Tổng thống Obama đưa Biển Đông trở lại bàn nghị sự ASEAN
Tin tức - Ngày đăng : 08:16, 09/09/2016
Tổng thống Mỹ Obama phát biểu tại Hội nghị ASEAN-Mỹ cuối giờ sáng 8-9 tại Vientiane - Ảnh: Reuters |
Theo AP, Tổng thống Obama đã đề cập trực diện vấn đề của Biển Đông ngay trong bài phát biểu của ông tại hội nghị với các đối tác ASEAN.
Dẫu đó cũng chỉ là quan điểm ông phát biểu mấy ngày qua từ khi đặt chân đến Vientiane nhưng lần này ông nói như một cách bảo đảm “sự hiện diện của Mỹ” với các đối tác ở Đông Nam Á: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc để bảo đảm các tranh chấp, gồm cả ở Biển Đông, được giải quyết một cách hòa bình”.
Ông đã nhắc lại phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế - điều đã không được đề cập trong Tuyên bố Chủ tịch của Hội nghị cấp cao 28-29 phát đi chiều 7-9. Ông nhấn mạnh rằng phán quyết ban bố ngày 12-7 vừa qua trong vụ kiện Philippines với Trung Quốc là mang tính “ràng buộc” và “giúp làm sáng tỏ các quyền liên quan hàng hải trong khu vực”.
Ông cũng nhận định: "Tôi thấy phán quyết làm tăng nhiệt các căng thẳng nhưng tôi cũng muốn tìm kiếm cách thảo luận trên tin thần xây dựng, làm sao để chúng ta có thể cùng nhau làm giảm bớt căng thẳng và thúc đẩy cho giải pháp ngoại giao vì sự ổn định của khu vực".
Ngày 7-9, Hội nghị cấp cao ASEAN tại Lào đã ra Tuyên bố Chủ tịch của Hội nghị cấp cao 28 - 29. Đặc biệt nội dung tuyên bố có một phần riêng về Biển Đông, nằm trong mục "Các vấn đề khu vực và quốc tế".
Trong phần tuyên bố liên quan Biển Đông, các nhà lãnh đạo ASEAN tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc về các diễn biến gần đây và đang diễn ra, đồng thời ghi nhận quan ngại của một số lãnh đạo về việc tôn tạo, bồi đắp và sự gia tăng các hành động ở khu vực, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể gây phương hại tới hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Trong Tuyên bố, các nhà lãnh đạo ASEAN tái khẳng định sự cần thiết cần tăng cường lòng tin, kiềm chế và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình và theo đuổi việc giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa và kiềm chế trong mọi hoạt động, trong đó có việc tôn tạo, bồi đắp, có thể làm phức tạp thêm tình hình và gia tăng căng thẳng ở Biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Theo AP, các quan chức Mỹ nhận định rằng dẫu Tuyên bố Chủ tịch của Lào không đưa được vấn đề phán quyết của Tòa Trọng tài vào nhưng đã nêu được "quan ngại của một số lãnh đạo" thì cũng đã cho thấy rằng phía Trung Quốc không dễ can thiệp, quyết định chuyện nội bộ của ASEAN.
Theo đánh giá của phía Mỹ thì đây là những ngôn từ mang tính chỉ trích nhắm vào Trung Quốc.
Một quan chức cấp cao của Mỹ cho hãng tin AP biết rằng trước đó phía Trung Quốc đã tìm cách ngăn chặn đưa vào trong Tuyên bố Chủ tịch một số ngôn từ được cho là nhắm vào mình và mang tính chỉ trích. Nhưng Trung Quốc đã không làm được điều đó.
Theo Tuổi trẻ