Cứu lấy ruộng hoang
Việc tử tế - Ngày đăng : 07:46, 29/08/2016
Nhiều năm gắn bó với ruộng đồng thôn Cổ Chẩm nên khi thấy phần lớn ruộng bị bỏ hoang, ông Nguyễn Kim Cương đã đề nghị chính quyền xã và người dân cho thuê lại ruộng.
Gia đình ông Cương chuyên trồng lúa nếp vì thời gian canh tác ngắn nên tránh được úng ngập
Ông đã đầu tư hàng trăm triệu đồng thuê máy xúc chỉnh trang đồng ruộng, biến nơi đây thành cánh đồng trù phú cho thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm.
Cánh đồng hoang
Cánh đồng thôn Cổ Chẩm, xã Việt Hồng (Thanh Hà) có diện tích hơn 80 ha, nằm ở phía tả sông Rạng, tiếp giáp với xã Tuấn Hưng và Cổ Dũng (Kim Thành). Trước khi có nhà máy xử lý rác, mỗi người dân thôn Cổ Chẩm được chia 5 thước ruộng ở cánh đồng này, tính bình quân mỗi hộ trong thôn được chia 1-2 sào ruộng. Để canh tác, hằng ngày người dân phải đi đò, đi thuyền qua sông Rạng. Trước kia, vì người nông dân chủ yếu chỉ biết trông vào đồng ruộng nên dù khó khăn, đi lại vất vả nhưng người dân vẫn bám ruộng đồng, bởi đây là nguồn sinh kế quan trọng. Năm 2004, dự án nhà máy rác và sản xuất phân lân vi sinh được phê duyệt đã lấy hơn một nửa số ruộng ở đây. Cũng trong thời gian này, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp Nam Sách đã thu hút một lượng lớn thanh niên xã Việt Hồng vào làm trong các nhà máy. Cùng với đó, do xã thiếu nguồn kinh phí để chỉnh trang lại đồng ruộng nên điều kiện canh tác ở đây cũng gặp khó khăn. Cách trở đò giang, ô nhiễm môi trường, tình trạng chuột, ốc bươu vàng phá hoại mùa màng... khiến nông dân thôn Cổ Chẩm dần bỏ ruộng.
Theo ông Phạm Đắc Sáng, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Việt Hồng, từ năm 2009 đến cuối năm 2013, gần như toàn bộ cánh đồng với diện tích khoảng 80 mẫu, trong đó có 10 mẫu ruộng công điền ở đây bị bỏ hoang. Xã vận động người dân tiếp tục canh tác nhưng chẳng ai còn thiết tha với đồng ruộng. Cánh đồng màu mỡ và là nguồn thu nhập chính của bao hộ nông dân một thời trở thành cánh đồng hoang.
Chỉnh trang đồng ruộng
|
Đứng trên đê tả sông Rạng nhìn về phía cánh đồng thôn Cổ Chẩm, chúng tôi không thể tin vùng đất này từng bị cỏ mọc lút đầu người. Trước mắt tôi là những ruộng lúa thẳng cánh cò bay, những bờ vùng, bờ thửa được đắp rộng rãi đi lại thuận tiện. Xen lẫn màu xanh bạt ngàn của lúa nếp cái hoa vàng là những hàng chuối tây dọc ngang theo bờ lô, bờ thửa. Thỉnh thoảng giữa màu xanh ấy, tôi lại thấy những thửa ruộng nhỏ chỉ toàn màu trắng của nước. Như hiểu được thắc mắc của tôi, ông Nguyễn Kim Cương, chủ cánh đồng phân trần: "Đúng ra là ruộng chỉ để cấy lúa. Khi ký hợp đồng với dân, với xã, tôi đã cam kết không làm biến dạng ruộng đồng. Tuy nhiên, do đây là khu vực rốn nước của các xã khu A huyện Kim Thành nên chỉ cần một trận mưa to là lúa bị ngập nước. Sau khi chỉnh trang lại đồng ruộng, với một số ruộng trũng, tôi đắp bờ cao và bơm nước vào để tranh thủ thả cá, mỗi năm cũng kiếm cả trăm triệu đồng đấy anh ạ".
