Nặng lòng với cổ vật

Việc tử tế - Ngày đăng : 11:05, 26/08/2016

Rời quân ngũ, trở về quê hương, ông Phạm Văn Quyết (62 tuổi) ở thôn Bằng Giã, xã Tân Việt (Bình Giang) luôn khát khao sưu tầm cổ vật và nhà cổ.



Hiện nay ông Quyết sở hữu bộ sưu tập gần 1.500 cổ vật


Với ông, đó là những bảo vật vô giá giữa cuộc sống đời thường.

Hơn 20 năm qua, ông Quyết đã sưu tầm được gần 1.500 cổ vật và nhà cổ, từ những món đồ tưởng chừng bỏ đi như miếng sành sứ cho đến cột kèo, bức trướng... Ông thường gọi vui đó là "thứ vàng mười đã qua thử lửa". Giọng chậm rãi, ông kể về cơ duyên dẫn ông đến với thú sưu tầm cổ vật: "Sau khi rời quân ngũ tôi chuyển sang làm công nhân lái máy kéo. Nhờ công việc này tôi có điều kiện được tiếp xúc với những vật dụng có niên đại hàng trăm năm như nậm, lọ, bình, cái kèo, cột nhà… Tất cả khơi gợi nỗi niềm hoài cổ". Kể từ đó, ông Quyết càng đam mê sưu tầm cổ vật. Khi qua mỗi vùng đất, ông đều lân la dò hỏi tìm mua cổ vật để hoàn thành mục tiêu xây dựng "bảo tàng mi ni" của gia đình. Quá trình sưu tầm, ông Quyết chủ yếu dựa vào các tài liệu lịch sử, trong đó có cuốn sách "2000 năm gốm Việt Nam" của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam hay qua học hỏi kinh nghiệm của những người sưu tầm đi trước.

Để có tiền theo đuổi thú vui sưu tầm cổ vật, ông chịu khó tăng gia sản xuất, chăn nuôi, trồng cây cảnh, chắt bóp từng đồng. Mặc dù những cổ vật đều có niên đại hàng trăm năm nhưng theo ông cái quý giá của cổ vật không chỉ ở niên đại mà quan trọng hơn cả là nó đáp ứng đầy đủ các tiêu chí "nhất dáng, nhì da, tam toàn, tứ cổ". Hơn 20 năm qua, ông đã rong ruổi đạp xe khắp hang cùng ngõ hẻm để "săn" cổ vật. Thời gian đầu, nghe mọi người chỉ ở trên đỉnh núi thuộc vùng Chí Linh có cổ vật, ông đạp xe hàng chục cây số đi tìm. Ông còn sang tận Lào để tìm hiểu về cổ vật. Càng đi, càng học ông càng say sưa và hiểu thêm về giá trị của cổ vật.

Qua lời giới thiệu của ông Vũ Văn Sỹ ở thôn Mòi, xã Vĩnh Tuy (Bình Giang), ông tìm đến một gia đình ở thôn Ngọc Cục, xã Thúc Kháng (cùng huyện) để "mục sở thị" cổ vật. Sau đó ông đã sưu tầm được pho tượng cổ thời Đông Sơn cao 35 cm. Đây là tác phẩm đầu tiên ông sưu tầm được.  "Sao bác biết pho tượng đó ở thời Đông Sơn?" - tôi hỏi. "Đó là bức tượng có khối khuôn lõi sáp ong, kiến thức này tôi tích lũy được trong quá trình đọc sách và giao lưu với giới chơi đồ cổ" - ông Quyết cho biết.

Với nhiều người, những cổ vật dường như chẳng có giá trị nhưng với ông Quyết đó là báu vật, là "lộc trời" ban tặng... Mỗi khi sưu tầm được cổ vật, ông đều nâng niu, bảo quản chúng trong chiếc tủ kính đã nhuốm màu thời gian. Những chiếc trống, chiêng, ấm, lọ, công cụ bằng đá từ thô sơ đến tinh xảo... được ông sắp xếp ngăn nắp. Ông tỉ mỉ giới thiệu với tôi từng đồ vật, nào là chiếc nậm thời Trần, gốm cổ thời Lý... nhưng nổi bật nhất là bộ ấm thời Khang Hy, chiếc thạp đồng thời Đông Sơn. Ông khoe: "Tôi thường lên mạn Lục Nam (Bắc Giang) để tìm mua cổ vật những người hút cát vớt được dưới đáy sông. Khi thì mua được cái ấm, cái chén... cũng có khi trở về trắng tay. Có cổ vật đi cả tháng trời mới tìm được, nhưng cũng có cái thì chẳng tốn bao nhiêu công sức. Trừ những lúc ốm đau thì tôi mới chịu ở nhà, còn nếu không tôi lại thong thả đạp xe qua các vùng quê để săn tìm đồ cổ".

Theo ông Quyết, tìm được cổ vật đã khó, để kiểm chứng cổ vật đó là thật hay giả lại càng khó khăn hơn. Nhớ lại quá khứ đã mua phải một cái ấm giả cổ bằng đồng, ông bảo cũng chỉ vì ông nhẹ dạ cả tin nên đã mua lại cái ấm đó với giá cao.

Ngoài sưu tầm cổ vật, ông Quyết còn dày công sưu tầm nhà cổ. Năm 2003, ông mua ngôi nhà cổ 5 gian của một gia đình ở phủ Tây Hồ (Hà Nội) với giá 250 triệu đồng. Sau khi mua, ông phải thuê thợ dỡ nhà và các hạng mục của ngôi nhà chuyển về gia đình để phục dựng. Quá trình phục dựng, ông luôn trăn trở làm sao để lắp ghép ngôi nhà mới theo đúng thiết kế của ngôi nhà cổ. Sau khi hoàn thiện, các hạng mục trong ngôi nhà như kèo, cột, đấm, quyết, hoành phi, câu đối... vẫn giữ được vẻ cổ kính của một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu ngày xưa. Từng cái song cửa, bức trướng... vẫn giữ nguyên bản theo mô hình truyền thống “Tam gian nhị hạ” (ba gian hai chái) của người Việt. Giờ thì ông tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà này. Cảm giác đầu tiên khi tôi bước chân vào ngôi nhà giống như một kẻ xa quê hương lâu ngày, nay được trở lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Ngoài ra, khi sống trong nhà cổ, tinh thần con người cũng thư thái, lạc quan hơn. "Tôi luôn tâm niệm, nếu như không bảo tồn kịp thời những ngôi nhà cổ thì sẽ đánh mất hồn cốt dân tộc", ông Quyết chia sẻ.

Ông Nguyễn Trọng Lân ở khu 16, thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng), thành viên trong Hội Sưu tầm cổ vật Hải Dương do ông Quyết sáng lập nhận xét: "Tôi thấy những cổ vật ông Quyết sưu tầm mang tính chiều sâu. Từ những công cụ ghè đẽo thô sơ của con người đến những cổ vật của vua chúa, quý tộc... Hằng tuần, chúng tôi vẫn thường lui tới nhà ông để học hỏi kinh nghiệm sưu tầm cổ vật".

ÁI LIÊN