Chăm sóc chưa đúng quy trình kỹ thuật
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:23, 18/08/2016
Người nuôi cá rô phi trong tỉnh bị thiệt hại lớn do cá chết hàng loạt
Hơn 10 năm nay, rô phi đơn tính là giống cá chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao cho các hộ nuôi thủy sản trong tỉnh. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây do nhiều nguyên nhân giống cá này bộc lộ nhiều nhược điểm, khiến người nuôi thiệt hại lớn.
So với các loại cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chép... cá rô phi thường được nông dân ưu ái lựa chọn và nuôi với số lượng lớn do phù hợp với yêu cầu sản xuất hàng hóa hiện nay như thời gian nuôi ngắn, chi phí thấp và sản lượng cao. Nếu thâm canh tốt, nông dân sẽ thu lãi cao hơn nhiều giống cá khác. Tuy nhiên, thực tế hiện nay lại trái ngược hoàn toàn. Mấy năm nay, tình trạng cá rô phi chết hàng loạt ở các địa phương như Tứ Kỳ, Thanh Miện, Gia Lộc... liên tục tái diễn khiến người nuôi cá lao đao. Có thời điểm, lượng cá chết lên tới 60 - 70%, nông dân lỗ nặng từ 5 - 7 triệu đồng/sào.
Nuôi cá rô phi từ những ngày đầu khi giống cá này mới du nhập vào tỉnh, anh Vũ Văn Núi ở xã Đức Xương (Gia Lộc) nắm rõ đặc tính sinh trưởng của chúng. Theo anh Núi, rô phi ăn tạp, dễ nuôi nhưng lại rất mẫn cảm với thời tiết. Do vậy, khi nhiệt độ thay đổi bất thường, cá bị suy giảm sức đề kháng nên dễ nhiễm dịch bệnh. Từ năm 2008 trở lại đây, cá chết ngày càng nhiều mà vẫn chưa có loại thuốc nào để khắc phục. Dù thuộc lòng những kiến thức chăm sóc cơ bản nhưng anh vẫn trở tay không kịp khi cá có dấu hiệu dịch bệnh hay sinh trưởng chậm bởi cá lây bệnh nhanh. Lứa cá vụ đông vừa qua anh gần như mất trắng vì rét đậm, rét hại kéo dài. Đến vụ hè thu này dù đã thận trọng hơn trong việc phòng trị bệnh, cá vẫn chết đến hơn 30%. Nếu thực trạng này cứ kéo dài, người nuôi cá sẽ quay lưng với các giống rô phi.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, nguyên nhân dẫn tới việc cá rô phi chết hàng loạt là do thời tiết diễn biến tiêu cực, ít tuân theo quy luật thông thường. Trong khi đó, đây là giống cá mới, khả năng thích ứng không cao. Mặt khác, nguồn nước nuôi cá hiện nay không bảo đảm yêu cầu nên cá dễ nhiễm mầm bệnh từ môi trường nước. Nhưng đây chỉ là tác động khách quan từ bên ngoài, còn nguyên nhân chính vẫn do kỹ thuật nuôi cá của người dân còn hạn chế. HTX Thủy sản sạch chất lượng cao Xuân Nẻo (xã Hưng Đạo, Tứ Kỳ) được đánh giá có kỹ thuật nuôi cá đứng đầu tỉnh. Mặc dù cùng nằm trong HTX nhưng khi phát hiện cá chết chỉ có 30% số hội viên làm đúng theo quy trình, kiểm soát thức ăn và nguồn nước. Các hộ này thiệt hại không đáng kể, còn các hộ khác vẫn giữ cách làm chủ quan cũ, sử dụng thuốc không theo hướng dẫn, liều lượng nên mức độ thiệt hại tới hơn 50%. Điều này cho thấy tư duy sản xuất theo kiểu mạnh ai nấy làm và theo thói quen sẽ không những không giảm thiểu được thiệt hại, mà còn trở thành điều kiện để bệnh dịch ngày càng lây lan nhanh.
Theo ông Hoàng Quý Hưng, Trưởng Phòng Nghiệp vụ thủy sản (Chi cục Thủy sản tỉnh), hầu hết người nuôi cá đều mong muốn phát triển theo hướng công nghiệp: nhanh, nhiều và chất lượng để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Vì vậy, hình thức nuôi chủ yếu là thâm canh và bán thâm canh. Nhược điểm của phương pháp nuôi này là khi dịch bệnh phát sinh sẽ rất khó xử lý vì mật độ cá nuôi dày. Mặt khác, người dân còn thiếu nhiều kỹ năng nên không đánh giá được mức độ dịch hại để đưa ra phương án xử lý. Nhiều hộ xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng tận dụng chất thải chăn nuôi cho cá ăn nên môi trường nước càng ô nhiễm. Vì thế, có trường hợp cá chết rải rác từ tháng 6 nhưng đến tháng 8 vẫn chưa thể khắc phục dứt điểm. Hơn nữa, kỹ thuật nuôi, phòng bệnh cho cá ở mỗi thời điểm không giống nhau trong khi rất ít người dân nhận thức được điều này khiến cá chết càng nhiều thêm. Đây chính là bất cập lớn trong nuôi thủy sản hiện nay.
Nuôi thủy sản nói chung, nuôi cá rô phi nói riêng phụ thuộc lớn vào thời tiết nhưng nếu làm theo quy trình đồng bộ từ khâu xử lý ao nuôi, lựa chọn con giống đến phòng trừ dịch bệnh thì vẫn có thể hạn chế tối đa những bất lợi do thời tiết gây ra.
PV