Xuân Nẻo - Làng nghệ nhân

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:16, 04/09/2016

Làng nghề thêu Xuân Nẻo, xã Hưng Ðạo (Tứ Kỳ) là một trong những nơi có đông nghệ nhân nhất tỉnh.



Gia đình nghệ nhân Phạm Thị Hòa có 3 thế hệ nối tiếp làm nghề thêu
Ảnh: Lan Anh

Những nghệ nhân của làng không chỉ làm nên những nét tinh hoa cho sản phẩm bằng những đường kim, mũi chỉ mà còn bền bỉ truyền nghề cho thế hệ sau.

Ra ngõ... gặp nghệ nhân


Về Xuân Nẻo, tôi được chị Nguyễn Thị Hoan, một trong những người đã được phong danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú cấp tỉnh kể cho nghe chuyện nghề của làng bằng thơ: "Đường kim sợi chỉ nhỏ nhoi/Tạo ra sản phẩm bao đời nghệ nhân/Nét văn hóa đã góp phần/Nâng cao mức sống người dân trong làng…". Chị Hoan bảo ở Xuân Nẻo ra ngõ là gặp nghệ nhân.

Nghệ nhân thêu đầu tiên của làng Xuân Nẻo phải kể đến là ông tổ nghề Nguyễn Văn Thuật. Các bậc cao niên trong làng kể lại, cụ Thuật xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo ở Xuân Nẻo (trước thuộc tổng Mỹ Xá, huyện Tứ Kỳ). Cụ Thuật từng ở nhà dì ruột tại phố Đông Môn (nay thuộc phố Phạm Hồng Thái, TP Hải Dương). Ở đây cụ đã được một ông chủ tiệm chuyên làm nghề thêu đăng ten truyền nghề. Nhờ thông minh, khéo léo nên cụ Thuật sớm trở thành thợ chính ở đây. Năm 1928, cụ Thuật đem bí kíp nghề thêu về truyền dạy cho người dân trong làng. Trải qua 88 năm phát triển, nghề thêu Xuân Nẻo đã vang danh. Không ít người ở Xuân Nẻo nay đã trở thành những thợ giỏi, được vinh danh là nghệ nhân nghề tiểu thủ công nghiệp cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Cụ Phan Văn Hiển là một trong những nghệ nhân gạo cội của làng. Nay dù đã tuổi cao, sức yếu nhưng đam mê với nghề thêu trong cụ vẫn vẹn nguyên. Cụ bảo: “Về nghề thêu tôi có thể kể cả ngày mà không biết mệt”. Ở tuổi thất thập cổ lai hy, cụ Hiển vẫn nhớ như in những ngày đầu đem nghề thêu Xuân Nẻo đi truyền dạy khắp nơi, từ Trà Cổ đến Hòn Gai rồi từ Hòn Gai về Đông Triều. Giờ đây tay kim không còn thành thục nhưng cụ vẫn còn nhớ về một thời hưng thịnh của nghề thêu Xuân Nẻo. Cụ kể rành rọt: “Những năm 80 gần như cả làng làm nghề thêu. Từ cụ già cho đến trẻ nhỏ, nam nữ thanh niên đều ham thêu thùa. Trong mỗi nhà đều có từ 3- 4 khung thêu. Điều lạ là những chàng trai Xuân Nẻo mình đồng da sắt khi thêu, đường kim, mũi chỉ cũng mềm mại, nuột nà chẳng kém các chị em”. Theo cụ Hiển thứ tài sản quý giá nhất của nghệ nhân nghề thêu chính là óc thẩm mỹ và bàn tay tài hoa. Vì thế, cũng học nghề thêu nhưng không phải ai cũng trở thành nghệ nhân.

Theo thống kê của Sở Công thương, đến nay làng nghề thêu Xuân Nẻo đã có 4 người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân cấp tỉnh. Nhiều gia đình có từ 2-3 thế hệ làm nghề thêu. Năm nay, duy nhất gia đình nghệ nhân Phạm Thị Hòa được nhận danh hiệu “Bảng vàng gia tộc nghề truyền thống”. Nghệ nhân Nguyễn Thị Hoan, chủ cơ sở tranh thêu tay Hoan Tứ được tỉnh đề cử danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú nghề tiểu thủ công nghiệp cấp quốc gia. Và dù nhiều thợ thêu trong làng chưa được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhưng họ đã có nhiều năm gắn bó và truyền dạy nghề thêu cho không ít người. Vì vậy, trong tâm thức những người ở làng, một số thợ thêu được coi trọng như những bậc tiền bối, nghệ nhân của làng.

Khó truyền lửa

Danh sách những thợ giỏi của làng nghề thêu Xuân Nẻo được nối dài theo năm tháng. Giờ đây người còn, người đã mất nhưng những tinh hoa của nghề thêu vẫn được các thế hệ nghệ nhân truyền dạy. Khác với nhiều làng nghề thường giấu bí kíp, những nghệ nhân của làng nghề thêu Xuân Nẻo luôn tâm niệm không chỉ truyền nghề cho những người trong làng mà sẵn sàng truyền dạy cho bất cứ ai ham học nghề. Bởi thế mỗi dịp hè, Xuân Nẻo lại là nơi dạy nghề thêu cho thiếu nhi trong và ngoài làng. “Phòng tranh thêu nhỏ bé của tôi luôn ríu rít tiếng nói, cười của con trẻ mỗi dịp hè về. Các cháu thích học nghề lắm, không kể nghỉ hè, rảnh là lại sang nhờ chúng tôi dạy thêu”, chị Hoan nói. Thời gian đầu chị dạy cho các bé cách cảm thụ tranh, sau đó những người thợ trong làng sẽ cầm tay nắn nót từng đường kim, mũi chỉ cho các cháu. Đầu tiên, các bé thêu những họa tiết đơn giản theo ý thích. Khi tay kim đã thành thục sẽ được dạy thêu những mẫu khó hơn.

Tâm huyết là vậy, song nhiều người trẻ trong làng hiện không còn mặn mà với nghề khiến các nghệ nhân của làng lo lắng. “Trước đây nam thanh nữ tú của làng hễ biết cầm bút là cũng biết cầm kim thêu thùa. So với trước kia, số hộ làm nghề thêu của làng hiện đã giảm nhiều. Do đó, chúng tôi luôn mong mỏi địa phương tổ chức được các lớp dạy nghề để có điều kiện truyền lại nghề cho con cháu”, nghệ nhân Phạm Thị Hòa nói.

Ở làng Xuân Nẻo hiện còn rất nhiều thợ giỏi xứng đáng được tôn vinh nhưng vì thiếu một số điều kiện nhất định mà họ chưa được xướng danh. “Chúng tôi hy vọng tỉnh sớm rà soát lại và ban hành chính sách để có thêm nhiều nghệ nhân được vinh danh, hỗ trợ những người đã được phong tặng danh hiệu nghệ nhân để họ chuyên tâm truyền nghề”, ông Nguyễn Xuân Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo cho biết.

HẢI MINH