"Nghệ sĩ" làng níu giữ hồn quê
Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 13:35, 29/08/2016
Mặc dù không học hành bài bản về âm nhạc nhưng nhiều người cao tuổi ở làng quê vẫn ngày ngày gắn bó với thú chơi nhạc cụ truyền thống.
Ông Hoàng Đình Nhờ ở thôn Tân Tiến, xã Đại Đức (Kim Thành) chơi đàn bầu như một cách nhắc nhở con cháu nhớ về nguồn cội
Mỗi khi tiếng đàn bầu, đàn nguyệt, sáo trúc... cất lên, người nghe như cảm nhận được hồn quê lan tỏa. Có thể ví họ như những nghệ sĩ làng.
Đam mê
Từ lâu, ông Hoàng Đình Nhờ ở thôn Tân Tiến, xã Đại Đức (Kim Thành) luôn tha thiết với những nhạc cụ truyền thống. Ông Nhờ chơi được nhiều nhạc cụ như đàn nguyệt, đàn bầu, đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn tam thập lục, nhưng ông thích chơi đàn bầu nhất. Ông thường chơi đàn bầu vào cuối giờ chiều, lúc mọi người đã đi làm đồng về. Nhiều người thấy ông chơi đàn hay cũng vào nghe.
Ông Nhờ biết chơi đàn bầu từ năm 7 tuổi. Lúc đó ở trong làng có một số người lớn tuổi chơi loại nhạc cụ này nên ông đã học lỏm. Do có năng khiếu âm nhạc và chịu khó tập luyện nên khi đi nghĩa vụ quân sự, ông Nhờ được đưa về đoàn văn công Quân khu 3. Tiết mục độc tấu đàn bầu của ông Nhờ đã đoạt nhiều giải thưởng. Năm 1982, ông được một đơn vị trong ngành xây dựng "mượn" để tham gia hội diễn toàn quốc của ngành và đoạt huy chương vàng cá nhân. Năm 2013, tại Liên hoan ca múa nhạc các làng, khu dân cư văn hóa toàn tỉnh, tiết mục độc tấu đàn bầu của ông cũng được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao giải A. Ông Nhờ cho biết: “Chơi nhạc cụ truyền thống phải chịu khó, kiên trì và quan trọng là phải có niềm đam mê. Đối với tôi, chơi đàn bầu không chỉ để thư thái tâm hồn mà nó còn là một cách để giáo dục, nhắc nhở con cháu đời sau gìn giữ văn hóa truyền thống”.
|
Cùng ở xã Đại Đức, cùng niềm đam mê với đàn bầu còn có ông Bùi Văn Đính ngoài 70 tuổi ở thôn Đình Giọng. Đến nay, ông vẫn chơi đàn bầu nhưng không thường xuyên như xưa. Ông Đính thường chơi đàn bầu vào ngày mùa, nhất là mùa gặt tháng 5, tháng 6. Trong ký ức tuổi thơ, ông vẫn còn nhớ những mùa gặt, sau một ngày làm việc mệt mỏi người dân quê ông hay ngồi quây quần bên nhau nghe tiếng đàn bầu. Bây giờ mỗi lúc có bạn tri kỷ đến chơi, ông Đính lại mang đàn bầu ra gẩy như để nhớ về năm tháng đã đi qua.
Không chỉ có đàn bầu, "nghệ sĩ" làng còn chơi được nhiều loại nhạc cụ khác chủ yếu bằng con đường tự học hỏi lẫn nhau. Ở các làng quê, thi thoảng chúng tôi vẫn thấy đâu đó mấy "nghệ sĩ" làng ngồi chơi nhạc cùng nhau. Những âm thanh réo rắt như kể lại một câu chuyện, bộc lộ cảm xúc của người chơi đàn... như cố níu lại chút hồn quê khiến người nghe không khỏi xao lòng.
