Biện pháp kỹ thuật ngăn chặn sâu hại có hiệu quả
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:59, 10/08/2016
Nhiều năm qua, nông dân diệt trừ sâu hại thường lạm dụng nhiều vào thuốc hóa học bởi hiệu quả tức thì.
Trồng xen cà chua và bắp cải hạn chế được 50% số sâu tơ hại bắp cải
Song việc lạm dụng và kéo dài như vậy đã khiến cho nhiều loài sâu trở nên kháng thuốc. Hiện nay, nhiều vùng trồng rau màu và cây ăn quả chuyên canh nông dân rất loay hoay trong quản lý dịch hại khi phương pháp hóa học không còn “hiệu nghiệm”. Xin giới thiệu một số biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn sâu hại hiệu quả để nông dân áp dụng:
- Vệ sinh đồng ruộng: Bờ cỏ và tàn dư cây trồng là nơi sâu hại thường sinh sống và trú ngụ sau mỗi vụ thu hoạch. Vệ sinh đồng ruộng sẽ phá hủy ký chủ phụ và tàn dư cây trồng, làm mất thức ăn của sâu, giảm nguồn sâu hại cho vụ sau.
- Luân canh cây trồng: Mỗi cây trồng thường có một tập hợp dịch hại riêng, khi luân canh cây trồng sẽ cắt đứt nguồn thức ăn của sâu hại. Có thể luân canh lúa nước với cây trồng cạn hoặc luân canh các cây rau màu khác họ trên đất chuyên canh.
- Xen canh: Trồng xen mang lại nhiều lợi ích trong đó có lợi ích về bảo vệ thực vật. Xen canh tạo nên tình trạng không đồng nhất, xen kẽ các nguồn thức ăn đối với các loài sâu hại, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loài thiên địch cư trú và phát triển. Kết quả cho thấy trồng xen canh giữa cà chua và bắp cải thì hạn chế được 50% số sâu tơ hại bắp cải. Trồng xen ngô - lạc sẽ làm giảm số lượng bọ trĩ, rầy xanh hại lạc, sâu đục thân ngô so với trồng thuần...
- Điều tra dịch hại: Nông dân cần theo dõi sự phát triển của sâu hại và cân nhắc đến tình trạng thiên địch (côn trùng có ích) trên đồng ruộng để xác định thời điểm cần phòng trừ và chỉ xử lý thuốc ở các điểm nóng. Đây là việc quan trọng cần phải làm trước khi đưa ra quyết định phun thuốc hay không phun thuốc.
- Chỉ phun thuốc khi cần thiết: Thuốc trừ sâu chỉ được dùng sau khi dịch hại đủ số lượng gây mức tổn thất kinh tế (ngưỡng phòng trừ). Chỉ có thế mới hạn chế được lượng thuốc dùng và bảo vệ được thiên địch. Mỗi loài sâu gây hại từng loại cây trồng ở các giai đoạn khác nhau thì có ngưỡng phòng trừ khác nhau. Muốn biết chính xác điều này nông dân cần gọi điện hoặc tìm đến các nhà chuyên môn xin tư vấn hoặc nghe thông báo của cơ quan chức năng…
- Bảo vệ thiên địch và có chiến lược phòng trừ thích hợp: Sử dụng các loại thuốc trừ sâu phổ hẹp khi cần. Thuốc có tác dụng chọn lọc sẽ ít gây hại quần thể sinh vật chân đốt có ích và bảo vệ chúng phát triển. Mặt khác cần kết hợp hài hòa biện pháp hóa học với các biện pháp khác như sinh học, canh tác, giống kháng, luân canh cây trồng…
KS. TRẦN THỊ LIÊN
(Trạm Khuyến nông huyện Nam Sách)