Việc làm cần thiết

Môi trường - Ngày đăng : 09:02, 18/09/2016

Lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động giúp doanh nghiệp kiểm soát ô nhiễm môi trường, tạo thuận lợi cho cơ quan chuyên môn trong quá trình kiểm tra, giám sát.



Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Quang đang tiến hành lắp đặt hệ thống
quan trắc môi trường tự động để kiểm soát nguồn xả thải

Nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng

Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30-6-2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) có hiệu lực từ ngày 17-8-2015 yêu cầu các khu công nghiệp (KCN) phải có hệ thống quan trắc môi trường tự động (QTMTTĐ) liên tục với các thông số cơ bản như: COD, pH, TSS, BOD5, DO, đo độ màu, nhiệt độ, lưu lượng và một số thông số đặc trưng khác trong nước thải trước khi xả ra môi trường. Theo số liệu của Sở TNMT, toàn tỉnh có 29 doanh nghiệp có nguồn xả thải lớn, tập trung chủ yếu vào một số ngành nghề như KCN, cơ sở sản xuất xi măng, thép, luyện kim, nhiệt điện, phân hóa học, hóa chất, dệt nhuộm, giấy… Đây đều là những cơ sở, ngành nghề nguy cơ ô nhiễm môi trường ở mức cao, cần giám sát chặt chẽ theo thông tư này. Mặc dù chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể nhưng các doanh nghiệp ngoài KCN cũng đã sẵn sàng triển khai lắp đặt theo quy định của pháp luật.

Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Quang (Công ty Nam Quang) là chủ đầu tư của 3 KCN: Nam Sách, Tân Trường và Phúc Điền với tổng diện tích khoảng 350 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 97%. Mỗi ngày, các doanh nghiệp trong các KCN này xả khoảng 1.300 m3 nước thải. Hiện tại, nhà máy xử lý nước thải của các KCN Tân Trường, Phúc Điền đã xử lý nước thải đạt mức A theo quy chuẩn Việt Nam trước khi xả thải ra môi trường. Ông Nguyễn Viết Trọng, cán bộ phụ trách môi trường của Công ty Nam Quang cho biết cuối tháng 8 vừa qua, công ty đã ký hợp đồng với Công ty CP Kỹ thuật môi trường Việt An (TP Hồ Chí Minh) cung cấp và lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động tại 3 KCN với tổng giá trị khoảng 2,2 tỷ đồng. Dây chuyền sử dụng công nghệ của Cộng hòa Liên bang Đức, thực hiện quan trắc 8 thông số nước thải cơ bản là COD, pH, TSS, BOD5, DO, đo độ màu, nhiệt độ, lưu lượng. "Hiện tại, nhà thầu đã khảo sát vị trí lắp đặt, xây dựng kế hoạch triển khai, dự kiến trong tháng 10 dây chuyền sẽ hoàn thiện, sẵn sàng kết nối đường truyền với Sở TTNMT", ông Trọng nói.

Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch là chủ nguồn khí thải công nghiệp thuộc danh mục các nguồn khí thải có lưu lượng lớn phải lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động liên tục. Hiện tại, công ty vẫn duy trì hệ thống lọc bụi tĩnh điện bảo đảm hoạt động ổn định với hiệu suất cao. Các chỉ số khí thải trước khi xả ra môi trường đều trong quy chuẩn cho phép. Tuy nhiên, cũng như các doanh nghiệp xả thải lớn khác, tần suất quan trắc môi trường định kỳ 4 lần/năm chưa thể kiểm soát hết mức độ ô nhiễm của doanh nghiệp. Lắp đặt hệ thống QTMTTĐ sẽ giúp công ty thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ môi trường. Dự kiến trong năm nay, công ty sẽ lắp đặt hệ thống giám sát khí thải tự động, số liệu sẽ được truyền trực tiếp, liên tục tới cơ quan quản lý nhà nước. Trước mắt, công ty tiếp tục tổ chức chặt chẽ việc quản lý vận hành lò, tăng cường kiểm tra, giám sát các lọc bụi đầu lò, bảo đảm lọc bụi hoạt động ổn định với hiệu suất cao nhất, tránh sự cố có thể phát sinh bụi ra môi trường.

