Khắc phục xoăn lá chùn ngọn rau màu
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 15:19, 05/08/2016
Cây họ cà, họ dưa bầu bí rất hay bị xoăn lá, chùn ngọn làm giảm năng suất, chất lượng.
Cây dưa hấu bị xoăn lá, chùn ngọn do côn trùng chích hút
Song thực tế cho thấy nông dân khi trồng rau màu rất khó chẩn đoán đúng nguyên nhân gây ra hiện tượng này cũng như cách khắc phục cụ thể. Để phòng trị hiệu quả cho hiện tượng xoăn lá, chùn ngọn trên rau màu xin nêu ra những nguyên nhân chính và hướng khắc phục cụ thể như sau:
- Xoăn lá, chùn ngọn cây do thời tiết bất lợi (nắng nóng gió tây) hoặc từ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không phù hợp. Cây họ cà và họ dưa, bầu bí rất hay mẫn cảm với nhiều loại thuốc BVTV, như chlopyrifos, ebamectin, hexaconazol, difpheconazol, thuốc ở dạng nhũ dầu (EC)... Triệu chứng điển hình khi nông dân sử dụng các loại thuốc này là cây trồng xoăn lá ngọn, lá bánh tẻ co nòng mo, ngọn bị chùn lại, thậm chí nếu nặng lá cây còn bị vàng và cháy. Trên ngọn, lá non khi kiểm tra không có vết tích do côn trùng chích hút.
Khắc phục cho hiện tượng này nông dân cần sử dụng phân bón lá phun 2-3 lần cách nhau 4-5 ngày kết hợp với dưỡng ẩm để cây trồng hồi phục, lá buông dần ra, ngọn vươn dài thêm.
- Xoăn lá, chùn ngọn do côn trùng chích hút (nhện, rệp, bọ phấn, bọ trĩ...). Các loài này có cơ thể rất nhỏ nên người trồng rất khó nhận biết, chỉ phát hiện được khi cây đã bị xoăn, chùn lá và ngọn. Muốn nhận diện chính xác cần vạch ngọn, lá non xem kỹ những chỗ kẽ, khe, thậm chí cần dùng kính lúp để nhìn rõ côn trùng hoặc vết chích do côn trùng gây hại. Trên cây có quả côn trùng còn tấn công quả non làm quả bị rám.
Biện pháp: Phun thuốc đặc trị trừ côn trùng chích hút thích hợp cho cây họ cà hay họ bầu bí (vì đa số các côn trùng này có sức kháng thuốc rất cao). Các hoạt chất có thể sử dụng phun trừ hiệu quả như, acetamiprid, indoxacarb, rotenon, propagid, pyridapen, nitenpyram, fipronil…
- Xoăn lá do virus: Triệu chứng dễ nhận nhất là cây sẽ xoăn lá, chùn ngọn nhưng lá bị khảm (chỗ dày, chỗ mỏng, chỗ xanh, chỗ vàng), ngọn bị cong queo, dị dạng, thậm chí kéo theo cây bị dị dạng (còi cọc, lùn tịt lại) khi bệnh nặng. Nếu cây có quả, quả sẽ không bị rám mà bị khảm theo.
Nếu phát hiện cây bị các triệu chứng như trên nông dân cần sớm nhổ bỏ và tiêu hủy cây bị bệnh.
* Lưu ý: Nhằm hạn chế tỷ lệ cây bị xoăn lá, chùn ngọn do côn trùng hoặc virus gây nên, trong quá trình chăm sóc, nông dân cần bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng sao cho cân đối, nhất là đạm và kali, tránh để cây thừa đạm sẽ làm tăng tỷ lệ bệnh này. Giai đoạn cây phát triển thân lá mạnh và tăng trọng quả cần bổ sung thêm các dinh dưỡng trung, vi lượng, nhất là các yếu tố: Ca, Mg, Bo, Si, Mn… nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và giảm thiểu tỷ lệ sâu bệnh cho cây.
Cần duy trì độ ẩm thường xuyên và thích hợp cho cây trồng, tránh để khô hạn kéo dài.
KS. TRẦN THỊ LIÊN
(Trạm Khuyến nông huyện Nam Sách)