Ao cá phá bờ kênh Bắc Hưng Hải
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:26, 08/09/2016
Người dân một số nơi đào ao thả cá sát bờ kênh Bắc Hưng Hải đã gây sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng công trình, làm giảm khả năng chống úng trong mùa mưa bão...
Nhiều đoạn bờ kênh Bắc Hưng Hải đang bị xuống cấp nghiêm trọng do việc đào ao thả cá tự phát của người dân.
Trong ảnh: Bề mặt kênh đoạn qua xã Hùng Thắng (Bình Giang) chỉ còn chưa đầy 2 m
Theo Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, toàn tỉnh hiện có 756 ao cá xâm lấn vào hành lang bảo vệ bờ kênh, khiến kết cấu kênh thiếu ổn định, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nhất là trong mùa mưa bão. 7 địa phương có bờ kênh chạy qua đều phát sinh vi phạm này. Huyện Cẩm Giàng là địa phương có nhiều ao cá vi phạm nhất với 165 ao tập trung tại các xã Cẩm Đoài, Cẩm Đông, Cẩm Điền và Cẩm Phúc. Không chỉ đào ao phía trong đồng mà người dân còn sử dụng cả diện tích bãi sông khiến bờ kênh bị tác động từ cả 2 phía. Điều này khiến công trình nhanh chóng bị xuống cấp, làm gia tăng mức độ nguy hiểm. Do đó, chỉ cần thiên tai ở mức độ nhẹ, bờ kênh cũng có thể xảy ra sự cố bất cứ lúc nào. Cơn bão số 3 vừa qua là minh chứng rõ nét cho điều này. Mặc dù có cường độ không mạnh, lượng mưa không lớn nhưng bão số 3 đã làm bờ kênh Bắc Hưng Hải xuất hiện thêm 6 điểm sạt lở ở các huyện Cẩm Giàng, Gia Lộc, Bình Giang và phải xử lý khẩn cấp.
Tuy có số lượng ao cá vi phạm không lớn, nhưng đoạn kênh qua huyện Bình Giang lại tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất bởi bờ kênh mảnh, cao trình thấp trong khi đó người dân lại đào ao sát chân kênh. Theo ông Nguyễn Văn Nhã, Trạm trưởng Trạm quản lý công trình sông Sặt, toàn huyện có 60 ao cá được đào sát bờ kênh. Những thay đổi về địa chất từ việc đào ao đã khiến nhiều đoạn thân kênh bị nứt, sạt trượt. Đặc tính hay rúc bờ của cá cũng là yếu tố khiến bờ kênh nhanh sạt lở. Qua khảo sát, trong mùa mưa bão năm nay, trên địa bàn huyện có 18 đoạn kênh xung yếu với tổng chiều dài gần 2,5 km. Có những khu vực, mặt kênh chỉ còn chưa đầy 2 m. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân lấn chiếm hành lang bảo vệ kênh để đào ao thả cá. Mức độ vi phạm càng nghiêm trọng hơn khi người dân xây dựng lán tạm chứa thức ăn và vật dụng để nuôi cá.
Bên cạnh nhiệm vụ cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải có vai trò quan trọng trong việc tiêu úng nhằm giảm nhẹ thiệt hại do mưa bão gây ra. Tuy nhiên, việc đào ao thả cá tràn lan, không theo quy hoạch như hiện nay đã đe dọa nghiêm trọng tới phạm vi an toàn bờ kênh. Khi đào ao ngoài bãi sông, để tránh tràn nước từ sông vào ao nuôi, người dân đã đắp thêm bờ phụ khiến cản trở dòng chảy. Trường hợp có mưa lớn, mực nước sông lên cao, lòng sông hẹp sẽ tạo ra áp lực lớn, trong khi đó hành lang thoát lũ không bảo đảm yêu cầu do đã bị thẩm thấu nước từ ao nuôi. Mặt khác, hầu hết các địa phương đều bơm gạn tháo, tiêu úng vào hệ thống kênh để tiêu thoát nước ra sông ngoài. Nếu bờ kênh, hành lang không đáp ứng được yêu cầu thoát lũ sẽ làm vỡ kênh hoặc tràn cục bộ qua bờ kênh, làm gia tăng thiệt hại.
Ông Bùi Minh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải cho biết: "Theo tính toán, tổn thất do vỡ bờ kênh Bắc Hưng Hải tương đương với vỡ đê. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn còn chủ quan, xem nhẹ việc bảo vệ bờ kênh Bắc Hưng Hải dẫn đến tình trạng vi phạm hành lang bờ kênh tràn lan, gây mất an toàn trong mùa mưa bão, nhất là việc đào ao thả cá tự phát. Trước thực trạng này, công ty đã yêu cầu các địa phương chỉ đạo người dân làm kè xung quanh ao. Nhưng đây cũng chỉ là phương án "chữa cháy" để ứng phó tạm thời. Để bờ kênh có thể vững trãi trước những diễn biến thất thường của thời tiết, bên cạnh việc kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm thì việc nâng cao ý thức bảo vệ bờ kênh của người dân mới là giải pháp lâu dài, bền vững".
PV