Về Cẩm Giàng xem nhà cổ

Di tích - Ngày đăng : 10:30, 15/08/2016

Cẩm Giàng là vùng đất lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị.



Ngôi nhà gần 200 tuổi của bà Vũ Thị Hoa ở xã Thạch Lỗi được nhiều người
đánh giá là đẹp nhất nhì huyện Cẩm Giàng


Trong đó, những ngôi nhà cổ còn tồn tại đến nay là những hiện vật quý đang được bảo vệ, gìn giữ bởi tâm huyết của bao thế hệ.

Đậm hồn quê

Xã Thạch Lỗi là một trong những nơi còn giữ được nhiều nhà cổ nhất huyện Cẩm Giàng. Chúng tôi tìm đến nhà bà Vũ Thị Hoa ở thôn Thạch Lỗi là gia đình còn giữ được ngôi nhà cổ được đánh giá đẹp nhất nhì huyện.

Ngôi nhà gỗ khá lớn, hầu như còn nguyên bản. Khuôn viên nhà đậm chất làng quê. Ở phía trước, bên trái là cây thị, bên phải có cây nhãn đã trồng hàng chục năm nay, gốc to bằng cả người ôm, ở giữa là đống rơm vàng óng. Sân nhà khá rộng rãi lát gạch nung. Bà Hoa hiện đã 72 tuổi, không còn nhớ chính xác nhà xây vào năm nào, chỉ biết nó được dựng cách đây gần 200 năm. Đến bà Hoa đã là đời thứ 6 sinh sống ở đây. Bà được các cụ kể lại rằng để dựng được nhà, đội thợ phải làm ròng rã cả năm trời mới xong. Ngôi nhà có 5 gian gồm 3 gian chính và 2 gian buồng. Nhà rộng 5 m, dài hơn 13 m. Ngoại trừ bức tường sau và 2 hồi được xây bằng gạch, còn lại đều làm bằng gỗ lim. Kiến trúc nhà hình lòng thuyền, con chồng, kẻ truyền. 5 gian nhà có 6 hàng cột gỗ lim, mỗi hàng có 5 cột được đặt trên chân tảng bằng đá. Cột có đường kính 15-20 cm đã ngả màu nâu bóng. Mái nhà là hệ thống các con chồng, hoành, con rường, đầu đao... tuy chạm khắc đơn giản nhưng sắc nét. Các bộ phận đấu nối với nhau ăn khớp thành một khối thống nhất. Mặt trước của nhà được thiết kế theo kiểu thượng song, hạ bản, cửa bức bàn với 4 cửa chính và 1 cửa sổ. Mái nhà lợp bằng ngói mũi truyền thống. Nhìn từ dưới lên, nóc nhà cong hình cánh diều rất mềm mại. Trải qua gần 200 năm, ngôi nhà chỉ phải đảo ngói vài lần, chưa phải sửa chữa lớn.

“Đây là hương hỏa của ông cha đã gắn bó với biết bao thế hệ của gia đình nên tôi có phải ăn cháo cũng không bán”.


Giữa những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát ở thị trấn Lai Cách, không khó để nhận ra sự khác biệt ở ngôi nhà cổ của gia đình ông Nguyễn Văn Thuận, thôn Bầu. Ngôi nhà này đã "thọ" 99 tuổi. Kiến trúc nhà vẫn giữ như xưa. Ngôi nhà có 3 gian được làm toàn bộ bằng gỗ lim và kiểu kiến trúc cũng tương tự như nhà bà Hoa. Ngoài ngôi nhà, hiện nay, gia đình vẫn còn giữ được đồ nội thất cổ gồm bộ khám thờ, 8 bài vị thờ gia tiên, 1 chiếc sập. Tuy khuôn viên nhà không còn như xưa nhưng vẫn toát lên vẻ cổ kính, tĩnh mịch của làng quê ngày trước. Để nhà không bị ngập, thuận tiện cho sinh hoạt, năm 2010, gia đình ông Thuận kích nâng nhà lên 50 cm và làm lại hệ thống cửa. Ông cho dỡ bỏ bậu cửa, hạ các cánh cửa  xuống sát với nền nhà.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng Văn hóa, thông tin huyện Cẩm Giàng, trên địa bàn huyện còn khoảng 35 ngôi nhà cổ, hầu hết làm bằng gỗ lim. Các ngôi nhà trên chủ yếu được làm ở thời Nguyễn. Nhà cổ hiện nay rất khó giữ vì đang bị xuống cấp, chỉ có một số nhà còn tốt và giữ được nguyên bản. Ngoài ra, do kiến trúc cũ gây bất tiện cho cuộc sống hiện đại nên nhiều gia đình đã phá bỏ.

