Trồng xen ngô với cây họ đậu

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 15:06, 11/08/2016

Hiện nay, xu hướng xen canh ngô với các cây họ đậu (lạc, đậu tương, đậu cove…) ngày càng áp dụng rộng rãi ở nhiều vùng.



Bà con nông dân nên chọn giống ngô lá thưa, thân cao khi trồng xen với cây họ đậu

Sau đây là một số kinh nghiệm về kỹ thuật này để tăng hiệu quả cho cả hai cây trồng khi xen canh.

Chọn giống ngô khi xen: Để tận dụng được nguồn ánh sáng cho các cây họ đậu phía dưới, nông dân nên chọn các giống ngô có bộ lá thưa, thoáng, hệ số kinh tế cao, nhiều phấn, có độ kết hạt tốt. Không nên chọn giống ngô có thân lá xum xuê, cao cây. Mặt khác, lựa chọn các giống sao cho thời gian sinh trưởng của ngô bằng cây trồng xen hoặc thời gian sinh trưởng của cây trồng xen ngắn hơn ngô 15-20 ngày để bố trí gieo trồng cùng một lúc thì sẽ thuận tiện cho chăm sóc và quản lý sâu bệnh, giảm được chi phí sản xuất…

Tỷ lệ trồng xen ngô với cây lạc hoặc đậu tương thích hợp cho cả cây trồng chính và phụ, cho hiệu quả kinh tế cao là trồng xen hàng theo các công thức: 1 ngô + 1 đậu tương hoặc 1 ngô + 2 đậu tương hay 1 ngô + 2 lạc thậm chí là 1 ngô + 3 lạc.

Các hàng lạc bố trí vuông góc với chiều dọc luống được trồng theo mật độ bình thường trừ đi 2 hốc cuối của 2 đầu để thay vào đó 2 hạt ngô. Kích thước luống nên để rộng 1-1,2 m. Chăm sóc, vun xới cho lạc và ngô giống như trồng thuần. Trồng xen như vậy năng suất lạc giảm không đáng kể nhưng có thể tăng thêm 1-2 tấn ngô/ha.

Để tận dụng tốt ánh sáng, giảm độ che khuất đối với cây trồng xen phía dưới, nông dân nên bố trí các hàng ngô theo hướng đông tây, đặt mầm chính tán lá ngô sao cho các lá xỏa ra vuông góc với chiều dài luống. Tiến hành thụ phấn bổ khuyết 1-2 lần khi ngô phun râu rộ. Cắt cờ khi ngô đã héo râu và tước bỏ lá già khi ngô đã chín sáp.

* Chú ý: Ngô và cây họ đậu khi trồng xen thường hay bị các loài sâu xám, rệp hại song hành, bệnh khô vằn gây lở cổ rễ đậu và thối hỏng thân lá ngô. Do đó, khi trồng xen nông dân cần kiểm soát tốt bằng nhiều biện pháp tổng hợp trong đó biện pháp xử lý đất, vệ sinh đồng ruộng và giữ ẩm độ thích hợp là khâu then chốt. Thực tế cho thấy khi tăng lượng kali bón cho 2 cây trồng thời kỳ phát triển thân lá và lớn quả, lớn bắp sẽ hạn chế rất nhiều tỷ lệ hại do rệp, nấm khô vằn gây ra.

Lượng phân bón và kỹ thuật bón phân, chăm sóc cần bảo đảm tốt cho cả cây trồng chính và cây trồng xen. Trong đó, nên cân đối các dinh dưỡng đa lượng theo tỷ lệ N: P: K (2: 1,5: 1,5) ở các lần bón thúc. Thời điểm cây họ đậu ra hoa, đậu quả cần bổ sung thêm các dinh dưỡng vi lượng qua lá nhằm thúc đẩy chúng đậu quả tốt hơn.

  KS. TRẦN THỊ LIÊN (Trạm Khuyến nông huyện Nam Sách)