Điều chỉnh học phí có đáp ứng được yêu cầu thực tế?
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 07:40, 04/10/2016
HĐND tỉnh sẽ xem xét tờ trình về việc phê duyệt phương án mức thu học phí năm học 2016 - 2017.
Điều chỉnh mức thu học phí hợp lý sẽ góp phần giảm bớt các khoản thu ngoài học phí
(ảnh mang tính chất minh họa)
Không thể tăng quá cao
Một số cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên cho rằng việc tăng học phí theo tờ trình và theo khung học phí của Chính phủ quy định hiện vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu thực tế. Điển hình như theo tính toán của Sở Giáo dục và Đào tạo, kinh phí để đáp ứng chi tối thiểu cho 1 học sinh THPT là 1.270.000 đồng/năm. Nếu trừ đi định mức ngân sách cho mỗi học sinh là 280.000 đồng/năm thì kinh phí từ học phí sẽ là 990.000 đồng/năm, tương ứng 110.000 đồng/học sinh/tháng. Bên cạnh đó, do nguồn học phí phải trích 40% chi cải cách tiền lương nên mức thu sẽ phải là 184.000/học sinh/tháng. Như vậy, mức thu đề xuất trong tờ trình là 120.000 đồng/học sinh THPT/tháng đối với khu vực thành thị và 90.000 đồng/học sinh/tháng đối với khu vực nông thôn còn cách khá xa so với chi phí thực tế.
Ngoài mức thu thì việc áp dụng khung học phí của Chính phủ vào từng vùng cũng khó công bằng tuyệt đối. Đơn cử, theo khung học phí của Chính phủ quy định, đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non và giáo dục phổ thông, mức thu tối đa học phí ở vùng miền núi bằng 1/2 mức thu tối đa vùng nông thôn. Vì vậy, khi đề xuất thu học phí ở vùng miền núi ở mức tối đa thì vẫn thấp hơn học phí ở vùng nông thôn từ 20.000-50.000 đồng/học sinh/tháng. Trong khi trên thực tế, điều kiện kinh tế-xã hội ở một số xã miền núi của thị xã Chí Linh còn phát triển hơn một số xã khó khăn ở các huyện Thanh Hà, Thanh Miện, Ninh Giang.
Theo ông Tiêu Anh Phương, Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính (Sở Giáo dục và Đào tạo), điều kiện kinh tế của người dân, nhất là vùng nông thôn, miền núi còn khó khăn thì không thể tăng học phí lên quá cao. "Định mức ngân sách chi cho mỗi học sinh THPT là 280.000 đồng/năm được áp dụng từ năm 2006 đến nay đã không còn phù hợp. Thời gian tới, khi điều chỉnh định mức, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, tính toán đề xuất con số cụ thể sát với thực tế để chia sẻ với phụ huynh chi phí dành cho con em học tập", ông Phương kiến nghị.
Gộp các khoản thu vào học phí ?
Công tác lâu năm trong ngành giáo dục, ông Phan Tuấn Cộng, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Marie-Curie (TP Hải Dương) nhận xét, học phí tăng khoảng 40.000-50.000 đồng/học sinh/tháng khó có thể giúp các trường giải quyết được những vấn đề lớn. Và nếu học phí thu không đủ chi thì các trường vẫn phải duy trì những khoản thu khác để bù vào. Trong thực tế, tại nhiều trường đã xảy ra tình trạng lạm thu, xã hội hóa không kiểm soát được.
Học phí thu không đủ chi khiến các trường phải duy trì những khoản thu
khác để bù vào (ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
Là trường tư thục, hiện mức học phí của Trường THCS-THPT Marie-Curie khá cao so với mặt bằng, là 1.200.000 đồng/học sinh/tháng. Tuy nhiên, học sinh học ở đây chỉ phải đóng học phí mà không phải nộp thêm bất kỳ khoản tiền nào khác như vệ sinh, nước uống, trông xe, quỹ tài năng, hỗ trợ vật chất... Hiện trường này cũng tổ chức học 2 buổi/ngày nên không mở các lớp học thêm .
Từng là hiệu trưởng tại một trường công lập, ông Cộng cho biết: "Nếu gộp các khoản đóng góp vào học phí thì sẽ giảm đầu thu, tránh lạm thu và giúp phụ huynh đỡ rối hơn. Công tác quản lý, giám sát của cơ quan chức năng đối với thu- chi của nhà trường cũng thuận lợi, chặt chẽ hơn. Qua đó việc sử dụng tiền đóng góp của phụ huynh cũng hiệu quả, hạn chế tiêu cực, thất thoát".
Chị Nguyễn Thị Trang ở khu 6, phường Tân Bình (TP Hải Dương) hiện có 1 con đang học THCS và 1 con học tiểu học. "Theo tôi, các trường có thể tính gộp tất cả các khoản thu này vào học phí vì thực tế tính ra, các khoản cũng đều phục vụ cho việc học tập của các con. Thu chung vào thì chúng tôi vừa đỡ phải nộp nhiều lần, lại thuận tiện trong việc theo dõi thu, chi của trường", chị Trang cho biết.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia nhận định, việc gộp các khoản thu khác vào học phí đối với một trường có thể không khó. Nhưng nếu thực hiện trên diện rộng thì phải nghiên cứu, tính toán kỹ càng. Bởi ngay cả trong 1 huyện, 1 xã thì điều kiện kinh tế của người dân có thể cũng đã chênh lệch. Nên chăng cần gộp những khoản thu phục vụ thiết yếu cho việc học tập của mỗi học sinh vào học phí; đồng thời cấm thu những khoản thu không chính đáng để giảm đầu thu, gánh nặng cho người dân. Trong tình hình hiện nay, nhiều khoản thu ngoài học phí vẫn phải tồn tại để phục vụ học sinh học tập thì các trường phải thực hiện thu-chi trên nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch.
PV