Dẹp ngay những biến tướng của xã hội hóa giáo dục

Bạn đọc viết - Ngày đăng : 12:10, 14/09/2016

Để khắc phục những biến tướng từ xã hội hóa giáo dục đang phổ biến hiện nay, ngành giáo dục và đào tạo cần chấn chỉnh lại hoạt động này.


Hiện nay, gần 80% ngân sách nhà nước dành cho giáo dục được dùng chi trả lương cho giáo viên, một phần chi cho xây dựng cơ sở vật chất nên kinh phí dành cho các hoạt động giáo dục khác còn hạn hẹp. Bởi thế, xã hội hóa giáo dục (XHHGD) là biện pháp quan trọng để giúp các trường có kinh phí tổ chức các hoạt động giáo dục, đào tạo (GDĐT) theo tinh thần đổi mới.

Tuy nhiên, việc triển khai XHHGD ở nhiều trường hiện chưa thể hiện đúng bản chất của việc này. Một số nội dung quan trọng của XHHGD như tư vấn, góp ý nội dung, chương trình sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy của các thầy, cô giáo, phương thức quản lý nhà trường… chưa được thực hiện đầy đủ, mà người ta chỉ thấy nổi lên các khoản thu. Ví dụ như thu phí học sinh trái tuyến, phí mua sắm các phương tiện dạy học (máy vi tính, ti vi, máy điều hòa không khí), dụng cụ phục vụ học sinh bán trú, sách giáo khoa, đóng tiền xây dựng quỹ lớp... Những khoản đóng góp trên đã làm cho nhiều phụ huynh nghĩ rằng nhà trường đang lạm dụng XHHGD để thu tiền, thậm chí thương mại hóa giáo dục. Họ coi XHHGD chỉ là sự huy động đóng góp bằng tiền của dân vào sự nghiệp giáo dục, là tăng học phí và các khoản thu khác nhau ở các cấp học. Khi bước vào năm học mới, nhiều phụ huynh, nhất là các gia đình nghèo, đã gặp không ít khó khăn trong việc nộp các khoản đóng góp dưới danh nghĩa là XHHGD.

Sự nhận thức chưa đúng hoặc “bóp méo” bản chất tích cực của XHHGD đã làm cho người dân không thấy được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp GDĐT. Thực tế cho thấy ngay từ năm 1986, khi đất nước bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới, Nhà nước đã đầu tư cho GDĐT 6,9% tổng ngân sách nhà nước. Hơn 20 năm sau (năm 2007), mức đầu tư cho giáo dục đã tăng lên 19%. Từ năm 2008 đến nay, mặc dù nền kinh tế có nhiều khó khăn nhưng đầu tư vào giáo dục luôn giữ ở mức 20%. Riêng năm 2015, Nhà nước đã chi gần 225.000 tỷ đồng cho sự nghiệp giáo dục. Hiểu phiến diện về XHHGD đã dẫn đến quan niệm cho rằng Nhà nước đã đổ gánh nặng về kinh phí cho người dân trong việc chăm lo giáo dục thế hệ trẻ, làm giảm sút uy tín của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục.

Để khắc phục những biến tướng từ XHHGD đang phổ biến hiện nay, ngành GDĐT cần chấn chỉnh lại hoạt động này. Đồng thời, sớm tổ chức một cuộc khảo sát về mức độ hài lòng của người dân nói chung, các phụ huynh nói riêng về việc thực hiện những nội dung cơ bản trong Nghị quyết đổi mới căn bản và toàn diện về GDĐT đang đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Trên cơ sở đó có những biện pháp khắc phục những hạn chế, phát huy những ưu điểm đã đạt được. Sau khi có kết quả khảo sát kèm theo chương trình hành động của ngành cần công khai rộng rãi trong nhân dân để theo dõi, giám sát nhằm tạo ra sự đồng thuận của xã hội đối với sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ hiện nay.

TS. PHẠM TRUNG THANH
(Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh)