Đừng để "nước đến chân..."
Trong nước - Ngày đăng : 08:07, 21/08/2016
Trong khi nhiều tỉnh, thành phố đang ra sức đầu tư để cải thiện vị trí thì ở tỉnh ta, vận động viên nhiều bộ môn vẫn phải tập luyện trong điều kiện hết sức khó khăn.
Môn đua thuyền rowing của tỉnh hiện nay còn nhiều thiếu thốn về trang thiết bị, dụng cụ tập luyện
Chỉ còn 2 năm nữa, Đại hội Thể dục, thể thao toàn quốc lần thứ VIII sẽ diễn ra. Trong khi nhiều tỉnh, thành phố đang ra sức đầu tư để cải thiện vị trí thì ở tỉnh ta, vận động viên nhiều bộ môn vẫn phải tập luyện trong điều kiện hết sức khó khăn.
Thiếu cơ sở vật chất luyện tập
Ông Vũ Đình Thịnh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, huấn luyện thể thao tỉnh chia sẻ: "Hiện nay, nhiều ngành, địa phương đang bám gần tốp 10 là Đồng Tháp, Nam Định, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bộ Công an... có tham vọng lọt vào tốp 10 ở đại hội tới. Đây là những ngành, địa phương có tiềm lực, lại được đầu tư mạnh chẳng khác nào được chắp thêm cánh, chắc chắn họ sẽ tạo ra bứt phá ở kỳ đại hội này. Để bảo vệ vị trí nằm trong tốp 10, tỉnh ta sẽ gặp phải sự đua tranh quyết liệt từ những địa phương trên".
Trong khi các tỉnh tập trung đầu tư mạnh mẽ thì nhiều năm qua, công tác đầu tư cho thể thao thành tích cao của tỉnh hầu như vẫn giậm chân tại chỗ. Thiếu những công trình tầm cỡ, nhiều công trình được đầu tư chắp vá, kéo dài. Tiêu biểu nhất là các công trình nhà tập luyện đa năng, sân tập, đường chạy thuộc Trung tâm Đào tạo, huấn luyện thể thao tỉnh. Đến nay, nhà tập này đã đi vào sử dụng 3 năm nhưng vẫn chưa có thảm trải sàn. Đặc biệt, đường chạy xây dựng từ năm 2011 đến nay mới hoàn thành được hơn một nửa khối lượng. Nhà thầu thực hiện công trình với tiến độ "rùa bò", dang dở, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng tập luyện của vận động viên (VĐV), nhất là ở bộ môn điền kinh. Nhiều bộ môn thiếu thốn trang thiết bị, dụng cụ tập luyện, thi đấu như: bắn súng, bắn cung, đua thuyền rowing, canoeing, cử tạ...
Theo anh Lê Văn Chức, huấn luyện viên (HLV) trưởng bộ môn điền kinh tỉnh, hiện bộ môn không có sân tập, đường chạy bảo đảm, không có khu dành riêng cho nhảy xa, nhảy cao, nhảy sào, ném lao, đẩy tạ... "Do khó khăn về điều kiện tập luyện, bộ môn chỉ phát triển được các môn chạy trung bình - dài, phối hợp, ném đẩy, nhảy sào. Tuy nhiên, chỉ có nhóm chạy trung bình - dài được tập thường xuyên ở nhà, còn các nhóm khác khi tập chuyên môn đều phải đi tập nhờ đơn vị bạn. Do đó, dù có tiềm năng nhưng bộ môn cũng không dám mở thêm các môn khác như chạy vượt rào, chạy tiếp sức 400 m nữ", anh Chức nói.
Cũng do những hạn chế về chế độ, chính sách, khen thưởng, điều kiện tập luyện nên thời gian qua nhiều VĐV có năng khiếu, thành tích tốt đã xin nghỉ tập hoặc bỏ đi đầu quân cho địa phương khác. Nếu thời gian tới không được quan tâm đúng mức, nhiều VĐV có khả năng giành huy chương ở đại hội tới sẽ không còn cống hiến cho tỉnh.