Ngày càng lép vế
Ông Nguyễn Trọng Phu ở thôn Quang Dực, xã Hồng Phong (Ninh Giang) luôn mong muốn con cháu
mình theo học nhạc cụ truyền thống
Đa phần những "nghệ sĩ" làng nay đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”. Với họ, những âm thanh trong trẻo từ tiếng đàn bầu, tiếng sáo trúc, tiếng đàn nhị… là tinh hoa của một thế hệ, của cốt cách quê hương đã ngấm trong từng mạch máu. Tuy nhiên, nét đẹp văn hóa ấy đang dần bị mai một.
Theo cha cùng gánh hát của làng đi biểu diễn từ nhỏ, chưa đầy 15 tuổi, ông Nguyễn Trọng Phu (69 tuổi) ở thôn Quang Dực, xã Hồng Phong (Ninh Giang) đã sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ dân tộc như đàn nhị, đàn tam, sáo, các loại trống… Sau nhiều năm lang thang mọi miền, ông về quê hương xây dựng gia đình. Mặc dù cuộc sống khó khăn nhưng tiếng đàn, tiếng sáo đã giúp ông và các thành viên vơi đi mệt nhọc. Ông Phu nhớ lại: “Tiếng đàn, tiếng sáo như sợi dây vô hình giúp tôi có thêm động lực sống. Mỗi giai điệu vang lên đều có ý nghĩa lớn đối với tôi, khuyên tôi không nên vội vàng trong cuộc sống, biết yêu thương, chia sẻ hơn”.
Ngày nay, khi xã hội phát triển, những người tiếp bước theo nghiệp “nghệ sĩ” ở các làng quê dần thưa thớt. Công việc bận rộn khiến nhiều người không còn thời gian và sở thích với âm nhạc truyền thống. Thi thoảng mới bắt gặp được tiếng đàn bầu, tiếng sáo trúc ở làng quê. Ông Phu buồn bã: “Trước đây, hai anh em chúng tôi đều học nhạc từ cha và trở thành những người chơi nhạc cụ dân tộc có tiếng trong vùng. Nhưng bây giờ, con cháu trong nhà không ai theo tiếp cái nghiệp này nữa. Cả ba đứa con trai tôi đều lựa chọn những nghề nghiệp khác để làm. Tiếng đàn, tiếng sáo đã bị thay thế bằng thứ nhạc chát chúa phát ra từ những bộ âm ly, loa đài hiện đại. Cuộc sống mất dần sự thi vị và âm hưởng của làng quê xưa”.
Mặc dù rất muốn truyền lại nghệ thuật đàn bầu cho một người nào đó nhưng ông Hoàng Đình Nhờ cũng phải thừa nhận rằng hiện nay lớp trẻ rất khó tiếp nhận dòng nhạc dân gian này. Họ thường thích những dòng nhạc hiện đại như rock, pop, dance... Những người nghe nhạc truyền thống chỉ còn người trung tuổi, người già.
Những người “nghệ sĩ" làng dần trở nên đơn độc. Họ gẩy tiếng đàn, thổi một nốt sáo nhiều khi chỉ để thể hiện nỗi buồn sâu thẳm, hoặc để tự làm vui cho mình, như một cách hoài niệm về quá khứ. Nhiều "nghệ sĩ" làng tham gia đội văn nghệ thôn, thi thoảng tham gia biểu diễn. Đối với họ, những lần được biểu diễn trước công chúng là những lần họ được thể hiện năng khiếu, tâm tư của mình. Đó là niềm hạnh phúc có thể đếm được trong cuộc đời họ. Nếu không có lớp trẻ kế thừa dòng nhạc này, nếu như chúng ta không có thái độ trân trọng và bảo tồn, những "nghệ sĩ" làng cũng sẽ dần mất đi, một số loại hình âm nhạc truyền thống sẽ chỉ còn trong quá khứ. Sợi dây cố kết làng xóm, níu giữ hồn quê đang ngày càng mong manh. Thật đáng buồn khi người ta có thể đầu tư bạc tỷ cho nhiều loại hình âm nhạc hiện đại, nuôi dưỡng nhiều mô hình nghệ thuật mới, sân chơi mới nhưng lại chẳng đầu tư bao nhiêu cho kho tàng di sản nhạc cổ truyền của cha ông.
MINH NGUYỆT - ĐỨC TÂM