Lưu ý với bệnh vàng lá di động trên lúa

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:35, 13/08/2016

Nếu ruộng lúa bị bệnh nặng cần khẩn trương tiêu hủy để hạn chế lây lan. Khoanh vùng và kiểm tra rầy trên đồng để phun trừ kịp thời.



Nông dân Nam Sách kiểm tra sâu bệnh trên lúa mùa

Vụ mùa năm 2015 bệnh vàng lá di động (còn gọi là bệnh vàng tạm thời, vàng lụi) đã gây hại nhiều diện tích lúa tại các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà và Kim Thành, chủ yếu trên các giống lúa nhiễm như BC15, Hương thơm số 1, nếp các loại…

Giai đoạn đẻ nhánh rộ đến đứng cái là lúc mẫn cảm nhất của lúa với loại bệnh này, đặc biệt khi rầy phát sinh trên đồng ruộng (rầy là môi giới truyền bệnh).

Cây bị bệnh lùn tụt lại, lá bị vàng bắt đầu từ những lá phía dưới. Lá biến thành màu vàng da cam từ mép lá và chóp lá trở vào. Lá lúa co ngắn lại và xoè ngang ra giống như lá cây gừng. Lá non thường có màu xanh nhạt lốm đốm hoặc thành sọc dài, ngắn khác nhau chạy song song với gân lá, bộ rễ kém phát triển có màu đen, mùi tanh.

 Khi cây lúa bị vàng lá nặng và bị sớm có thể lụi chết trước khi trỗ. Nếu bị nhiễm bệnh muộn thì mức độ bệnh nhẹ, nếu không chữa trị thì cây lúa có thể sống đến khi trỗ bông nhưng trỗ muộn, bông lúa nhỏ, nhiều hạt lép và thường trỗ không thoát. Hạt lúa bị  lửng và nhẹ, vỏ trấu có vệt nâu đậm hoặc biến màu.

Cây nhiễm bệnh muộn có thể không biểu hiện triệu chứng trước khi thu hoạch nhưng cây lúa chét mọc lên thường biểu hiện bệnh rõ rệt từ đầu. Nếu bệnh nhẹ và được chữa trị tích cực, kịp thời thì có thể hồi phục và cho năng suất bình thường.

Trên ruộng lúa lúc đầu có một số dảnh lúa bị bệnh, sau đó từ những dảnh này lan ra thành từng chòm và toàn ruộng. Sự phát triển và tác hại của bệnh có liên quan chặt chẽ với giống lúa, số lượng rầy và đặc điểm ruộng.

Phòng trừ bằng cách: Sử dụng các giống lúa kháng bệnh.

Khi phát hiện trên ruộng có dảnh, khóm lúa bị nhiễm bệnh thì ngay lập tức phải nhổ bỏ và phun thuốc trừ rầy (nếu trong ruộng có rầy xuất hiện).

Khi ruộng bị bệnh nhẹ và ở giai đoạn lúa đẻ nhánh đến đứng cái nên áp dụng các biện pháp thay nước ruộng, bón thêm vôi, sử dụng phân kích thích rễ + phân bón lá vi lượng để tăng khả năng hút dinh dưỡng và tăng khả năng phục hồi của cây. Làm tốt được việc này lúa sẽ hồi phục và trổ bông bình thường.

Nếu ruộng lúa bị bệnh nặng cần khẩn trương tiêu hủy để hạn chế lây lan. Khoanh vùng và kiểm tra rầy trên đồng để phun trừ kịp thời.

* Chú ý: Bệnh vàng lá di động do virus gây nên. Đây là loại bệnh không có thuốc nào chữa trị được. Chỉ phun thuốc trừ rầy để cắt đứt nguồn môi giới truyền bệnh. Do đó khi khẳng định được lúa bị vàng lụi nông dân không nên lãng phí mua thuốc bệnh phun trị. Việc phun lúc này là dùng thuốc trừ rầy kết hợp với phân bón qua lá để giúp cây hồi phục dần.

 KS. TRẦN THỊ LIÊN (Trạm Khuyến nông Nam Sách)