Không để đề án “treo”
|
Tại Đại hội Thể dục, thể thao (TDTT) toàn quốc lần thứ VIII, tỉnh ta dự kiến có hơn 250 VĐV thi đấu 24 trong tổng số 30 môn và phấn đấu giành 21 - 24 huy chương vàng để duy trì vị trí nằm trong 10 đơn vị dẫn đầu.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ trên, vừa qua tỉnh đã có đề án "Xây dựng lực lượng HLV, VĐV thể thao thành tích cao tham dự Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII năm 2018" với kinh phí hơn 51,9 tỷ đồng.
Theo đó từ nay đến năm 2018, các điểm luyện tập như: Câu lạc bộ Bóng bàn tỉnh, Câu lạc bộ Bắn súng tỉnh, nhà tập luyện đa năng, bể bơi Yết Kiêu sẽ được sửa chữa, nâng cấp, mua sắm thêm trang thiết bị, dụng cụ chuyên dùng như: trường bắn, sàn tập, súng thể thao, cung, sàn tập tạ, sào nhảy, đường chạy, đường kiếm, đài tập môn wushu, boxing, thuyền rowing, canoeing... Khu ký túc xá, nhà ăn cho VĐV của các bộ môn sẽ được xây mới tại Khu liên hợp Văn hóa, thể thao tỉnh. Những môn thể thao mũi nhọn, thế mạnh như: bắn súng, cử tạ, bóng bàn, đua thuyền rowing, pencak silat, điền kinh, đấu kiếm... và VĐV có khả năng mang về huy chương vàng sẽ được thuê chuyên gia, tập huấn dã ngoại trong nước, quốc tế trong từng thời điểm thích hợp.
Đáng chú ý, đề án chỉ rõ ngoài chế độ được cấp, tỉnh sẽ bổ sung chế độ dinh dưỡng tập luyện thường xuyên cho các HLV, VĐV 20.000 đồng/người/ngày. Những VĐV đoạt huy chương vàng giải vô địch toàn quốc giai đoạn 2016-2018 sẽ được thưởng 5 triệu đồng/chiếc. 5 VĐV đặc biệt xuất sắc sẽ được thưởng nhà ở hoặc đất ở trị giá 500 triệu đồng/suất. Ngoài ra, tỉnh cũng yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương xây dựng đề án ưu đãi đặc thù đối với VĐV thể thao thành tích cao giai đoạn 2016-2020.
Những chủ trương, kế hoạch, giải pháp của tỉnh nêu trong đề án rất thiết thực, giúp cho công tác chuẩn bị tham dự Đại hội TDTT toàn quốc chủ động, chất lượng hơn. Tuy nhiên, để các nội dung của đề án được thực hiện nghiêm túc cần sự chỉ đạo mạnh mẽ của tỉnh, sự tích cực vào cuộc của các cấp, các ngành liên quan, tránh việc "đánh trống bỏ dùi" như việc thực hiện đề án chuẩn bị của kỳ đại hội lần trước và đề án "Giải quyết chế độ đặc thù đối với VĐV thể thao thành tích cao tỉnh Hải Dương, giai đoạn 2012-2015". Trong đó, đề án về giải quyết chế độ đặc thù đối với VĐV thể thao thành tích cao đưa ra những chế độ ưu đãi đối với VĐV như: được miễn học phí hoàn toàn trong quá trình học văn hóa; chế độ dinh dưỡng của VĐV được điều chỉnh khi giá cả biến động từ 20% trở lên; hỗ trợ nhà ở cho VĐV đạt thành tích xuất sắc... Tuy nhiên, hầu hết các nội dung trên của đề án không được thực hiện. Điều này khiến các HLV, VĐV giảm niềm tin, giảm quyết tâm, nỗ lực tập luyện, thi đấu.
Đại hội TDTT toàn quốc được tổ chức 4 năm một lần. Đây là sân chơi lớn và danh giá nhất của thể thao quốc gia. Để đoàn thể thao tỉnh đem về thành tích tốt nhất, rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành và của toàn xã hội.
DANH TRUNG