Các trường tiểu học gần khu công nghiệp đều quá tải
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 06:15, 09/09/2016
Con em công nhân ngày một tăng khiến các trường gần các khu công nghiệp quá tải, ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học...
Do quá đông học sinh nên Trường Tiểu học Ái Quốc phải sử dụng các phòng chức năng làm phòng học
Thời gian qua, nhiều gia đình công nhân, người lao động ở nơi khác đến sinh sống ở những xã, phường, thị trấn gần khu công nghiệp (KCN). Con cái họ đi học tại trường tiểu học địa phương. Do số học sinh này ngày càng tăng khiến các trường bị quá tải, ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học.
Thiếu cơ sở vật chất
Trước đây, mỗi năm học Trường Tiểu học Cẩm Phúc (Cẩm Giàng) có từ 500-600 học sinh. 4 năm trở lại đây, lượng học sinh tăng với tốc độ khá cao. Năm học này, trường có 855 học sinh, là một trong những trường tiểu học có đông học sinh huyện Cẩm Giàng. Nguyên nhân do trường nằm gần KCN Phúc Điền, có đông công nhân chuyển tới thuê trọ. “Số lượng học sinh là con công nhân từ các nơi khác đến đây khá đông và tăng dần theo các năm nên tổng số học sinh của trường mới nhiều như vậy. Mấy năm gần đây, nhà trường tích cực tiết kiệm chi tiêu cũng chỉ đủ tiền mua bàn ghế cho số học sinh tăng thêm chứ không trang bị được gì thêm về cơ sở vật chất”, cô giáo Trần Thị Khánh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Trường Tiểu học Tân Trường I, Trường Tiểu học Tân Trường II (xã Tân Trường, Cẩm Giàng) mỗi trường cũng có hơn 800 học sinh, trong đó có khá đông học sinh là con của công nhân làm việc tại KCN Tân Trường. Trường Tiểu học Thanh Bình (TP Hải Dương) nằm trong khu vực có nhiều nhà trọ công nhân làm việc tại KCN Đại An nên số học sinh của trường những năm gần đây luôn thuộc diện đông nhất tỉnh (so với các trường tiểu học). Năm học 2016-2017, trường có 37 lớp học với hơn 1.400 học sinh. Đó là sau khi đã có thêm Trường Tiểu học Tân Bình “chia lửa” với trường. Hai năm học trước, trường có tới hơn 1.500 học sinh. Theo cô giáo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhan, trường luôn trong tình trạng thiếu các phòng chức năng do các phòng này đã được chuyển thành phòng học cho học sinh. Phòng họp hội đồng của trường chỉ được bố trí trong một phòng nhỏ hẹp, chật chội. Trường Tiểu học Ái Quốc (TP Hải Dương) ở gần KCN Nam Sách. Năm học này, trường có gần 900 học sinh, thiếu 5 phòng học nên phải đi học nhờ ở Trường THPT Ái Quốc. Trường cũng chưa có điều kiện để bố trí các phòng chức năng như phòng âm nhạc, mỹ thuật, văn phòng tổ chuyên môn, nhà đa năng.
Vào học kỳ I các năm học, các trường tiểu học tiến hành điều tra trẻ mầm non 5 tuổi cư trú trên địa bàn trường tuyển sinh để chuẩn bị cơ sở vật chất, điều kiện học tập cho năm học tiếp theo. Tuy nhiên, số học sinh tăng do chuyển đến tạm trú từ khi kết thúc điều tra vào tháng 12 năm trước đến tháng 6 năm sau nằm ngoài dự liệu của nhiều trường. Vì thế, các trường tiểu học gần KCN thường có lượng học sinh đông hơn dự kiến và khó lường trước. Việc bố trí cơ sở vật chất của các trường thường xuyên trong tình trạng “giật gấu vá vai” khi năm học mới bắt đầu.
Chật vật nâng cao chất lượng
Không chỉ có lượng học sinh đông, nhiều học sinh tạm trú mà số học sinh chuyển đến, chuyển đi ở các trường tiểu học này cũng khá nhiều. Chẳng hạn, bắt đầu năm học này, Trường Tiểu học Thanh Bình có 40 học sinh chuyển từ nơi khác đến và hơn 20 học sinh chuyển đi. Sự biến động sĩ số học sinh thường xuyên như vậy khiến các trường gặp khó khăn trong việc nâng cao chất lượng dạy và học. Đối với học sinh mới chuyển đến, các thầy cô phải mất một thời gian giúp các em hòa nhập với môi trường mới, quen bạn bè, trường lớp, quen cách học tập. Những học sinh từ nơi khác đến nhiều khi không có chung mặt bằng chất lượng với học sinh của trường khiến giáo viên rất vất vả. Thầy giáo Nguyễn Minh Tiến ở Trường Tiểu học Cẩm Phúc cho biết: “Công nhân ở trọ trong xã có nhiều người từ Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng… về đây, có cả người dân tộc thiểu số, có em chuyển đến khi học lớp 2 nhưng chưa bằng học sinh lớp 1 của trường. Có những học sinh người dân tộc thiểu số chưa nói sõi tiếng phổ thông, các thầy cô vừa dạy chữ viết lại vừa dạy nói, rất vất vả”.
Năm học này, Trường Tiểu học Cẩm Phúc có 855 học sinh, là một trong những
trường tiểu học có số học sinh đông ở huyện Cẩm Giàng
Các trường nằm gần KCN thường có rất đông phụ huynh là công nhân. Theo cô giáo Nguyễn Thị Quyên Oanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ái Quốc thì đây cũng là một khó khăn vì công nhân làm việc ở KCN thường xuyên tăng ca, không có nhiều thời gian quan tâm tới việc học của con. Một bộ phận phụ huynh học sinh còn phó thác việc dạy dỗ con em cho nhà trường. Các giáo viên phải sâu sát hơn với những học sinh này nhưng đôi khi việc học ở nhà của các em bị lơ là, ảnh hưởng tới chất lượng tiếp thu bài trên lớp.
Tình trạng thiếu các phòng chức năng khiến giáo viên các trường gặp khó khăn trong tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn, nâng cao chất lượng dạy và học các môn âm nhạc, mỹ thuật, thể dục. Để giảm bớt tình trạng quá tải ở các trường tiểu học, chính quyền các địa phương đều phải tính đến phương án xây dựng thêm phòng học nhưng không phải địa phương nào cũng có đủ kinh phí đầu tư hoặc đủ diện tích đất để đáp ứng điều này. Vì vậy, ngành giáo dục và đào tạo cần quan tâm về cơ sở vật chất cho các địa phương có KCN hoặc gần KCN. Về lâu dài, để tránh tình trạng trên tiếp tục diễn ra, khi quy hoạch xây dựng các KCN, cụm công nghiệp, các cơ quan chức năng cần tính đến việc hỗ trợ xây dựng thêm phòng học, trường học ở các khu vực này để phục vụ đối tượng là con công nhân lao động.
VIỆT HÒA