Bài 1: Khi đại học không còn cao giá
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 07:17, 21/09/2016
Kết thúc xét tuyển bổ sung đợt 1, mới chỉ có các trường tốp đầu cơ bản tuyển đủ chỉ tiêu. Các trường kém hấp dẫn hơn đang tiếp tục hạ điểm để "vét" thí sinh...
Trong kỳ thi THPT quốc gia 2016, có tới hơn 45% số thí sinh Hải Dương đăng ký thi chỉ để xét tuyển
tốt nghiệp THPT. Ảnh: Lê Hương
"Đỏ mắt" tìm thí sinh
Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương là một trong những trường tốp đầu của tỉnh cũng như cả nước nhưng việc tuyển sinh năm nay cũng gặp nhiều khó khăn. Các năm trước, một số ngành như y đa khoa, kỹ thuật hình ảnh, điều dưỡng có rất nhiều thí sinh đăng ký, nhà trường thoải mái lựa chọn thì năm nay, mức điểm xét tuyển đều thấp hơn năm ngoái từ 0,5 - 1 điểm nhưng kết thúc xét tuyển đợt 1 trường vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Ngành y đa khoa phải hạ 0,5 điểm để tuyển thêm 14 chỉ tiêu. Các ngành điều dưỡng, kỹ thuật hình ảnh đều phải hạ 1 điểm để lấy thêm tương ứng 41 và 59 chỉ tiêu.
Tương tự, Trường Cao đẳng Dược Trung ương - Hải Dương xét tuyển tổng cộng 700 chỉ tiêu nhưng trường đã phải tính toán lấy vượt xa số chỉ tiêu giao để phòng thí sinh "ảo".
Điều đó cho thấy các trường thuộc ngành này cũng không còn "hot" như những năm trước. Một giảng viên lâu năm của Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương thừa nhận các trường sẽ ngày càng khó tuyển sinh, ngay cả các trường được cho là tốp đầu. "Thi đỗ vào các trường đại học y đã khó, học kéo dài 6 năm rất tốn kém nhưng khi ra trường cũng chỉ có một số người tìm được việc làm tại các bệnh viện, số khác rất vất vả mới tìm được việc ở các phòng khám tư, còn lại chuyển nghề khác hoặc tự hành nghề chữa bệnh tại nhà", vị giảng viên này lý giải.
Các trường kém hấp dẫn hơn như Đại học Sao Đỏ, Đại học Hải Dương, Đại học Thành Đông vẫn đang "đỏ mắt" tìm thí sinh. Năm học 2016-2017, Đại học Sao Đỏ tuyển 2.920 chỉ tiêu, trong đó 2.420 chỉ tiêu hệ đại học, 500 chỉ tiêu hệ cao đẳng. Kết thúc xét tuyển đợt 1 và bổ sung đợt 1, trường vẫn còn thiếu 350 chỉ tiêu hệ đại học, 200 chỉ tiêu hệ cao đẳng. Tuy nhiên, lượng thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển bổ sung đợt 2 rất ít. Những ngành của trường còn thiếu nhiều chỉ tiêu là hóa thực phẩm, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung... Tương tự, Đại học Hải Dương tuyển 3.900 chỉ tiêu, trong đó hệ đại học 2.800 chỉ tiêu, hệ cao đẳng 1.100 chỉ tiêu. Mặc dù chưa có con số chính thức nhưng kết thúc 2 đợt xét tuyển, trường còn thiếu khá nhiều chỉ tiêu. Điều đáng nói, điểm xét tuyển hệ đại học của 3 trường này khá thấp, bằng điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định (15 điểm). Ngoài ra, các trường còn xét học bạ với điểm tổng kết 3 năm học THPT của tổ hợp môn xét tuyển bình quân từ 5-6 điểm/môn.
