Thanh Hà tập trung làm đường nội đồng

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:46, 23/09/2016

Thanh Hà có hơn 650 km đường ra đồng, đường nội đồng. Huyện phấn đấu đến năm 2020, tất cả các tuyến đường ra đồng và 60% số tuyến đường nội đồng được cứng hóa.



Nhiều tuyến đường ra đồng ở thôn Mạc Động, xã Liên Mạc đã được bê tông hóa, giúp
 sản xuất, tiêu thụ nông sản thuận lợi

Huyện Thanh Hà có truyền thống trồng cây ăn quả tập trung nên rất cần xây dựng đường ra đồng, đường nội đồng (RĐNĐ) để liên kết vùng, tạo thuận lợi cho người dân sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ nông sản. Tháng 8 vừa qua, huyện đã phê duyệt Đề án "Xây dựng đường giao thông RĐNĐ trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020". Toàn huyện có hơn 650 km đường RĐNĐ; phấn đấu đến năm 2020, tất cả các tuyến đường ra đồng và 60% số tuyến đường nội đồng được cứng hóa. Mỗi năm, toàn huyện cải tạo từ 40-50 km, mỗi xã từ 2-3 km đường. Sau khi ban hành đề án, UBND huyện đã tích cực chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, các xã, thị trấn tập trung thực hiện các phần việc được giao.

Từ khi triển khai thực hiện đề án đến nay, xã Hồng Lạc đã đổ bê tông được 3 km đường ra đồng trong tổng số 7,8 km đường cần cải tạo. Dự kiến cuối năm nay, xã sẽ hoàn thành gần 5 km đường ra đồng còn lại và 2 km đường nội đồng. Anh Vũ Xuân Hào, Chủ tịch UBND xã Hồng Lạc phấn khởi cho biết: "Làm đường RĐNĐ thuận lợi hơn làm đường giao thông thôn xóm vì nhân dân không phải hiến đất, lề đường để mở rộng. Đảng bộ xã đã chỉ đạo cán bộ, đảng viên gương mẫu làm trước, vận động người thân tích cực đóng góp làm đường để phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, người dân đã nhận thức rõ tầm quan trọng của giao thông trong sản xuất nông nghiệp nên khi triển khai thực hiện rất thuận lợi”.

Để bảo đảm công bằng trong đóng góp, xã Hồng Lạc không tính theo đầu người mà chia theo đầu ruộng. Nhà nào nhiều ruộng thì đóng nhiều tiền, bình quân khoảng 950.000 đồng/sào. Nhiều hộ không có điều kiện đóng hết ngay. Để giải quyết khó khăn này, chính quyền xã đã thỏa thuận với Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Lộc (đơn vị thi công đường RĐNĐ cho xã) ứng tiền làm đường trước, nhân dân sẽ đóng tiền sau trong 3 vụ. Mức đóng góp làm đường cũng được thông báo công khai, minh bạch tới người dân.

Với đặc thù là vùng trồng cây ăn quả, trước khi xây dựng nông thôn mới, xã Liên Mạc đã làm hơn 90% đường RĐNĐ. Tuy nhiên, nhiều tuyến đường đã xuống cấp, cần mở rộng hơn để thuận tiện cho sản xuất. Theo đề án, xã Liên Mạc xây dựng kế hoạch từ nay đến năm 2020 sẽ làm hơn 30 km đường RĐNĐ, trong năm nay phấn đấu làm hơn 3 km. Ông Dương Văn Muốn, Trưởng thôn Mạc Động cho biết toàn thôn có hơn 7 km đường RĐNĐ, đến nay chỉ còn gần 2 km đường nội đồng chưa đổ bê tông nhưng đã có nền. Từ nay đến cuối năm, thôn phấn đấu 100% số đường nội đồng được đổ bê tông. Nhiều hộ ở xã Liên Mạc có kinh tế khá giả nhờ cây ổi nên nhiệt tình hưởng ứng việc làm đường.
Ngoài những thuận lợi, việc thực hiện đề án trên còn không ít khó khăn, nhất là thiếu kinh phí. Bên cạnh đó, tỉnh vừa dừng hỗ trợ xi măng đối với đường RĐNĐ khiến nhiều xã càng lúng túng. Toàn huyện có hơn 650 km đường RĐNĐ nhưng đến nay mới bê tông hóa được gần 139 km. Theo lãnh đạo huyện Thanh Hà, nguồn lực để làm đường RĐNĐ chủ yếu dựa vào sức dân. Mục tiêu đến năm 2020, toàn huyện sẽ cải tạo 222 km đường RĐNĐ, dự toán kinh phí khoảng 145 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp hơn 100 tỷ đồng, còn lại là ngân sách các xã, thị trấn. Khắc phục những khó khăn này, huyện Thanh Hà đề nghị tỉnh tiếp tục hỗ trợ xi măng, tạo thuận lợi làm đường RĐNĐ. Ngoài ra, huyện kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ nhân dân làm đường. Huyện cũng chỉ đạo các cấp, các ngành, các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực làm đường RĐNĐ. Các xã, thị trấn chủ động tạo nguồn thu từ đấu giá đất, xử lý đất xen kẹp, dôi dư... để làm đường.

MINH NGUYỆT