Khẩn trương ứng phó với bão số 1
Môi trường - Ngày đăng : 11:30, 27/07/2016
* Bão giật cấp 11 cách bờ biển Thái Bình-Ninh Bình 120 km
* Các tỉnh Bắc Bộ mưa rất to
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, thành phố, thị xã, các cấp, các ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 1 để chủ động phòng tránh, triển khai các phương án đối phó với mưa, úng do bão số 1 gây ra. Chú ý các phương án chống úng diện tích lúa mùa mới cấy, cây rau màu hè thu ở các vùng trũng, thấp và các nơi nuôi thủy sản tập trung, khu vực nuôi cá lồng trên sông, các công trình nhà cửa... xung yếu. Rà soát, kiểm tra các công trình đê kè, bãi sông bị sạt lở chưa được xử lý; các vị trí xung yếu trên hệ thống Bắc Hưng Hải để có biện pháp tập trung đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng đối phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, thành phố, thị xã triển khai phương án phòng chống úng, chú ý ưu tiên cho diện tích lúa mùa, cây rau màu chưa thu hoạch được, các khu nuôi thủy sản tập trung, các khu vực nuôi cá lồng. TP Hải Dương chủ động thực hiện phương án chống úng nội đô. Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương chủ động kiểm tra hệ thống công trình điện, có phương án ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm để phục vụ tiêu úng theo yêu cầu. Thị xã Chí Linh, huyện Kinh Môn triển khai phương án phòng chống lũ quét, sạt lở đất. Lên phương án bảo đảm an toàn cho hệ thống hồ đập, khu vực mỏ khai thác đá, đất sét.
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, thành phố, thị xã, các cấp, các ngành thực hiện nghiêm việc thường trực, trực ban 24/24 giờ theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, bão để xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra. Chấp hành nghiêm chế độ báo cáo theo quy định.
PV
Bão giật cấp 11 cách bờ biển Thái Bình-Ninh Bình 120 km
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 13 giờ ngày 27-7, tâm bão ở vào khoảng 20 độ vĩ bắc; 107,6 độ kinh đông; cách bờ biển Thái Bình-Ninh Bình khoảng 120 km về phía đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/h), giật cấp 10-11. Do ảnh hưởng của bão sau suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa cả đợt do bão số 1 gây ra phổ biến 100-200mm, có nơi trên 300mm. Cảnh báo nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng các tỉnh thuộc Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Việt Bắc. |
Nam Định: Hoãn các cuộc họp không cần thiết để ứng phó với bão
Trưa 27-7, tại Nam Định, một số vùng đã bắt đầu có mưa lớn, khu vực ven biển gió cấp 3, giật cấp 4, biển động.
Tàu thuyền của Nam Định vào nơi tránh trú bão an toàn
Nam Định có trên 2.000 tàu, thuyền với trên 5.200 lao động hoạt động trên biển; trong đó có 525 tàu với 1.592 lao động đang hoạt động trên biển. Toàn tỉnh có hơn 700 lều, chòi canh ngao với 881 lao động trông coi đầm bãi. Toàn bộ ngư dân nuôi trồng thủy hải sản ở vùng ngoài đê biển, tàu thuyền hoạt động ngoài khơi và đánh bắt ở vùng ven bờ được các cơ quan chức năng tỉnh kêu gọi vào bờ trước 13 giờ ngày 27-7. Trong trường hợp có bão mạnh hoặc siêu bão đổ bộ vào địa bàn, Nam Định sẽ tiến hành di dời trên 290.000 người ra khỏi những ngôi nhà tạm, nhà yếu, khu vực đê biển tại 3 huyện: Giao Thủy, Nghĩa Hưng và Hải Hậu.
Theo nhận định ông Hoàng Mạnh Thường, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Hà Nam, bão số 1 có khả năng đổi hướng di chuyển và mạnh thêm, ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Hà Nam. Do vậy, từ ngày 27 đến 29-7, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to, từ khoảng 22 giờ ngày 27-7 có gió mạnh cấp 7 (các huyện Bình Lục, Lý Nhân, Duy Tiên có gió mạnh cấp 8), giật cấp 8, cấp 9. Tổng lượng mưa trong đợt này phổ biến từ 150 đến 250mm, có nơi trên 250mm.