá cao nỗ lực các cơ quan đã tổ chức thành công cuộc bầu cử.
Ông Nhân cho biết cử tri, nhân dân đã ghi nhận lời hứa của những người ứng cử và mong muốn các đại biểu giữ lời hứa, mong đại biểu phản ánh trung thực tâm tư, kiến nghị của nhân dân.
Về công tác bầu cử vừa qua, theo ông Nguyễn Thiện Nhân, cử tri và nhân dân phản ánh gặp khó khăn khi phải lựa chọn cùng lúc hàng chục người, trong khi thời gian đối thoại nhiều nơi chưa nhiều.
Đặc biệt, trong phần nêu tâm tư nguyện vọng của nhân dân, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định hiện nay tình trạng một số cơ quan bảo vệ pháp luật lại có người vi phạm pháp luật, tình trạng bổ nhiệm người thân đã làm giảm niềm tin ở người dân.
Về bảo vệ chủ quyền biển đảo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định cử tri, người dân Việt Nam bất bình trước việc Trung Quốc gia tăng bồi đắp các đảo ở Biển Đông, bố trí vũ khí trái luật pháp quốc tế, những hành động này làm gia tăng bất ổn trong khu vực, vi phạm tuyên bố ứng xử của các bên về Biển Đông.
Ông Nhân nêu cử tri, nhân dân mong Đảng, Nhà nước có biện pháp đấu tranh hiệu quả để đảm bảo chủ quyền, đồng thời bảo đảm hòa bình, ổn định.
Về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, cử tri phản ánh ô nhiễm, suy kiệt tài nguyên đang ngày càng nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp sự phát triển của đất nước, ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai. Đặc biệt, việc Formosa che giấu, gây ô nhiễm khiến cá chết hàng loạt gây nhiều bất bình ở người dân.
"Cử tri hoan nghênh Chính phủ đã chỉ đạo xác minh và công bố thông tin, chỉ rõ Formosa vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ và chính quyền các cấp cần có biện pháp cụ thể để giải quyết hậu quả trước mắt và lâu dài, yêu cầu Formosa thực hiện đầy đủ cam kết, đồng thời làm rõ trách nhiệm tổ chức cá nhân đã buông lỏng quản lý nhà nước" - ông Nhân nêu.
Về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, báo cáo cho thấy cử tri và nhân dân đề nghị sớm nghiên cứu biện pháp trước mắt, lâu dài, ổn định đời sống nhân dân.
Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc cũng khẳng định nhân dân bức xúc trước các trạm thu phí quá dày, thu phí cả ở những đoạn đầu tư chủ yếu bằng ngân sách nhà nước.
Về an toàn vệ sinh thực phẩm, theo báo cáo của ông Nguyễn Thiện Nhân, tuy có tiến bộ nhưng thực tế vẫn chưa có chuyển biến căn bản, tạo tâm lý bất an trong dân. Cử tri và nhân dân mong muốn Chính phủ và chính quyền các cấp tạo sự thay đổi căn bản trong nhận thức của nhân dân, trước hết là trong các hộ sản xuất chế biến thực phẩm, cả trong đội ngũ cán bộ công chức, từ đó “xử nghiêm cơ sở sản xuất kinh doanh không an toàn".
Một số kiến nghị của đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Sau khi nêu thực trạng, ý kiến của cử tri, nhân dân, Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đưa 6 kiến nghị, trong đó có các kiến nghị nổi bật như: - Đề nghị ban chấp hành trung ương Đảng chỉ đạo Chính phủ nâng cao tính minh bạch môi trường kinh doanh, phát huy khoa học công nghệ, rà soát chính sách đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, loại trừ bán phá giá, khuyến khích phát triển thị trường trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận hiệp định thế hệ mới, hạn chế rủi ro trong hội nhập. - Quốc hội khóa 14 sẽ bầu, phê chuẩn đội ngũ lãnh đạo cấp cao, đề nghị Quốc hội xem xét bộ máy tinh gọn, bầu chọn nhân sự lãnh đạo phải có đức, có tâm, có tài. Quốc hội cần hoàn thiện thể chế theo hướng dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. - Trước diễn biến tình hình Biển Đông, đề nghị sơ kết, đánh giá nghị quyết 09/2007 về chiến lược biển VN đến 2020, đồng thời thực hiện chiến lược kinh tế biển toàn diện, để đưa VN mạnh về kinh tế biển. - Đề nghị củng cố và hiện đại hóa lực lượng bảo vệ biển đảo, kết hợp các hình thức chính trị, ngoại giao, pháp lý để bảo vệ vùng biển, vùng trời… - Đề nghị Chính phủ chỉ đạo tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, kiên quyết xử lý tổ chức cá nhân vi phạm. - Để giải quyết vấn nạn mất an toàn thực phẩm, đề nghị tăng cường truyền thông về an toàn thực phẩm, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức, trước hết của người sản xuất chế biến thực phẩm. Cần tổng kết để kịp thời sửa đổi bổ sung Luật An toàn thực phẩm… |
C.V. KÌNH (Tuổi trẻ)