Bài cuối: Cần siết chặt quản lý
Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 06:18, 27/09/2016
Tình trạng khai thác trái phép đất, cát bãi bồi ven sông trên địa bàn tỉnh thời gian qua khá phổ biến, gây rất nhiều bức xúc trong nhân dân.
Vùng bãi sông xã Bình Lãng nay tan hoang
Chỉ có siết chặt công tác quản lý, tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử phạt thật nghiêm các đối tượng vi phạm mới có thể chấn chỉnh tình trạng này.
Theo ông Trần Văn Hà, Trưởng Phòng Nghiệp vụ quản lý đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường), tình trạng khai thác đất, cát bãi bồi trái phép diễn ra bừa bãi xuất phát chính từ sự buông lỏng quản lý của chính quyền cơ sở. Do đó, chính quyền cơ sở phải vào cuộc quyết liệt, chủ động, tranh thủ sự ủng hộ của cơ quan chuyên môn và UBND cấp huyện trong phát hiện, ngăn chặn, xử phạt các trường hợp vi phạm. Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm, UBND cấp huyện cần kiểm tra lại toàn bộ quỹ đất của địa phương, thống kê từng loại đất, giao hoặc cho thuê theo đúng thẩm quyền. Sau khi giao đất, UBND cấp xã phải thường xuyên kiểm tra các tổ chức, cá nhân sử dụng đất có đúng mục đích hay không. Nếu vi phạm, UBND xã cần có biện pháp chấn chỉnh kịp thời hoặc đề nghị UBND huyện thu hồi giấy phép đã cấp. Đối với diện tích đất bãi bồi ven sông đã giao lâu dài cho người dân, UBND xã tăng cường giám sát để các hộ không chuyển mục đích sử dụng khi chưa có sự đồng ý của cấp có thẩm quyền.
Ông Nguyễn Văn Hợp, Phó Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ cho biết nhiều lần lực lượng chức năng của huyện đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác đất, cát bãi bồi ven sông, nhất là các điểm vi phạm ở các xã Đại Đồng, Bình Lãng, Tứ Xuyên... Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hiệu quả xử lý chưa cao, tình trạng khai thác trộm vẫn chưa được giải quyết triệt để. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường quản lý đất bãi bồi ven sông, UBND huyện đã yêu cầu UBND các xã ven sông Thái Bình phải quản lý chặt đất bãi, người đứng đầu chính quyền cơ sở chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng khai thác bừa bãi, không đúng quy định. UBND huyện sẵn sàng bố trí lực lượng hỗ trợ các địa phương trong quá trình phát hiện, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm.
Thời gian qua, trên địa bàn huyện Tứ Kỳ, hoạt động khai thác trộm đất bãi liên quan nhiều đến sản xuất gạch sét nung, tập trung chủ yếu ở 4 xã có nhiều bến bãi và lò gạch thủ công là Tứ Xuyên, Đông Kỳ, Bình Lãng và Đại Đồng. UBND huyện đã thành lập tổ phản ứng xử lý nhanh, phối hợp cùng các xã ngăn chặn tình trạng khai thác trộm. Tập trung rà soát toàn bộ vùng nguyên liệu của nhà máy sản xuất gạch tuynel, trường hợp nào còn vùng nguyên liệu đề nghị tỉnh cho sản xuất tiếp, nhà máy nào không còn nguồn nguyên liệu đề nghị tỉnh yêu cầu chấm dứt hoạt động.
Tại huyện Thanh Hà, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương khiến tình trạng khai thác đất, cát bãi bồi ven sông giảm mạnh so với những tháng đầu năm. Theo ông Nguyễn Danh Phưởng, Chủ tịch UBND xã Phượng Hoàng, trước tình trạng khai thác đất, cát bãi bồi phức tạp, xã bố trí 1 thuyền máy, 2 - 4 công an viên tổ chức ứng trực 24 giờ/ngày. Khi phát hiện có người, phương tiện trực thường xuyên, các đối tượng khai thác trộm không còn lộng hành như trước kia.
Đối với các hộ nhận đấu thầu đất bãi, UBND xã Phượng Hoàng gặp gỡ trực tiếp tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt quy định của địa phương trong việc bảo vệ diện tích đất bãi đã được giao. Xã cũng làm việc với các chủ phương tiện, thông báo rõ không được mua lại đất của chủ ao, không được khai thác, vận chuyển đất bãi khỏi địa bàn. Ngoài tuyên truyền, vận động, UBND xã kiên quyết xử phạt theo thẩm quyền những đối tượng vi phạm. Giữa tháng 7 vừa qua, UBND xã phát hiện, xử phạt 2,5 triệu đồng đối với 1 chủ xe có hành vi khai thác, vận chuyển 2,5 m3 đất bãi trái quy định.
Thừa nhận sự quyết liệt, chủ động của chính quyền là "chìa khóa" giải quyết tình trạng khai thác trái phép đất cát bãi sông, ông Trịnh Văn Thiện, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thanh Hà cho biết UBND huyện yêu cầu UBND các xã có đất bãi bồi tăng cường công tác quản lý, kiên quyết xử lý, cấm mọi sự can thiệp đối với các trường hợp vi phạm. Nhằm tăng tính răn đe, UBND huyện đã áp dụng mức xử phạt cao nhất theo thẩm quyền. Từ đầu tháng 9 đến nay, UBND huyện đã bắt giữ, xử phạt 5 trường hợp với tổng số tiền 160 triệu đồng.
Bên cạnh đó, huyện Thanh Hà cũng tích cực phối hợp với các địa phương có cùng tuyến sông như Tứ Kỳ, Kim Thành trong việc phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ phương tiện vi phạm. Chính sự kiên quyết của cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở cộng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương có cùng tuyến sông khiến số vụ vi phạm trên địa bàn đã giảm khoảng 80% so với những tháng đầu năm. "Đồng thuận từ huyện xuống xã, kiên quyết trong xử lý các trường hợp vi phạm là yếu tố quyết định ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép đất, cát bãi bồi trên địa bàn", ông Thiện nói.
Thực tế ở các địa phương cho thấy, nơi nào buông lỏng quản lý, không chủ động vào cuộc, coi việc ngăn chặn, xử lý các trường hợp khai thác trộm đất, cát bãi bồi ven sông là công việc của cấp trên thì tình trạng khai thác đất bãi bồi sẽ diễn ra bừa bãi, gây bức xúc trong nhân dân. Vì vậy, siết chặt công tác quản lý nhà nước, gắn trách nhiệm cho người đứng đầu chính quyền cơ sở nếu để xảy ra sai phạm, xử phạt kiên quyết, chế tài mang tính răn đe cao... là những giải pháp hữu hiệu đưa hoạt động khai thác đất bãi vào khuôn khổ.
PV