Ông Nguyễn Kim Cương năm nay 52 tuổi nhưng đã có 22 năm gắn bó với cánh đồng này. Năm 1994, xã Việt Hồng có chủ trương giãn dân. Xã đã vận động được 9 hộ dân rời thôn sang khu đất cao của cánh đồng Cổ Chẩm lập vườn, đào ao thả cá. Ông Cương được chia hơn 3.000 m2 đất để trồng cây, thả cá, làm nhà nhưng lại không có ruộng để cấy. Khi ruộng của thôn bị bỏ hoang, vợ chồng ông muốn xin ruộng của dân để cấy nhưng có người cho, có người không, có người lại đòi trả thóc cao nên dù tiếc ruộng ông Cương và vợ cũng đành chịu. Đến năm 2013, cánh đồng này bị bỏ hoang. Xót ruộng, ông Cương quyết định làm đơn gửi về xã, đề đạt nguyện vọng xin thuê lại cánh đồng này. Sau đó xã đã họp bàn với dân và đi đến thống nhất cho ông Cương thuê lại ruộng với thời hạn 5 năm. Mỗi vụ ông Cương phải trả 15 kg thóc/sào cho những hộ có ruộng, cả năm là 30 kg (tương đương 150.000 đồng/sào/năm).
Ông Cương trồng 5.000 cây chuối tây, trồng sả ở các bờ vùng, bờ thửa, bờ lô
Do ảnh hưởng của dự án nhà máy xử lý rác, cộng với ruộng đã 5 năm bị bỏ hoang nên khi nhận 80 mẫu ruộng của xã, vợ chồng ông Cương quyết định bán 9 con trâu bò và vay thêm tiền của người thân để lấy tiền chỉnh trang lại đồng ruộng. Để khắc phục tình trạng ngập úng, ông thuê máy xúc đắp 900 m bờ vùng chính rộng 3 m, cao 1 m so với mặt ruộng. Toàn bộ hệ thống mương bao gồm một con mương chính dài 600 m, 3 con mương ngang mỗi con dài hàng trăm mét có sẵn đều được nạo vét hoặc đào mở rộng. Suốt mùa khô năm 2013, cánh đồng thôn Cổ Chẩm như một công trường. Khi vụ chiêm xuân năm 2014 bắt đầu, ông Cương đã thực hiện xong việc chỉnh trang đồng ruộng và tiến hành lấy nước đổ ải. Do gia đình ông chỉ có 5 người (vợ chồng ông Cương, 2 cô con dâu và 1 người con trai) nên để kịp thời vụ, ông phải thuê thêm hàng chục người cùng cấy. "Sao ông không thuê máy cấy mà lại thuê người cấy?" - tôi hỏi. "Do ruộng trũng nên không thể thuê máy. Hơn nữa, tôi chỉ cấy 2 vụ lúa nếp nên máy không cấy được" - ông Cương nói. Lý giải về việc vì sao chỉ cấy lúa nếp, ông Cương cho biết cấy lúa nếp nhanh cho thu hoạch, tránh được ngập úng cuối vụ. Hơn nữa, lúa nếp thương phẩm bán được giá và cho năng suất bình quân hơn 1,7 tạ/sào/vụ nên thu nhập cũng cao hơn. Còn vụ mùa, ông chủ yếu cấy lúa nếp cái hoa vàng, năng suất đạt hơn 1 tạ/sào. Mỗi vụ, ngoài nguồn nhân lực của gia đình, ông thường thuê thêm 150 công cấy với giá 220.000 đồng/công, tính trung bình mỗi vụ ông mất gần 33 triệu đồng tiền công cấy.
Để chỉnh trang đồng ruộng, ông mua 3 máy cày, 2 máy tuốt lúa, 4 máy bơm nước cỡ lớn. Đến nay, ông Cương đã đầu tư khoảng 600 triệu đồng để chỉnh trang đồng ruộng và mua máy móc phục vụ việc gieo cấy và chống úng.
