Nhiều doanh nghiệp vẫn vi phạm

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 08:03, 07/09/2016

Nhiều doanh nghiệp không ký hợp đồng lao động hoặc thực hiện hợp đồng không đúng với các nội dung đã ký, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động...



Thực hiện đúng hợp đồng lao động sẽ giúp người lao động yên tâm gắn bó với công việc


Hợp đồng lao động (HĐLĐ) là sự thỏa thuận giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp ngang nhiên vi phạm HĐLĐ.

Không được ký hợp đồng

Theo Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh, từ đầu năm đến nay có hàng chục công nhân, lao động phản ánh về việc không được ký HĐLĐ hoặc thực hiện HĐLĐ tại doanh nghiệp không đúng với các nội dung đã ký. Còn theo Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh, hiện có khoảng 4% số NLĐ trong các khu công nghiệp không được ký HĐLĐ theo đúng quy định của pháp luật. Trên thực tế tình trạng vi phạm trong thực hiện HĐLĐ còn nhức nhối hơn. Những vi phạm đó đã ảnh hưởng xấu đến quyền lợi của người lao động. Đơn cử như trường hợp của chị Phạm Thị T. ở xã Ngũ Phúc (Kim Thành) và hàng chục lao động thời vụ khác từng làm việc tại Công ty Quốc tế TNHH Đông Tài Việt Nam (thị trấn Phú Thái, Kim Thành). Theo chị T., vì làm việc thời vụ nên chị và mọi người không ký kết HĐLĐ trên văn bản mà thỏa thuận bằng lời. Tháng 7 vừa qua, sau khi kết thúc 3 tháng làm việc, công ty đã cho hơn chục lao động thời vụ nghỉ việc. Tiền công tháng 7 mà chị T. và mọi người nhận được không đúng như trong thỏa thuận ban đầu. Cụ thể, khi được nhận vào làm, đại diện công ty thỏa thuận sẽ tính tiền làm thêm giờ với mức 19.500 đồng/giờ, làm ngày chủ nhật tính bằng 200% lương cơ bản. Tuy nhiên, chị T. và những công nhân khác chỉ được nhận tiền làm thêm 13.000 đồng/giờ, riêng ngày chủ nhật cao hơn ngày thường 30%.

Không ký HĐLĐ cũng đồng nghĩa chủ sử dụng lao động không có trách nhiệm với NLĐ về mặt pháp lý như hỗ trợ tiền đóng các loại bảo hiểm, tăng lương... Một số doanh nghiệp đã lợi dụng khe hở này để trục lợi. Chị Nguyễn Thị Hằng quê ở Lạng Sơn đang tạm trú tại phường Bình Hàn (TP Hải Dương) cho biết: "Tôi làm việc cho một công ty may tư nhân đã 3 năm nay. Không riêng gì tôi mà một số công nhân khác làm cùng dây chuyền cũng không được ký HĐLĐ, không được công ty đóng các loại bảo hiểm. Khi đoàn kiểm tra của cơ quan chức năng đến làm việc, công ty cho chúng tôi nghỉ ở nhà".

Ở những doanh nghiệp tư nhân nhỏ, làm ăn thời vụ cũng xảy ra nhiều vi phạm trong thực hiện HĐLĐ. Một số doanh nghiệp cần thuê lao động kéo dài hơn 3 tháng, thậm chí là làm lâu dài nhưng không ký kết HĐLĐ để trốn đóng bảo hiểm xã hội. Anh Đào Ngọc Tân đang tạm trú tại phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) cho biết anh đã đi làm tại 3 công ty tư nhân. Đến công ty nào anh cũng chỉ phải nộp hồ xin việc không cần bản có công chứng. Có công ty anh làm đến cả năm trời nhưng cũng không được ký HĐLĐ. Khi anh đặt vấn đề với chủ sử dụng lao động thì nhận được câu trả lời là tiền lương tính theo công nhật chứ không theo tháng nên không cần ký HĐLĐ.

Nâng cao nhận thức cho người lao động



Liên đoàn Lao động tỉnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động về pháp luật lao động


Theo Bộ luật Lao động, trước khi nhận NLĐ vào làm việc, người sử dụng lao động và NLĐ phải trực tiếp ký kết HĐLĐ. HĐLĐ phải được ký kết bằng văn bản, đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 3 tháng các bên có thể giao kết bằng lời nói. Trong HĐLĐ, người sử dụng lao động phải cung cấp thông tin cho NLĐ về các điều kiện làm việc, tiền lương... NLĐ phải cung cấp thông tin cá nhân đầy đủ, trung thực. Theo tư vấn viên của Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh, đây là căn cứ cần thiết để người sử dụng lao động và NLĐ thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong quan hệ lao động. Cơ quan chức năng dựa vào HĐLĐ của từng đơn vị để xác định số lượng NLĐ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Mặt khác, bản HĐLĐ cũng là cơ sở để NLĐ đòi hỏi quyền lợi khi bị chủ sử dụng lao động vi phạm. Không ít NLĐ đã thành công trong việc đề nghị chủ doanh nghiệp phải bảo đảm quyền lợi cho mình theo đúng HĐLĐ.

Dù vẫn xảy ra nhiều vi phạm như vậy nhưng việc xử lý còn không ít khó khăn. Do thực hiện HĐLĐ mang tính nội bộ giữa người sử dụng lao động và NLĐ nên khi người trong cuộc phản ánh thì sự việc mới được sáng tỏ. Vừa qua, khi NLĐ có đơn kiến nghị, cơ quan chức năng mới biết Công ty TNHH Lam Plastics ở cụm công nghiệp phía tây đường Ngô Quyền (TP Hải Dương) không ký HĐLĐ với khoảng 100 công nhân trong 1 năm qua. Do đó, các cơ quan chức năng, nhất là tổ chức công đoàn cần thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức cho NLĐ về pháp luật lao động. Các công đoàn cơ sở cũng cần kịp thời nắm bắt tình hình thực hiện HĐLĐ, đề xuất biện pháp xử lý khi chủ doanh nghiệp vi phạm.

PV


Theo Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22-8-2013 của Chính phủ, cơ quan chức năng sẽ xử phạt từ 500.000 đồng đến 20 triệu đồng đối với người sử dụng lao động khi vi phạm về giao kết HĐLĐ, gồm một trong những hành vi sau: không giao kết HĐLĐ bằng văn bản đối với công việc cố định có thời hạn trên 3 tháng, không giao kết đúng loại HĐLĐ với NLĐ theo quy định tại điều 22 của Bộ luật Lao động.