Thiếu định hướng
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 15:01, 27/07/2016
Những vui buồn trong du học như trên, một phần bắt nguồn từ nhận thức lệch lạc của nhiều phụ huynh, học sinh về du học.
Trong khi đó, các trung tâm tư vấn du học và các cơ quan chức năng chưa thật quan tâm đến việc định hướng cho người dân.
Tư vấn du học cho khách hàng
Sai lầm phổ biến khiến du học sinh đi theo con đường tự túc thất bại là nhiều gia đình coi du học là cách để tách con khỏi bạn xấu, không đánh giá đúng năng lực của con hoặc coi du học là con đường để xuất khẩu lao động, kiếm tiền...
Chị Trần Hồng Nh., mẹ Nguyễn Duy Th. ở phường Trần Phú (TP Hải Dương) cho biết: "Gia đình quyết định cho Th. đi du học vì biết chắc rằng nếu có thi đại học ở trong nước Th. cũng không thể đỗ được. Hơn nữa ở trong nước Th. có điều kiện giao du với đám bạn xấu, chơi bời lêu lổng. Do đó, gia đình quyết định cho con đi du học với mong muốn con cách ly được đám bạn xấu và đi làm thêm có tiền phụ giúp gia đình".
Sau khi gặp phải những khó khăn bên nước bạn, Đào Thị H. (quê thị trấn Phú Thứ, Kinh Môn) tâm sự với bố mẹ về những hụt hẫng của mình nhưng bố mẹ H. khuyên con cứ học tiếp, nếu không lấy được tấm bằng thì cũng có vốn tiếng Anh...
Bên cạnh đó, cũng có nhiều gia đình cho con em đi du học với mong muốn sang đó đi làm thêm, kiếm tiền về phụ giúp gia đình. Dù học lực rất kém, điều kiện gia đình cũng không khá giả gì nhưng bố mẹ Nguyễn Văn B. (ở thị trấn Phú Thứ, Kinh Môn) vẫn quyết định cho con đi du học Nhật Bản. Chị Trương Thị T., mẹ B. cho biết: "Tôi thấy bảo ở Nhật Bản kiếm việc làm thêm rất dễ, tiền công cũng cao. Vì vậy, vợ chồng tôi quyết định vay mượn anh em, người thân và ngân hàng gần 200 triệu đồng để lo thủ tục cho nó đi du học. Mong sao sang bên đó, nó sẽ kiếm được tiền gửi về để tôi trả nợ".
Các gia đình và bản thân học sinh có 1001 lý do để đi du học kéo theo sự phát triển như "nấm sau mưa" của các trung tâm tư vấn, trong đó có nhiều trung tâm không được cấp phép khiến việc chệch hướng du học của học sinh không còn là chuyện lạ.
Du học không phải là xuất khẩu lao động
Để giúp ước mơ du học của học sinh đạt được ý nghĩa đích thực, cần có sự vào cuộc của các ngành chức năng, sự phối hợp chặt chẽ của các nhà trường và các trung tâm tư vấn.
Theo ông Nguyễn Văn Thụy, Trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp - Giáo dục thường xuyên (Sở Giáo dục và Đào tạo), định hướng của sở là tiếp tục mở rộng thị trường, đối tượng du học nhằm đa dạng hóa và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Tuy nhiên, cần căn cứ theo điều kiện của từng gia đình, khả năng của học sinh để lựa chọn ngành nghề, nước đến du học. Điều quan trọng là các gia đình cần tham khảo thông tin, lựa chọn việc đưa con em đi du học thông qua các trung tâm, cơ sở tư vấn du học có uy tín, được cấp phép hoạt động. Cần xác định rõ du học là đi học chứ không phải đi xuất khẩu lao động để chủ động về nguồn tài chính, tránh gây sức ép kiếm tiền bằng mọi giá cho du học sinh. Trong giai đoạn đang bão hòa về thị trường du học Nhật Bản, các cơ sở tư vấn du học cần mở rộng thêm các thị trường khác, tìm kiếm nhiều cơ hội học bổng, việc làm thêm để hỗ trợ cho du học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đang tạm dừng việc cấp phép đối với các cơ sở đăng ký tư vấn du học Nhật Bản, khuyến khích các cơ sở mở ra các thị trường khác.
Trường THPT Nam Sách II rất quan tâm đến nhu cầu du học của học sinh. Hằng năm, ngay sau khi các em học sinh thi đỗ vào trường, nhà trường đều phát phiếu khảo sát cho học sinh, trong đó có mục ghi mong muốn của các em sau này. Theo phiếu khảo sát của trường, trong mấy năm gần đây đều có khoảng 10% số học sinh mới đỗ vào lớp 10 có nhu cầu sẽ du học sau khi tốt nghiệp THPT. Do đó, để định hướng cho các em, năm học lớp 11, trường lại tiếp tục làm phiếu khảo sát, nếu số học sinh có nhu cầu du học còn cao, trường sẽ phối hợp với các trung tâm tư vấn du học uy tín trên địa bàn tổ chức dạy tiếng nước ngoài cho các em ngay tại trường. Đồng thời liên hệ với các em học sinh cũ của trường đã từng hoặc đang là du học sinh ở nước sở tại cung cấp thêm thông tin về tình hình sinh sống, học tập, kiếm việc làm thêm bên đó để giúp học sinh và gia đình học sinh có cái nhìn toàn diện, đúng đắn hơn về việc du học.
Song dù được định hướng kỹ tới đâu nhưng để việc học tập nơi xứ người đạt kết quả tốt nhất vẫn cần dựa vào bản thân mỗi học sinh. Nguyễn Thiên Trang, một du học sinh quê ở Nam Sách đã sang Nhật Bản được hơn 1 năm, hiện vừa đi làm thêm 4 giờ/ngày, vừa đi học chia sẻ: "Ban đầu em quyết định đi du học do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn. Em đã từng làm một phép tính, phí đi du học khoảng 200 triệu đồng. Nếu ở nhà học đại học em cũng chi phí bằng số tiền đó. Việc du học có nhiều lợi ích: tiếp thu kiến thức hiện đại, văn minh, phát huy được khả năng bản thân, có nghề nghiệp cho tương lai. Nhưng khi sang bên này, em chỉ làm đủ 4 tiếng/ngày, kiếm đủ tiền trang trải chi phí sinh hoạt. Em xác định việc học tập vẫn là chính". Được biết, với những nỗ lực của mình, Trang đã giành được học bổng của Chính phủ Nhật Bản.
HẠNH DUYÊN