Nông dân liên kết phát triển kinh tế
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:50, 23/08/2016
Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân huyện Thanh Miện đã có nhiều hình thức tổ chức liên kết để giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế gia đình.
Gần 130 hộ nông dân thôn Tòng Hóa, xã Đoàn Kết liên kết nuôi thủy sản tập trung, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất
Hiện nay, người dân xã Chi Lăng Nam vẫn chủ yếu làm nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp, bấp bênh khiến đời sống của nhiều hội viên gặp khó khăn. Để giúp các hội viên phát triển sản xuất luôn là điều khiến cán bộ Hội Nông dân (HND) xã trăn trở. Sau khi tìm hiểu các mô hình sản xuất đã được áp dụng ở một vài địa phương trong tỉnh, cán bộ, hội viên nông dân xã Chi Lăng Nam nhận thức rằng muốn làm giàu trước tiên cần đoàn kết, tập hợp đông đảo hội viên cùng tham gia. HND xã tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của các chi hội nghề nghiệp. Với sự tham gia của gần 60 hội viên, chi hội nghề nghiệp đã chủ động xây dựng các hình thức liên kết hội viên trong sản xuất bánh đa, trồng cây ăn quả, nuôi thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Tham gia các hình thức liên kết này, hội viên không chỉ được hỗ trợ về nguồn vốn mà còn được tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật; được cung ứng phân bón, thức ăn chăn nuôi bảo đảm chất lượng… Những hoạt động đó giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cải thiện thu nhập cho hội viên.
Các hình thức liên kết đã thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia. Đến nay, huyện Thanh Miện đã xây dựng được 17 mô hình liên kết sản xuất tập trung về nuôi thủy sản, chăn nuôi ao-vườn, trồng rau màu, cơ giới hóa đồng bộ với gần 800 hội viên nông dân tham gia. Tiêu biểu như các hình thức liên kết nuôi thủy sản ở các xã Đoàn Kết, Ngũ Hùng, Cao Thắng; trồng rau màu ở xã Lam Sơn; cơ giới hóa đồng bộ ở xã Ngô Quyền…
Để khuyến khích hội viên tham gia các hình thức liên kết, các cấp HND trong huyện đã vận động, tuyên truyền về mục đích, hiệu quả, nội dung... của các hình thức liên kết. HND huyện thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (HND tỉnh) tổ chức nhiều lớp tập huấn, dạy nghề nhằm nâng cao kiến thức cho cán bộ, hội viên. Hằng năm, HND huyện còn tranh thủ nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội cho khoảng 5.000 hội viên vay vốn sản xuất với tổng số tiền hơn 100 tỷ đồng. Mỗi năm HND huyện phối hợp với các đơn vị cung ứng gần 400 tấn phân bón trả chậm, tổ chức hàng chục buổi chuyển giao kỹ thuật cho hội viên...
Giảm hộ nghèo, tăng hộ giàu
Việc triển khai các hình thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp nhiều hội viên nông dân thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Trước đây, gia đình anh Nguyễn Tiến Minh ở thôn Tòng Hóa, xã Đoàn Kết có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Năm 2006, anh tham gia Câu lạc bộ Chăn nuôi thủy sản của xã. Tại đây, anh và một số thành viên đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời về vốn, kinh nghiệm để đầu tư gần 7 sào ao nuôi thả các giống cá truyền thống. Nhờ vậy, việc chăn nuôi của anh đã đạt được kết quả ngoài mong đợi. Hiện nay, mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh thu lãi hơn 100 triệu đồng. Anh Minh cho biết: “Nhờ tham gia vào hình thức liên kết chăn nuôi thủy sản, nhiều hội viên đã có cơ hội thoát nghèo. Do chịu khó làm ăn, ham học hỏi nên một số hội viên đã có thu nhập bình quân mỗi năm từ 200-300 triệu đồng; có điều kiện giúp đỡ các hội viên khác có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương”.
Anh Nguyễn Hữu Dương ở thôn An Dương, xã Đoàn Kết là một trong nhiều hội viên tham gia hình thức liên kết trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả cao. Năm 2013, anh đầu tư vốn trồng cây cam đường Canh ở khu trồng cây tập trung Nàn Quýt với gần 1.000 gốc trên diện tích 1,7 mẫu. Anh Dương cho biết: “Ngày đầu mới ra đây, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên công việc không được suôn sẻ. Nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ kinh tế của các hội viên đi trước, tôi đã nắm vững kỹ thuật chăm sóc giống cam này. Đến nay, bước đầu gia đình đã có thu nhập gần 80 triệu đồng/năm từ trồng cam”.
Ông Lê Văn Duẩn, Chủ tịch HND huyện Thanh Miện cho biết: “Các hình thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần giảm số hộ nông dân nghèo còn 8,1%, thu nhập bình quân đạt trên 25 triệu đồng/hộ/năm. Nhiều hội viên sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao với thu nhập từ 200-400 triệu đồng/năm trở lên".
Thời gian tới, HND huyện Thanh Miện tiếp tục hướng dẫn hội viên nông dân xây dựng thêm nhiều hình thức liên kết, nâng cao hiệu quả phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
ĐỨC TÂM