Học sinh ghét học: Giọt nước tràn ly
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 08:40, 26/09/2016
Thầy Nguyễn Quốc Hùng, Trường THPT Nguyễn Khuyến, TP HCM: “Học sinh chán nản và thấy áp lực do phải học là tâm trạng chung”.
Hôm qua lên mạng xã hội, dù rất khuya nhưng cậu học trò ở lớp tôi dạy thêm vẫn sáng đèn và than đang chán nản. Thấy vậy, tôi hỏi vì sao lại chán, em nhắn lại cho tôi rằng “Năm nay em thấy học nhiều môn, học liên tục nên em rất chán”. Tôi đã khuyên “Tuổi của em hiện nay là tuổi đẹp nhất, tại sao phải chán? Giai đoạn của em ai cũng phải trải qua, đặc biệt những năm thi cử, là những năm quyết định mọi thứ. Mọi người sẽ thi giống nhau và rèn luyện học tập giống nhau. Em phải cố gắng vượt qua. Khi đã qua, sau này em muốn quay trở lại cũng không được và cảm thấy tiếc nuối như các anh, chị học trò lớn đã chia sẻ với thầy”.
Tôi khuyên học trò như vậy, vì học sinh cuối cấp phải chịu nhiều áp lực, đặc biệt áp lực thi cử. Nhưng ở giai đoạn này học sinh vẫn còn nhỏ để nhận ra những giá trị của học tập.
Khi đi học nhiều học sinh than chán, nhưng tuổi học trò qua đi, các em rất hối tiếc. Đặc biệt khi đã ở tuổi ngoài 40, các em đều bày tỏ thèm muốn và nhớ lại thời đi học. Nhiều em hối hận vì ngày xưa không biết tận dụng thời gian để học tập dù được tạo điều kiện tối đa.
Con của tôi ở nhà cũng vậy, cháu luôn đặt câu hỏi “Tại sao con phải học nhiều?”. Tôi trả lời rằng “Con phải học bài để chu toàn bổn phận học sinh, có học mới làm người được”.
Việc học sinh chán nản và thấy áp lực do phải học là tâm trạng chung. Mặt khác, đây là nhu cầu xã hội, là thi cử nên mọi người đều lo. Khi bố mẹ lo sẽ thôi thúc con học. Nếu tôi là phụ huynh, tôi cũng sẽ bắt con học như vậy. Con của tôi mới lớp 6, nhưng cháu đã học một buổi trên trường, một buổi học thêm, buổi tối học ở nhà tới 10 giờ đêm, hôm nào có nhiều bài thì học tới 11 giờ.
Nguyên nhân lớn nhất của việc học nhiều - chán học là thi cử. Đây là yếu tố tâm lý, cứ nghĩ đến thi là phải lo. Hiện nay, các em phải tăng cường buổi học, ở những lớp ôn thi lượng bài tập sẽ nhiều hơn.
Cụ thể, với học sinh lớp 6, 7,8 các em chỉ phải thi bình thường. Nhưng với học sinh lớp 9, để vào được trường công lập các em phải đạt được số điểm nhất định, với những trường mong muốn thì phải đạt điểm cao hơn. Áp lực từ việc học sẽ tạo cho các em tâm lý cực khổ.
Như môn toán, hiện nay chúng tôi phải dạy các em tất cả mọi kiến thức. Ngay phần hình học, ngày trước thí sinh chỉ đinh ninh thi phần hình chóp nhưng vừa rồi lại thi phần lăng trụ, vì vậy năm nay thầy trò lại cùng nhau ôn cả hình chóp và lăng trụ. Không những thế, chúng tôi cũng phải săn lùng để làm thi trắc nghiêm. Và kết quả là các em phải học hết tất cả mọi thứ.
Ông Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM: “Ai cũng mong muốn con mình như Ngô Bảo Châu”.
Học sinh chán học vì các em đang bước vào giai đoạn căng thẳng nhất. Xảy ra tình trạng như hiện nay có nguyên nhân từ nhiều phía.
Từ phía thầy giáo dạy, vào giờ học thầy dạy ngay cho học trò kiến thức, nhưng không lý giải cho các em tại sao phải học cái đó, học để làm gì. Điều này dẫn đến những em tự thích được học sẽ thích. Những em tự thuyết phục phải học cho đàng hoàng để thi cử sẽ tự học. Những em không có động cơ sẽ đặt câu hỏi “Học để làm gì?”, và chán nản. Có nghĩa bản thân thầy dạy không tạo cho học sinh hứng thú nên học trò chán nản.
Từ phía cơ quan quản lý, cấu trúc chương trình hiện nay chưa tốt, chưa thiết thực với kiến thức phổ thông. Tôi nghĩ học sinh đó mới chỉ đặt câu hỏi với những môn toán - lý, chứ còn có những môn học khác chán hơn nhưng các em không nêu.
Từ phía phụ huynh, ai cũng mong muốn con mình như Ngô Bảo Châu nên ép các em. Dù không hứng thú học lên cấp ba để thi vào đại học, nhưng cha mẹ vẫn yêu cầu con học. Nhiều phụ huynh luôn ép con học để thi đạt điểm cao. Do các em không muốn nên không có động cơ bên trong mà chỉ bị áp lực bên ngoài. Với học sinh học không tốt sẽ thấy học là một cực hình.
Để giải quyết vấn đề này phải thay đổi chương trình của Bộ, định hướng và yêu cầu của cha mẹ đối với con cái, cách dạy của thầy phải tạo được hứng thú cho học sinh.
Theo Vietnamnet