Đại học không còn là con đường duy nhất
Khác với năm trước, năm nay Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương phải tuyển
bổ sung đợt 1 mới đủ chỉ tiêu. Ảnh: Lê Hương
Gần 200.000 sinh viên có trình độ đại học, thạc sĩ thất nghiệp (chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các bậc học bị thất nghiệp) mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố mới đây đã khiến nhiều người phải xem xét lại giá trị của tấm bằng đại học. Trong khi đó, học phí đại học lại tăng nên người học phải tính tới bài toán lợi ích thu được so với chi phí bỏ ra. "Tôi nghĩ người học bắt đầu có cái nhìn thực tế hơn. Học cái gì để kiếm được tiền mới là điều quan trọng chứ không phải học đại học xong rồi mang tấm bằng xếp xó”, nguyên lãnh đạo một trường đại học trong tỉnh thẳng thắn nói.
Chị Nguyễn Thị Liên ở phường Tứ Minh (TP Hải Dương) từng tốt nghiệp ngành kế toán của một trường đại học trên địa bàn tỉnh cho biết, sau thời gian dài không xin được việc, chị tự xoay xở bằng một nghề hoàn toàn không liên quan đến chuyên môn. “Tôi đang kiếm sống bằng nghề nấu cỗ thuê cho các đám hiếu, hỷ. Nếu biết trước thế này, tôi đã không phí thời gian, tiền bạc học đại học”, chị Liên chua chát nói.
Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, em Lê Cao Sơn ở phố Lê Cảnh Tuân (TP Hải Dương) thi 4 môn, đạt 20 điểm. Với số điểm này, em hoàn toàn có thể trúng tuyển vào một số trường đại học. Tuy nhiên, Tuân lại chọn học trường nghề. Tuân cho biết: "Các bạn học giỏi thực sự thì nên học đại học, còn những bạn có học lực trung bình như em thì chọn học nghề là phù hợp vì học nghề thời gian ngắn, đỡ tốn kém cho gia đình mà khi ra trường có thể tìm được việc làm ngay".
Đó cũng là suy nghĩ chung của nhiều bạn trẻ khi lựa chọn các trường nghề. Chị Đào Thị T. ở xã Liên Hồng (Gia Lộc) là một trường hợp khá đặc biệt. Đã theo học Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) được 2 năm nhưng chị T. bỏ để về học tại khoa may thời trang, Trường Cao đẳng Nghề Hải Dương. "Thấy nhiều người trong xã học đại học xong mà không tìm được việc làm nên em cũng thấy lo lắng. Bởi vậy em quyết định học nghề may để sớm đi làm kiếm tiền phụ giúp bố mẹ", chị T. cho biết.
Việc đào tạo thiếu cân đối, đặc biệt trong giai đoạn từ năm 2005 - 2010 đã mở ra quá nhiều trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp khiến cho số lượng sinh viên đại học, cao đẳng tăng chóng mặt trong khi nền kinh tế không cần nhiều cử nhân đến vậy. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc hơn 200.000 người có trình độ đại học, thạc sĩ thất nghiệp. Mỗi năm có tới 500.000 học sinh vào các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp, trong khi nhu cầu thực tế mỗi năm chỉ cần tới 1/10 số này, do đó cử nhân thất nghiệp nhiều là chuyện dễ hiểu. Ngoài ra, chất lượng đào tạo của một số trường đại học không cao, dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp không nhận sinh viên tốt nghiệp các trường này do kỹ năng làm việc hạn chế. Theo bà Nguyễn Thanh Mai, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, với thị trường lao động ASEAN mở như bây giờ thì trong tương lai gần, thanh niên Việt Nam đang đứng trước cơ hội và thách thức rất lớn. Nếu như được đào tạo tốt, vừa có kiến thức, kỹ năng làm việc, vừa có ngoại ngữ thì người lao động sẽ có cơ hội tìm được việc làm phù hợp trên khắp thị trường Đông Nam Á. Nhưng nếu các trường tiếp tục đào tạo xa với thực tế như hiện nay thì người lao động có nguy cơ thất bại ngay trên quê hương của mình.
NHÓM PHÓNG VIÊN PHÒNG BÁO ĐIỆN TỬ