Dang dở "giấc mơ Hàn"

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 15:59, 08/08/2016

Việc Hàn Quốc dừng tuyển dụng lao động tại một số nơi ở Hải Dương đòi hỏi tỉnh nghiêm túc nhìn nhận lại những hạn chế trong việc đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc.


Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa quyết định tạm dừng tuyển lao động sang làm việc tại Hàn Quốc trong năm 2016 đối với 6 huyện, thị xã gồm Cẩm Giàng, Gia Lộc, Bình Giang, Tứ Kỳ, Thanh Miện, Chí Linh và TP Hải Dương. Quyết định này áp dụng với những lao động đi làm việc theo Chương trình EPS (Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc, có hiệu lực từ năm 2004). Trong đợt này, ngoài Hải Dương còn có 9 tỉnh, thành phố khác với 37 quận, huyện bị tạm dừng tuyển lao động sang Hàn Quốc. Dù đã có nhiều cảnh báo từ trước song thông tin trên vẫn khiến nhiều người bàng hoàng. Nhiều gia đình vất vả bao ngày, vay chạy tiền của để lo cho con em mình có cơ hội sang Hàn Quốc làm ăn với ước vọng đổi đời thì giờ đây giấc mộng ấy đã tạm thời đứt quãng. Cánh cửa sang Hàn Quốc tạm thời đóng kín và chưa biết khi nào sẽ mở trở lại trong sự chờ đợi, lo âu.

Những năm gần đây, phía Hàn Quốc và cơ quan chức năng của Việt Nam liên tục cảnh báo tình trạng nhiều lao động sau khi hết hạn hợp đồng lao động vẫn không về nước, tiếp tục ở lại cư trú bất hợp pháp (CTBHP). Phía Hàn Quốc đã đề nghị Việt Nam thực hiện tốt mục tiêu giảm số lao động CTBHP này, nếu không giảm được sẽ dừng tiếp nhận lao động mới sang làm việc. Sau nhiều năm Việt Nam không được Hàn Quốc gia hạn bản thỏa thuận thông thường, chỉ gia hạn bản thỏa thuận đặc biệt (tiếp nhận rất ít lao động theo những điều kiện ngặt nghèo), thì đến giờ Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã áp dụng một biện pháp cương quyết hơn. Sự việc này ảnh hưởng lớn đến thị trường xuất khẩu lao động của tỉnh ta.

Tính đến đầu năm nay, số lao động CTBHP của Hải Dương cao thứ 3 trong số 15 tỉnh, thành phố có lao động làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Trong đợt này, tỉnh ta cũng có số lượng huyện, thị xã, thành phố bị tạm dừng tuyển lao động cao thứ hai trong 10 tỉnh, thành phố (chỉ đứng sau tỉnh Nghệ An có 11 huyện, thị xã, thành phố). Ðây là một bài học đau xót, đòi hỏi tỉnh ta nghiêm túc nhìn nhận lại những hạn chế trong việc đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc. Nó cho thấy những biện pháp cơ quan chức năng đã triển khai nhằm giảm số lao động CTBHP chưa mang lại hiệu quả cao.

Trong số các thị trường xuất khẩu lao động, Hàn Quốc là nơi làm việc mang lại thu nhập cao. Hiện nay, một lao động làm việc tại đây có mức thu nhập bình quân 1.000-1.500 USD/tháng. Nhiều người đã đổi đời nhờ làm việc tại Hàn Quốc chỉ trong 2-3 năm dù chi phí để đi không nhỏ. Ðó là nguyên nhân chính khiến nhiều người lao động sẵn sàng CTBHP sau khi hết hạn hợp đồng. Cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp như tuyên truyền cho các gia đình có con em đang làm việc ở Hàn Quốc vận động họ về nước, thông báo công khai về các trường hợp CTBHP, phạt nặng những người này, trục xuất về nước, đặt cọc tiền trước khi đi... song vẫn chưa thể giảm mạnh số người CTBHP. Số lượng lao động về nước đúng hạn hoặc nhờ vận động mà về nước rất ít. Nếu tình trạng này không cải thiện thì việc Hàn Quốc không tiếp nhận lao động sang làm việc trong những năm tiếp theo nhiều khả năng tiếp tục xảy ra. Ðó là chưa kể ngoài 7 địa phương nêu trên thì một số huyện còn lại cũng có thể bị tạm dừng tuyển lao động nếu không khắc phục được hạn chế.

Hàn Quốc chỉ tiếp nhận lại lao động theo Chương trình EPS khi các địa phương giảm được số lao động CTBHP theo lộ trình, trước mắt là giảm xuống dưới 30%, sau đó tiến tới bằng tỷ lệ các nước khác (15-17%). Việc này không đơn giản vì số lượng lao động CTBHP của Việt Nam hiện vẫn hơn 30%. Ðiều này đòi hỏi mỗi địa phương phải tự đề ra mục tiêu phù hợp để giảm số lao động CTBHP. Việc mở cửa lại thị trường sớm hay muộn tùy thuộc vào kết quả, sự cố gắng của mỗi địa phương. Dù còn rất nhiều trở ngại phía trước song "giấc mơ Hàn" chưa phải chấm dứt hoàn toàn. Giấc mơ đổi đời của bao người lao động ấy trước hết tùy thuộc vào quyết định của những lao động đang CTBHP, gia đình của họ và những biện pháp từ phía cơ quan chức năng.

NINH TUÂN