Quả ngọt và phấp phỏng nỗi lo
Sau khi chỉnh trang đồng ruộng, đắp lại bờ lô, bờ thửa, ông Cương để dành ra khoảng 10 mẫu ruộng trũng và mương máng để thả cá trắm, chép, trôi, mè. Mỗi năm thu nhập từ cá khoảng 100 triệu đồng. Ngoài ra ông còn trồng 5.000 cây chuối tây, trồng sả ở các bờ vùng, bờ thửa, bờ lô, mỗi năm cũng cho vài chục triệu đồng. Cứ chuẩn bị thu hoạch lúa, ông Cương lại mua dăm bảy trăm con vịt để sau thu hoạch lúa thả vào ruộng. Vịt chạy đồng thịt vừa ngon, lại đỡ tốn chi phí thức ăn. Vụ chiêm vừa rồi, ông Cương thu từ bán vịt được 60 triệu đồng. "Tiền cá, chuối và thu nhập từ trồng sả cũng đủ cho chi dùng hằng ngày và trả công thuê cấy"- ông Cương nói. "Một năm ông thu từ cấy lúa được nhiều không?" - tôi hỏi. "Năm 2015, gia đình tôi thu được 690 triệu đồng từ cấy lúa. Trừ đi hơn 100 triệu đồng trả sản phẩm cho xã và những người có ruộng, trừ tiền thuê máy móc, người cấy và mua phân bón... cũng còn vài trăm triệu"- ông Cương tiết lộ. "Ruộng nhiều thế thu nhập đâu có cao?" - tôi thắc mắc. "Thực ra, khi tôi làm được 1 năm, thấy hiệu quả nên có 2 thanh niên ở xã Cổ Dũng không có việc làm, muốn thuê lại ruộng nên tôi để họ thuê lại 30 mẫu. Tôi chỉ còn tổng diện tích 50 mẫu. Trừ đắp bờ vùng, bờ lô, bờ thửa, diện tích trũng thả cá thì tôi cũng chỉ còn cấy chưa đầy 30 mẫu anh ạ" - ông Cương cho biết thêm.
Ông Chủ tịch UBND xã Phạm Đắc Sáng nhận xét: "Sự mạnh dạn và cách nghĩ, cách làm của ông Cương đã thực sự biến cánh đồng hoang thành những thửa ruộng trù phú. Chúng tôi đánh giá rất cao sự nỗ lực của vợ chồng ông Cương cho phát triển kinh tế gia đình cũng như sự phát triển chung của địa phương".
"Nếu được thuê ruộng lâu dài, tôi dám khẳng định với anh là tôi sẽ trở thành tỷ phú. Chỉ có điều mỗi đợt xã cho thuê chỉ được 5 năm nên chỉ cần có doanh nghiệp thuê đất mở nhà máy là tôi lại phải trả ruộng, thế nên tôi chưa dám đầu tư lớn. Vừa rồi tôi đã ươm và trồng được 2.000 cây mít ở các bờ vùng, bờ lô. Nhưng chẳng biết có được thu không vì thời hạn tôi thuê ruộng chỉ còn hơn 2 năm nữa thôi" - ông Cương nhìn xa xăm lo lắng. Hiện nay, ông Cương cũng đã ký hợp đồng với một doanh nghiệp giống cây trồng ở huyện Nam Sách để cung cấp thóc nếp giống cho doanh nghiệp này nên chắc chắn trong những vụ tới thu nhập của ông từ cấy lúa nếp sẽ còn cao hơn nữa.
Nhờ dám nghĩ, dám làm, ông Cương đã biến cánh đồng hoang bên nhà máy rác thành cánh đồng trù phú. Những điều lo lắng của ông Cương cần được quan tâm. Xã Việt Hồng nên tạo điều kiện để ông Cương được thuê ruộng với thời gian dài hơn, yên tâm canh tác và tiếp tục đầu tư.
VŨ ÚY