Còn nhiều lo ngại
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 13:34, 16/08/2016
Sau khi công bố điểm chuẩn của đợt xét tuyển đầu tiên, các trường vẫn phấp phỏng những nỗi lo riêng.
Trường Cao đẳng Hải Dương có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển hiện ở mức thấp hơn chỉ tiêu tuyển sinh
Cầu đào tạo vượt cung
Điểm chuẩn của đợt xét tuyển đầu tiên của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh ta năm nay đều thấp hơn so với năm trước. Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương vẫn là trường có điểm chuẩn cao, đông thí sinh đăng ký song điểm chuẩn các ngành bậc đại học cũng giảm từ 0,25-0,5 điểm; điểm chuẩn các ngành bậc cao đẳng giảm từ 1-2 điểm. Trường Cao đẳng Dược Trung ương - Hải Dương năm nay lấy điểm chuẩn khối A là 13,5 điểm, khối B là 13 điểm, thấp hơn điểm chuẩn năm trước 2,5 điểm đối với khối A và 3 điểm đối với khối B. Các trường Đại học Hải Dương, Đại học Sao Đỏ tiếp tục lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định và xét tuyển theo kết quả học bạ. Vì Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ điểm sàn cao đẳng nên Trường Cao đẳng Hải Dương không đặt ra mức điểm nhận hồ sơ của thí sinh xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia.
Tiêu chuẩn đầu vào thấp hơn song một số trường vẫn có ít thí sinh đăng ký xét tuyển trong đợt 1. Đến hết ngày 15-8, Trường Cao đẳng Hải Dương mới nhận được khoảng hơn 100 hồ sơ đăng ký xét tuyển ngành giáo dục mầm non là ngành "đắt hàng" nhất của trường, các ngành khác dao động khoảng 30-50 hồ sơ. Trường Đại học Thành Đông chỉ có gần 100 hồ sơ đăng ký xét tuyển. TS. Phạm Đức Bình, Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Dương cho biết nhà trường chưa thống kê xong số thí sinh trúng tuyển đợt 1 song số lượng không được nhiều. So với chỉ tiêu tuyển sinh "khủng" mà các trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho thì số thí sinh nộp hồ sơ cũng như trúng tuyển rất ít. Năm nay, Trường Đại học Hải Dương có chỉ tiêu tuyển sinh hơn 2.000 đối với bậc đại học và 600 đối với bậc cao đẳng, Trường Cao đẳng Hải Dương được phép tuyển sinh 2.950 sinh viên, Trường Đại học Thành Đông có chỉ tiêu tuyển sinh 890 đối với bậc đại học, 150 đối với bậc cao đẳng. Mặc dù vẫn còn các đợt xét tuyển bổ sung song các trường này đều đứng trước nguy cơ khó tuyển sinh đủ số chỉ tiêu được giao. Khi lượng thí sinh tuyển được ít, các trường sẽ gặp nhiều khó khăn trong đầu tư cơ sở vật chất cũng như tổ chức các hoạt động dạy và học.
Tình trạng các trường ít thí sinh cho thấy nguồn vào bậc đại học, cao đẳng đang có xu hướng thấp hơn cầu đào tạo, hay nói cách khác là chúng ta đang dư thừa nhiều trường đại học, cao đẳng. Và các trường khó tuyển sinh thường là những trường xếp ở tốp dưới, uy tín không cao hoặc trường đào tạo những ngành nghề mà thị trường lao động đã bị bão hoà.
Đối với trường có nhiều thí sinh nộp hồ sơ như Cao đẳng Dược Trung ương - Hải Dương cũng có nỗi lo riêng. Năm nay chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 700 nhưng trong đợt xét tuyển đầu tiên này trường đã thông báo trúng tuyển cho 936 thí sinh. Lý giải về điều này, bà Nguyễn Thị Thanh Nhài, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết sở dĩ phải gọi nhiều thí sinh nhập học như vậy vì trường lo ngại có nhiều hồ sơ "ảo" do thí sinh được nộp nguyện vọng 1 vào 2 trường. Theo kinh nghiệm tuyển sinh của nhà trường thì sẽ có khoảng 70% thí sinh được gọi sẽ nhập học. Nhưng con số chính xác thì phải đợi hết ngày 18-8 nên trường cũng đang phấp phỏng, chưa biết tổng số thí sinh tuyển được đợt này sẽ là bao nhiêu.
Lo ngại chất lượng đầu vào
Nếu căn cứ vào điểm chuẩn thì có thể thấy chất lượng thí sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng năm nay có xu hướng thấp hơn năm trước. Bên cạnh đó, việc xét tuyển bằng học bạ cũng đặt ra những băn khoăn về chất lượng đầu vào của các trường.
Trường Cao đẳng Dược Trung ương - Hải Dương lo lắng số lượng thí sinh "ảo" nhiều nên
gọi nhập học đông hơn chỉ tiêu tuyển sinh
Các trường Đại học Hải Dương, Đại học Thành Đông, Cao đẳng Hải Dương đều tuyển sinh theo 2 phương thức là xét tuyển điểm thi THPT quốc gia và xét tuyển bằng học bạ. Tuy nhiên, hầu hết thí sinh đăng ký vào các trường này đều theo phương thức xét tuyển bằng học bạ. Đây cũng được coi là cách dễ trúng tuyển nhất trong các cách tuyển sinh đại học, cao đẳng. Với số chỉ tiêu cao, số lượng đăng ký thấp thì hầu hết thí sinh đủ điều kiện xét tuyển đều sẽ trúng tuyển. Với cách tuyển sinh tương đối dễ dãi như vậy, chất lượng đầu vào của thí sinh khó cao.
Các trường sử dụng song song 2 phương thức xét tuyển thì điểm học bạ luôn được lấy cao hơn điểm thi THPT quốc gia. Ví dụ: Trường Đại học Hải Dương và Đại học Sao Đỏ đều lấy điểm chuẩn là 15 theo kết quả thi THPT quốc gia trong khi điểm chuẩn theo học bạ tương đương 18 điểm. Điều đó cho thấy bản thân các trường đều đánh giá kỳ thi THPT quốc gia khắt khe hơn so với điểm học trên lớp của học sinh. Kết quả điểm học tập 3 năm THPT của học sinh phản ánh một quá trình dài, tuy nhiên học sinh học tập trong nhiều môi trường khác nhau, cách đánh giá có thể có những sự chênh lệch nên xét tuyển bằng học bạ cũng đặt ra những băn khoăn về sự công bằng cũng như lo ngại tình trạng "chạy" học bạ đẹp trong những năm THPT.
Thực tế cho thấy các trường tuyển sinh bằng xét tuyển học bạ đều là những trường "khát" thí sinh, không phải những trường tốp đầu và cách tuyển sinh này là cánh cửa mở cho các trường "giải nhiệt" cơn khát đó. Tuy nhiên, khi đầu vào có chất lượng không cao thì chúng ta không thể hy vọng nhiều vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo từ các trường trong những năm tới.
LAM ANH