Chưa đủ khích lệ

Trong nước - Ngày đăng : 09:18, 02/08/2016

Những năm qua, tuy chế độ khen thưởng cho vận động viên thành tích cao của tỉnh đã được quan tâm nhưng vẫn chưa tương xứng với công sức, sự khổ luyện của họ.



Chế độ khen thưởng của tỉnh chưa tương xứng với những khó khăn, vất vả của các vận động viên


Bó hẹp

Trước đây, vận động viên (VĐV) được tỉnh khen thưởng ở hầu hết các giải quốc tế nhưng nay chỉ còn ở giải thuộc hệ thống Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games), Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD), Đại hội Thể thao Olympic. Các giải trong nước VĐV được khen thưởng cũng bị bó hẹp lại chỉ còn ở Đại hội Thể dục, thể thao toàn quốc, giải vô địch toàn quốc và vô địch trẻ toàn quốc. Anh Nguyễn Xuân Long, Huấn luyện viên (HLV) trưởng đội tuyển cử tạ tỉnh cho biết: “Để giành được huy chương ở các giải quốc gia, VĐV đều phải bỏ ra nhiều công sức, thời gian khổ luyện. Tuy nhiên, không phải giải nào VĐV cũng giành được huy chương. VĐV cũng luôn đối diện với chấn thương trong tập luyện, thi đấu”.

Chế độ khen thưởng không chỉ bị bó hẹp ở hệ thống giải mà mức tiền thưởng cho các huy chương còn thấp so với công sức của mỗi VĐV, nhất là ở giải cấp quốc gia. Theo Quyết định số 19/2015/QĐ-UBND ngày 19-11-2015 của UBND tỉnh, VĐV giành được huy chương vàng (HCV), huy chương bạc (HCB), huy chương đồng (HCĐ) ở giải vô địch quốc gia, đối với đồng đội được thưởng tương ứng lần lượt 10, 7, 5 lần và cá nhân được thưởng tương ứng 5, 3, 2 lần mức lương tối thiếu chung; giải vô địch trẻ, đồng đội được thưởng 4, 3, 2 lần và cá nhân được thưởng 2, 1, 0,5 lần mức lương tối thiểu chung. Theo quy định trên, ở giải vô địch quốc gia, tiền khen thưởng cho VĐV giành được 1 HCV là khoảng 5,7 triệu đồng, 1 HCB khoảng 3,4 triệu đồng và 1 HCĐ khoảng 2,3 triệu đồng. 

Ngoài ra, tỉnh cũng quy định, trong cùng một giải đấu, nếu VĐV giành được nhiều huy chương sẽ được nhận tiền thưởng của giải cao nhất cộng với một nửa tổng số tiền thưởng của tất cả các giải thưởng đoạt được, nhưng tổng số tiền thưởng không vượt quá hai lần tiền thưởng của giải cao nhất. Do đó, nếu ở một giải đấu, dù VĐV giành nhiều HCV, HCB, HCĐ cũng chỉ được nhận tiền thưởng của một chiếc HCV và cộng tất cả các huy chương khác cũng chỉ được thêm bằng một chiếc HCV nữa. 

Theo nhiều HLV và VĐV, mức tiền thưởng của Hải Dương thấp hơn so với mặt bằng chung toàn quốc. Nhiều tỉnh, thành phố bạn khen thưởng cho VĐV giành được huy chương ở các giải quốc gia và quốc tế. Không ít tỉnh tuy điều kiện kinh tế khó khăn hơn tỉnh ta nhưng mức khen thưởng rất hậu hĩnh như tỉnh Lào Cai thưởng đến 25 lần mức lương tối thiểu chung..

Chưa trở thành động lực

Theo đuổi thể thao thành tích cao, các HLV, VĐV đều coi đây là một nghề để mưu sinh. Vào các đội tuyển, VĐV không chỉ nỗ lực tập luyện, thi đấu để mang vinh quang về cho thể thao tỉnh mà còn rất quan tâm đến nguồn thu nhập bảo đảm cuộc sống của bản thân và gia đình. Hiện nay, một VĐV chính thức ở trong đội tuyển, ngoài chế độ dinh dưỡng được hưởng hằng ngày thì không còn nguồn thu nào khác. Chỉ có những VĐV đạt cấp 1 quốc gia trở lên mới được hưởng lương hằng tháng nhưng số này không nhiều. Trung tâm Đào tạo, huấn luyện thể thao tỉnh chỉ có khoảng 30% số VĐV được hưởng lương hằng tháng, Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao dưới nước tỉnh có 13%. Tính trung bình, lương của VĐV chỉ được hơn 2 triệu đồng/tháng. Do đó, nguồn thu được các VĐV mong chờ là từ tiền thưởng sau mỗi giải đấu. Từ những quy định khen thưởng của tỉnh, mỗi năm, số tiền thưởng của VĐV nhận được không đáng kể.

Được khen thưởng, không chỉ tạo nguồn thu cho VĐV mà còn là thước đo phân biệt đẳng cấp, trình độ, nỗ lực phấn đấu của từng người. Các VĐV thời gian đầu vào tập luyện và còn trẻ chưa để ý nhiều nhưng khi đã lập gia đình, có con thì rất quan tâm đến tiền thưởng nhằm trang trải cuộc sống. VĐV Nguyễn Thị Hằng ở môn bắn súng cho biết: “Tôi gắn bó với môn bắn súng được 20 năm nay. Thu nhập của tôi hiện chỉ có tiền lương 3,9 triệu đồng/tháng và 5 triệu đồng/năm từ tiền thưởng. Với số tiền này, tôi chỉ đủ lo cho cuộc sống tối thiểu, không tích lũy được gì. Nếu không từ niềm đam mê, chắc tôi không thể theo được môn bắn súng”.

Tỉnh đã xây dựng đề án “Giải quyết một số chế độ ưu đãi đặc thù đối với VĐV thể thao thành tích cao tỉnh Hải Dương, giai đoạn 2012-2015” với nhiều chế độ đãi ngộ, khen thưởng lớn nhưng hầu như không thực hiện được. Điều này đã làm giảm niềm tin, ý chí phấn đấu, sự yên tâm, gắn bó với đội của VĐV.

Từ chế độ khen thưởng thấp, bó hẹp đã ảnh hưởng đến tinh thần, nỗ lực phấn đấu của VĐV. Thời gian qua, để lo cho cuộc sống của mình, nhiều VĐV đã bỏ giữa chừng chuyển sang làm việc khác. Đáng tiếc, có những VĐV tài năng đã giành HCV tại Đại hội Thể dục, thể thao toàn quốc, vô địch toàn quốc, thậm chí SEA Games và đang ở đỉnh cao phong độ vẫn quyết tâm “dứt áo ra đi” như Nguyễn Văn Sơn (đua thuyền rowing), Trương Thị Thủy (cử tạ), Đào Thị Ngọc (lặn)... Đây là sự lãng phí lớn trong công tác đào tạo, huấn luyện VĐV và ít nhiều ảnh hưởng đến thành tích chung của thể thao tỉnh. 

Ngoài ra, công tác làm thủ tục khen thưởng còn chậm, chưa đúng lúc, đúng chỗ làm giảm đi tác dụng động viên, khích lệ kịp thời cho các VĐV.

Thời gian tới, Hải Dương cần có những chế độ, chính sách, cơ chế hợp lý hơn trong công tác khen thưởng để thực sự trở thành động lực mạnh mẽ giúp VĐV cũng như HLV thêm yêu nghề, đạt nhiều thành tích cao hơn nữa.

DANH TRUNG