Giải tỏa những băn khoăn

Theo ông Nguyễn Viết Trọng, do lần đầu tiên thực hiện lắp đặt hệ thống này, chưa có mô hình để tham khảo nên doanh nghiệp chưa thể an tâm về chất lượng của máy móc, trình độ công nhân vận hành, công nghệ quan trắc, độ chính xác của các mẫu quan trắc... Trước đây đã có 1 đơn vị về lắp đặt, vận hành thử nhưng các thông số quan trắc không ổn định, không thể hiện được chính xác chất lượng nước thải trước khi xả ra môi trường. 

Ông Hồ Đức Thọ, Phó Giám đốc Công ty CP Thép Hòa Phát (Kinh Môn) cho biết việc lắp đặt, vận hành hệ thống QTMTTĐ cần phải có lộ trình và hướng dẫn cụ thể của cơ quan chức năng để doanh nghiệp chủ động thực hiện. Cần có hướng dẫn cụ thể về quy chuẩn kỹ thuật, địa điểm lắp đặt, vị trí lấy mẫu mang tính đại diện nhất, thể hiện rõ nhất chất lượng khí thải của doanh nghiệp. Cơ quan chuyên môn cần nêu rõ cách thức phối hợp như thế nào, yêu cầu cụ thể ra sao, lấy những thông số gì, lấy như thế nào… Bởi có những thông số không thể phân tích ngay tại cửa xả mà phải lấy mẫu, sau đó đưa vào phòng phân tích để đo bằng máy chuyên dụng mới ra kết quả chính xác.

Đối với những băn khoăn của doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo Sở TNMT khẳng định các phòng chuyên môn của sở sẽ phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong việc tìm đối tác cung cấp thiết bị bảo đảm chất lượng, hướng dẫn cụ thể các quy chuẩn kỹ thuật, hỗ trợ đào tạo công nhân vận hành, đồng bộ hóa đường truyền... Mọi vướng mắc, khó khăn phát sinh sẽ được cán bộ chuyên môn nhanh chóng giải quyết để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình chấp hành các quy định của pháp luật.

VỊ THỦY


Cơ quan chuyên môn dễ kiểm soát hơn

Sở Tài nguyên và Môi trường đang triển khai đề tài "Xây dựng hệ thống giám sát tự động thông số môi trường nước thải ở một số khu công nghiệp tại tỉnh Hải Dương bằng công nghệ GSM/GPRS" với tổng kinh phí gần 650 triệu đồng. Sở cũng đang xây dựng đề tài "Thiết kế hệ thống giám sát tự động thông số môi trường khí thải trên địa bàn tỉnh Hải Dương", dự kiến sẽ triển khai trong năm 2017. Hệ thống quan trắc của các doanh nghiệp sẽ tự động truyền số liệu về trung tâm đặt tại Sở Tài nguyên và Môi trường. Số liệu được cập nhật liên tục giúp cán bộ chuyên môn kiểm soát kịp thời, chặt chẽ hoạt động xả thải của các doanh nghiệp, từ đó có thể chủ động yêu cầu doanh nghiệp khắc phục những sai phạm trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông TẠ HỒNG MINH (Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường)


Người dân sẽ đỡ khổ

Nhiều năm qua chúng tôi đã rất khổ sở vì khói, bụi từ hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp trên địa bàn. Tại sao các doanh nghiệp luôn khẳng định các chỉ tiêu đều bảo đảm quy chuẩn trước khi thải ra môi trường nhưng khói, bụi vẫn khiến sức khỏe của chúng tôi bị ảnh hưởng. Sống ở gần nên chúng tôi biết hoạt động của nhà máy ra sao, xả khí, bụi vào lúc nào. Vì vậy, chúng tôi luôn băn khoăn về thời điểm quan trắc, vị trí lấy mẫu khi cơ quan chuyên môn tiến hành quan trắc môi trường. Nếu lắp đặt được hệ thống quan trắc tự động, việc kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chuyên môn sẽ dễ dàng hơn.

NGUYỄN THỊ BÌNH (Thị trấn Phú Thứ, Kinh Môn)