Chữ “lễ" cần đặt đúng chỗ “tiên"
Bạn đọc viết - Ngày đăng : 13:55, 05/09/2016
Thế nhưng, khi về nhà mở thời khóa biểu của con cháu ra xem mới giật mình: mỗi tuần, THCS có một tiết đạo đức, còn THPT thì có một tiết giáo dục công dân. Chữ “lễ” có nội hàm rất rộng mà môn đạo đức chỉ cung cấp một phần kiến thức, chiếm phần nhỏ trong nhận thức, hành vi đạo đức mà học sinh cần được trang bị trong nhà trường. Sách Giáo dục công dân nội dung biên tập cũng còn sơ lược, xa rời thực tế, chưa trang bị cho học sinh những kiến thức cần thiết khi sắp rời mái trường để lập thân, lập nghiệp. Mỗi cấp học chỉ có một tiết học cho mỗi tuần về giáo dục đạo đức, các bộ môn văn hóa chiếm hầu hết chương trình giảng dạy.
Tại sao lại có chuyện chênh lệch giữa “tiên” và “hậu” như thế? Vậy có nên đảo ngược khẩu hiệu nói trên để phù hợp với việc bố trí chương trình giảng dạy môn đạo đức và giáo dục công dân ở các trường THCS và THPT hiện nay không? Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng giáo dục nước ta những năm gần đây đã đưa ra quá nhiều cải cách. Nhưng có lẽ chưa tìm ra đúng triết lý của giáo dục nên vẫn loay hoay hết cải cách này đến cải tiến khác, trong khi có một triết lý dạy làm người thì vẫn chưa có nội dung lẫn phương pháp giáo dục thỏa đáng. Làm người trước hết phải biết, phải hiểu và phải làm theo chữ “lễ”. Thế nhưng, việc bố trí chương trình, với nội dung sách giáo khoa như thế thì đến bao giờ học sinh mới được trang bị những kiến thức cần thiết. Cũng có quan điểm cho rằng tuy chương trình chính khóa chỉ có vậy, nhưng vấn đề giáo dục đạo đức còn ở những hoạt động khác do nhà trường tổ chức. Nhưng đáng buồn là các hoạt động khác lại đều không nằm trong khung chương trình bắt buộc. Mà đã không bắt buộc thì tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của nhà trường, có nhiều lý do để cho qua với tâm lý dễ làm, khó bỏ. Trong chỉ đạo chuyên môn thì một năm học thường có rất nhiều chuyên đề nâng cao chất lượng văn hóa, nhưng không có chuyên đề về giáo dục đạo đức thì làm sao mà xác định được “lễ” là “tiên”? Do sự chỉ đạo nặng về chuyên môn văn hóa nên các thầy, cô giáo cũng chỉ lo dạy kiến thức văn hóa để học sinh đạt tỷ lệ lên lớp nhiều, tốt nghiệp cao mà coi nhẹ việc giáo dục đạo đức. Nhiều giáo viên chưa quan tâm đến việc giáo dục học sinh cá biệt dẫn tới nhiều hậu quả.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng thì ngày càng có nhiều tội phạm ở lứa tuổi vị thành niên, không ít tội phạm nguy hiểm. Ngay trên địa bàn tỉnh ta cũng có những vụ học sinh vi phạm pháp luật. Sự kiện gần đây nhất vào trung tuần tháng 8-2016, một nhóm 8 học sinh ở 5 trường thuộc TP Hải Dương đánh hội đồng rồi tung lên mạng. Đó là hệ lụy tất yếu của việc thiếu quan tâm, buông lỏng giáo dục đạo đức học sinh. Nhiệm vụ giáo dục đạo đức cho học sinh chưa bao giờ cấp bách như hiện nay. Tại hội nghị toàn quốc ngành giáo dục và đào tạo mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến việc dạy các cháu “làm người”, dạy từ việc ra đường biết tôn trọng luật lệ, kỷ cương, kính trên nhường dưới, về nhà biết khoanh tay chào hỏi ông bà, bố mẹ. Chữ “lễ” phải dạy và thực hành từ những điều như thế mới tạo được nền tảng cho mục đích giáo dục toàn diện “Đức - trí - thể - mỹ” cuối cùng.
NGUYỄN THẾ(TP Hải Dương)