Soạn văn bia tự thuật đời mình
Di tích - Ngày đăng : 16:06, 08/08/2016
Trong gần 2.000 văn bia hiện hữu trên đất Hải Dương rất ít văn bản do bản thân viết hoặc nhờ người khác viết về chính họ.
Văn bia Thực sự bi ký
Bởi vậy, văn bia do Tiến sĩ Bồi tụng Nguyễn Danh Nho soạn tự thuật về cuộc đời mình là một di sản quý hiếm.
Văn bia mang tên Thực sự bi ký, dịch nghĩa là Bài ký chép sự thực, nội dung kể về cuộc đời Nguyễn Danh Nho từ khi sinh thời đến năm 51 tuổi do chính ông soạn, hiện tọa lạc tại hiên nhà thờ họ Nguyễn Danh ở thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng).
Đây là tư liệu quý hiếm vì văn bia chỉ có bản duy nhất. Các công việc từ chọn nguyên liệu đá, tạo hình cho văn bia đến viết, khắc chữ Hán Nôm vào mặt đá, tạo hoa văn trên vòm bia và diềm bia đều làm thủ công từ bàn tay khéo léo, kiên nhẫn của nghệ nhân đá và thư họa gia thời Lê trung hưng. Đến nay đã qua 326 năm nhưng chữ viết và hoa văn vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Loại hình văn bản này, người khác ngay khi hoàn thành và mãi về sau nếu thêm bớt dù chỉ một chữ cũng lộ. Vì vậy độ chân thật và giá trị lịch sử của nó rất cao. Những tài liệu đã xuất bản, mang tính sách công cụ như Tiến sĩ nho học Hải Dương, Địa chí Hải Dương có ghi chép về Nguyễn Danh Nho, nhưng kể tên sự kiện cuộc đời về Nguyễn Danh Nho còn thiếu nhiều, khác với thông tin trong văn bia là văn bản có niên đại sớm nhất. Do vậy, văn bia được xem là "trọng tài" khi có sự tranh cãi về thân thế sự nghiệp của Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho.
Bia là 1 khối đá dẹt hình chữ nhật, tạo vòm, cao 131cm, rộng 79 cm, dày 24 cm, lòng bia 57 x 86cm. Chữ Hán Nôm khắc ở 2 mặt. Hoa văn trên vòm tạo hình song phượng chầu nhật và hình vân tản, diềm bia khắc hoa lá, đường kẻ hình học. Chữ Hán Nôm khắc sâu, loại chữ thảo chân phương. Ngay ở dòng đầu của 16 dòng chữ ở mặt 1 đã nói rõ mục đích của văn bia là chép sự thật về Nguyễn Danh Nho. Dòng thứ hai ghi cụ thể họ tên, ngày tháng năm sinh, ghi cả giờ sinh “Ta họ Nguyễn Danh tên là Nho, sinh giờ Tuất, ngày 16 tháng 7 năm Mậu Dần" (1638).
|
Những dòng tiếp theo đến dòng cuối cùng thể hiện rõ chất văn hồi ký, ghi về quá trình học và thi giành học vị sĩ vọng, tiến sĩ, cử nhân, được đề bạt chức huấn đạo. Văn bia phản ánh Nguyễn Danh Nho thi 2 lần mới đỗ cử nhân, lần 2 thi đỗ ở vị trí nhì bảng. Thi hội cũng 2 lần mới hoàn thành, năm đỗ thi hội còn thi trúng học vị sĩ vọng. Ngày vinh quy được vua ban voi, ngựa và hơn 100 quan binh về quê bái tổ. Thời gian làm quan, ông từng đảm nhận công việc: can gián vua, cùng vua đi chinh phạt ở phương Nam, hỏi tội đạo tặc ở Tuyên Quang, Hưng Hóa, từng kinh qua 11 lần luân chuyển công việc, từ chức vụ huấn đạo (phụ trách việc học của 1 huyện) rồi chuyển về làm ở viện gián, thăng đến bồi tụng.
Có 5 sự kiện đáng nhớ trong những năm làm quan của ông: được vua thưởng 2 lần vào năm 1676 vì nói thẳng (can gián trung thực, thẳng thắn). Năm 1686 thăng Bồi tụng, liền năm đó thăng chức Hữu thị lang Bộ Công. Triều đình vinh phong cha mẹ, vợ cả, vợ lẽ, con trưởng đều được tư ấm (hình thức khen thưởng đãi ngộ người có công trạng). Năm 1690 làm Chánh sứ sang Bắc quốc (Trung Quốc). Sau 2 năm, năm 1692 hoàn thành tốt nhiệm vụ đi sứ, được vua phong chức Tả Thị lang Bộ Binh, tước Tử, được vào dạy Thái tử (đảm nhận chức Nhập thị kinh diên). Văn bia kết thúc ở năm Quý Dậu (1693), Nguyễn Danh Nho được thăng chức Tả thị lang Bộ Lại.
Về kết quả học tập, Nguyễn Danh Nho đạt học vị đại khoa, về chức quan và nhiệm vụ cao nhất, ông làm tới Bồi tụng, tương đương Phó Thủ tướng Chính phủ hiện nay. Quãng thời gian từ năm 1694 đến khi qua đời (năm 1699), chính sử ghi 2 sự kiện về Nguyễn Danh Nho. Năm 1694, tháng bảy, biếm chức Tả thị lang Bộ Lại Nguyễn Danh Nho làm Hữu thị lang Bộ Hình. Viện dẫn nguyên nhân hạ chức, sách Bản kỷ tục biên (Nhà xuất bản Khoa học xã hội Hà Nội phát hành năm 1982) viết: “Bấy giờ Danh Nho làm việc thuyên bổ các chức quan, có người nói rằng thuyên bổ không đúng tài năng và bàn xét chưa được phù hợp”. Cũng trong sách Bản kỷ tục biên ghi về lần đi sứ năm 1698: “Trước kia, ba động Ngưu Dương, Hồ Điệp, Phổ Viên thuộc châu ở Tuyên Quang bị thổ quan Vân Nam nhà Thanh xâm chiếm. Trấn thủ Trịnh Huyên đem quân vào cõi đất khai hóa trình bày với triều đình đầy đủ nguyên nhân việc xâm chiếm. Chúa sai bàn tính để tranh biện đòi lại. Tể thần Nguyễn Danh Thực xin đợi đến kỳ tuế cống sẽ làm tờ phụ tấu. Danh Nho đã sang trình bày nhưng việc không xong”. Hai sự kiện này không được phản ánh trong văn bia Thực sự bi kí.
Những di sản của Nguyễn Danh Nho để lại cho hậu thế và thành tựu trong học tập, công đức với dân với nước, với quê hương có giá trị trên nhiều lĩnh vực như sử học, văn học, văn hóa ứng xử, tinh thần tự nguyện góp công của cho thiết chế văn hóa làng, cho gia đình, dòng tộc. Ông cũng để lại nhiều tác phẩm thơ văn mang giá trị lịch sử và nghệ thuật. Văn bia ở nhà thờ Nguyễn Danh đã là cổ vật theo Luật Di sản văn hóa. Thiết nghĩ những di sản này cần được cấp ủy, chính quyền các cấp, cơ quan chuyên môn tăng cường quảng bá, tiếp tục nghiên cứu khẳng định giá trị và xây dựng phương án bảo vệ, phát huy giá trị.
VĂN LỘC