Bài 2: Giàu lên nhờ dịch vụ
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 05:36, 02/09/2016
Nhiều địa phương đã tận dụng lợi thế gần các trục đường giao thông, làng nghề phát triển... để phát triển các loại hình dịch vụ, góp phần làm thay đổi bức tranh kinh tế nông thôn.
Phát triển dịch vụ góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ dân nông thôn
Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều địa phương đã tận dụng lợi thế gần các trục đường giao thông, các vùng sản xuất tập trung, làng nghề phát triển... để phát triển các loại hình dịch vụ, góp phần làm thay đổi bức tranh kinh tế nông thôn.
Phát triển đa dạng
Xã Cổ Dũng (Kim Thành) có quốc lộ 5 chạy qua. Đây là tuyến đường huyết mạch, nối liền các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc nên có lượng phương tiện vận chuyển hàng hóa qua lại lớn. Nắm bắt lợi thế này, nhiều hộ dân trong xã có nhà mặt đường đã mạnh dạn kinh doanh các loại hình dịch vụ. Có hộ đã mở cửa hàng sửa chữa, bảo dưỡng ô tô, một số khác lại mở dịch vụ ăn uống để phục vụ khách qua đường. Hiện nay, dọc quốc lộ 5 qua địa bàn xã có 2 khách sạn lớn cùng nhiều nhà hàng bình dân thu hút đông khách dừng chân ăn uống và nghỉ ngơi. Ngoài ra còn có 3 gara sửa chữa và bảo dưỡng ô tô. Nhiều hộ đã đầu tư buôn bán hàng tạp hóa, siêu thị mi ni, trong đó không ít cửa hàng đã trở thành điểm phân phối hàng hóa lớn cho nhân dân trong vùng. Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Mặc dù quốc lộ 5 chạy qua xã chỉ chưa đầy 2 km nhưng nhiều hộ đã tận dụng được thế mạnh này để phát triển dịch vụ. Xã cũng quan tâm quy hoạch đất để các hộ dân tiếp tục đẩy mạnh phát triển dịch vụ. Từ xã thuần nông, Cổ Dũng đã chuyển mình thành xã dịch vụ khi tỷ trọng của lĩnh vực này chiếm hơn 60% trong cơ cấu kinh tế với mức thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 37,2 triệu đồng/năm.
Hoạt động tiểu thủ công nghiệp, làng nghề ổn định đã giúp cho dịch vụ vận tải ở nhiều địa phương phát triển. Có 3 làng nghề làm hương trầm và mây tre đan nên nhu cầu vận chuyển hàng hóa tại xã Quốc Tuấn (Nam Sách) rất lớn. Nếu ban đầu chỉ có vài hộ mua xe chở hàng phục vụ gia đình và chở thuê thì đến nay, dịch vụ vận tải ở xã phát triển mạnh với hơn 200 đầu xe. Không chỉ mang lại thu nhập cao cho chủ xe với mức lãi trung bình từ 10-20 triệu đồng/tháng, dịch vụ này còn giải quyết việc làm cho gần 600 lao động địa phương. Kinh tế dịch vụ đã góp phần quan trọng trong cơ cấu kinh tế của xã, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM.
Để phát triển kinh tế dịch vụ, nhiều xã thuần nông lại khai thác chính lợi thế từ sản xuất nông nghiệp. Trước kia, hầu hết người dân xã An Phụ (Kinh Môn) chỉ biết tới cấy lúa và trồng hành, tỏi. “Sản xuất nông nghiệp thì phụ thuộc vào thời tiết, còn đầu ra của sản phẩm lại do thương lái nên chúng tôi luôn bị thua thiệt. Do vậy, nhiều hộ dân trong xã tự mang hành, tỏi đến nơi khác chào bán. Mới đầu chỉ là của gia đình làm ra nhưng sau khi có được nhiều mối hàng thì thu gom thêm của nhiều nhà khác. Lâu dần, chúng tôi kiêm luôn cả khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh nguồn thu từ sản xuất, chúng tôi có thêm khoản thu nhập lớn từ buôn bán", chị Nguyễn Thị Sắp chia sẻ. Hiện nay, xã An Phụ có khoảng 300 hộ dân làm nghề thu mua và sơ chế hành, tỏi. Dù không phải là xã có diện tích trồng sắn dây lớn của huyện nhưng do nhạy bén và có kinh nghiệm buôn bán, gần 60 hộ dân trong xã đã mở cơ sở thu mua, chế biến sắn dây xuất đi nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Do người dân trực tiếp phân phối, không qua nhiều khâu trung gian và có vùng nguyên liệu tại chỗ nên đã tiết kiệm được chi phí vận chuyển. Vì vậy, có hộ thu lãi hơn 500 triệu mỗi năm. Hay như dịch vụ làm đất, gặt, cấy lúa đang phát triển rất nhanh tại hầu khắp các địa phương…
Còn tiềm ẩn rủi ro
Theo Chi cục Thống kê tỉnh, những năm gần đây, ngành dịch vụ có mức tăng trưởng từ 7-10%, cao và ổn định hơn so với các ngành khác. Trong đó, đóng góp của dịch vụ khu vực nông thôn ngày càng cao, nhất là lĩnh vực bán lẻ. Kinh tế nông nghiệp, nông thôn đang có sự chuyển dịch rõ nét, ngành dịch vụ đang phát triển nhanh, tạo nền tảng và động lực để các địa phương xây dựng NTM. Tuy nhiên, ngành dịch vụ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trước đây, nhiều hộ dân của xã Cổ Dũng ăn nên làm ra nhờ dịch vụ vận tải. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, dịch vụ này trầm lắng hẳn, có hộ phải bán xe vì thua lỗ do gặp phải sự cạnh tranh lớn. Tại xã Long Xuyên (Bình Giang), hoạt động buôn bán trên địa bàn xã tương đối sầm uất do có 2 tỉnh lộ 394 và 395 chạy qua. 5 năm trước, trong xã đã có hộ mở siêu thị với hy vọng sẽ đạt được doanh thu lớn từ thị trường mới và tiềm năng này. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn siêu thị đã phải đóng cửa vì thua lỗ bởi không phù hợp với tâm lý, thói quen mua sắm và túi tiền của người dân.
Theo ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương), mặc dù ngành dịch vụ ở nông thôn đang phát triển theo hướng tích cực nhưng nếu nhìn nhận tổng thể thì đa phần vẫn còn tự phát, chưa có quy hoạch cụ thể, chủ yếu tập trung ở những lĩnh vực bán lẻ truyền thống. Hoạt động giao thương ở các chợ nông thôn chưa phát huy hết hiệu quả, chợ họp theo phiên vẫn còn khá phổ biến. Để ngành dịch vụ ở nông thôn phát triển bền vững, lâu dài, các địa phương không nhất thiết phải đa dạng hóa dịch vụ, mà trước mắt cần tập trung khai thác những dịch vụ lợi thế dựa vào đặc thù của địa phương mình. Đối với các xã thực hiện tiêu chí chợ NTM phải có định hướng cụ thể, rõ ràng, tránh gây lãng phí trong khi hiệu quả đạt được lại không cao; đồng thời, tăng cường quản lý nhằm nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ đã có.
NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