"Có phải ăn cháo cũng không bán"

Mỗi ngôi nhà cổ còn đến ngày nay chứa đựng nhiều thông tin, giá trị về văn hóa, lịch sử của làng quê, gắn bó với những thăng trầm của từng gia đình. Vì thế, có những gia đình nỗ lực giữ nhà cổ, thể hiện sự trân trọng với tài sản của ông cha.

Ngôi nhà của gia đình bà Hoa đã trải qua biết bao biến cố, có lúc tưởng không giữ được. Cách đây mấy chục năm, bố chồng bà đã định bán nhà để lấy tiền cho các con ăn học. Nhưng sau nhiều đêm suy nghĩ, cụ lại thôi. Trước đó, trong thời kỳ chống Pháp, nhà của gia đình thường xuyên bị đạn bắn trúng. Vừa kể cho chúng tôi, bà Hoa vừa chỉ những vết  đạn trên các chiếc xà, gồi, hoành. Cũng thời kỳ này, gia đình bà phải đi tản cư nên đã tháo hết cửa ngâm xuống ao mới giữ được đến nay. Bà Hoa cho biết: "Nhiều năm nay, gia đình tôi liên tục có khách đến tham quan, xem mẫu và hỏi mua nhà. Người đến mua bảo nhà bác tiền tỷ sao không bán đi mà xây nhà tầng ở cho sướng. Nhưng đây là hương hỏa của ông cha đã gắn bó với biết bao thế hệ của gia đình nên tôi có phải ăn cháo cũng không bán".

Cùng chung suy nghĩ với gia đình bà Hoa, gia đình ông Thuận cũng quyết tâm giữ cho bằng được ngôi nhà. Những năm qua, ông không nhớ đã từ chối biết bao lời mời chào gạ bán nhà của khách. Ông Thuận còn nhớ một sự kiện liên quan đến sự tồn tại của ngôi nhà. Đó là vào khoảng năm 1947, trong một lần thực dân Pháp đi càn qua thôn đã tưới xăng và đốt nhà ông. Rất may là giặc vừa đốt liền bỏ đi nên gia đình kịp thời dập được nhà chỉ bị cháy sém mất vài cái xà, vì kèo... Hiện nay, ngôi nhà được ông dùng để ở và thờ cúng tổ tiên. Hằng năm, ông đều tổ chức cúng giỗ các cụ và trao thưởng khuyến học cho các cháu tại đây. Những buổi gặp mặt này, ông Thuận đều không quên căn dặn con cháu cùng nhau giữ gìn ngôi nhà vì nó không chỉ là tài sản hữu hình mà còn là nơi lưu lại truyền thống gia đình.

Còn không ít gia đình khác cũng ngày đêm khắc phục khó khăn trong sinh hoạt, tiết chế nhu cầu bản thân để gìn giữ nhà cổ. Vì thế, ngoài sự cố gắng của mỗi gia đình, các cơ quan chuyên môn cần quan tâm bảo tồn, có thể chọn những ngôi nhà cổ có giá trị cao để xây dựng thành điểm đến du lịch như một số tỉnh, thành phố đã làm.

DANH TRUNG