Đến năm 2020 khó đạt 80% số xã nông thôn mới

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 17:38, 04/10/2016

Chiều 4-10, các đại biểu HĐND tỉnh thảo luận ở tổ.


Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020), toàn tỉnh có 80% số xã đạt nông thôn mới (NTM) là khó khả thi.



Đại biểu Đoàn Việt Hùng (TP Hải Dương)

Đại biểu Đoàn Việt Hùng (TP Hải Dương) cho rằng mục tiêu đặt ra đến năm 2020, toàn tỉnh có 80% số xã đạt NTM và có ít nhất 1 huyện NTM là rất khó thực hiện. Theo đại biểu Hùng, mục tiêu như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh XVI đặt ra cho cả nhiệm kỳ phấn đấu 60% số xã đạt NTM và 1 huyện NTM cũng đã khó thực hiện bởi phải cần rất nhiều tiền để thực hiện mục tiêu này. "Chỉ riêng TP Hải Dương cũng phải cần tới khoảng 1.300 tỷ mới có thể đạt được mục tiêu trên. Xin hỏi lấy đâu ra tiền để làm trong khi thành phố cần tiền cho phát triển ở nhiều lĩnh vực khác cấp thiết hơn. Nếu chúng ta cứ làm bằng mọi giá thì sẽ nợ NTM sẽ rất lớn", đại biểu Hùng lo lắng.

Đồng quan điểm với đại biểu Hùng, đại biểu Vũ Hồng Khiêm (Cẩm Giàng) cho rằng mục tiêu 60% số xã đạt NTM đã là cao. Đơn cử như huyện Cẩm Giàng, bên cạnh những xã đã đạt  NTM, những xã còn lại đều rất khó khăn trong việc huy động nguồn lực xây dựng NTM. Nguồn lực tại địa phương hiện phụ thuộc rất nhiều vào đấu giá đất. Tuy nhiên không phải xã nào cũng có quỹ đất để bán nên trông chờ rất nhiều vào ngân sách của tỉnh, của trung ương. Ngoài ra còn nhiều tiêu chí khó đạt được như tiêu chí 19 về an ninh, trật tự. Huyện đang thực hiện giải phóng mặt bằng nhiều dự án nên xảy ra nhiều khiếu kiện kéo dài, phức tạp. "Trong khi việc huy động sức dân còn hạn chế thì trung ương và tỉnh cần tiếp tục quan tâm đầu tư, thu hút các nguồn lực để các địa phương về đích xây dựng NTM", đại biểu Khiêm đề nghị.



Đại biểu Vũ Hồng Khiêm (Cẩm Giàng)

Cho rằng khó khả thi, đại biểu Lê Văn Dũng (Thanh Hà) cho rằng mục tiêu 80% xã đạt NTM rất khó khăn. Đến nay Thanh Hà mới có 5 xã đạt NTM, còn 20 xã chưa đạt. Để đạt được mục tiêu trên, đến năm 2020, Thanh Hà phải có 20 xã đạt NTM, nghĩa là trong 4 năm tới phải có thêm 15 xã đạt NTM, bình quân mỗi năm có gần 4 xã đạt NTM là rất khó. Hiện nay những tiêu chí mà các xã chưa đạt đều cần đầu tư lớn về cơ sở vật chất như trường, sân vận động... đòi hỏi cần rất nhiều tiền. Đại biểu Dũng đề nghị tỉnh cần tập trung đầu tư cho các xã, nhất là cơ chế tạo điều kiện cho huyện, xã trong thủ tục, quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất thuận lợi, gọn, nhanh hơn. Tỉnh cần quan tâm các tỉnh đặc thù, có cơ chế về tỷ lệ tiền đầu thầu đất.

Ở góc độ khác, đại biểu Phạm Văn Khảnh (Ninh Giang) cho rằng chất lượng quy hoạch NTM đang có vấn đề, rất lãng phí mà lại không hiệu quả. Thực tế cho thấy trình độ của đội ngũ tư vấn non kém, yếu về chuyên môn, dẫn đến quy hoạch chồng chéo. Chất lượng quy hoạch không tốt, chưa tham mưu cho xã, huyện để thực hiện quy hoạch NTM thật sự hiệu quả. Theo đại biểu Khảnh, cần quan tâm xây dựng trụ sở làm việc cấp xã. "Trụ sở làm việc của nhiều xã cũ nát, xuống cấp nghiêm trọng, do vậy môi trường làm việc rất khó khăn. "Có trụ sở làm việc khang trang không những đáp ứng về cơ sở vật chất mà còn tạo khí thế làm việc cho đội ngũ cán bộ, công chức cũng như người dân đến giải quyết công việc", đại biểu Khảnh đề nghị.

Ông Nguyễn Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn phản ánh huyện Kinh Môn đăng ký với tỉnh trở thành huyện NTM vào năm 2017. Tuy nhiên, một số tiêu chí về huyện NTM hiện nay có yêu cầu cao hơn giai đoạn trước như 100% số xã phải đạt tiêu chí NTM. Huyện có 22 xã thì đến nay 9 xã đã đạt, còn 13 xã phấn đấu trong năm nay và năm sau sẽ đạt chuẩn NTM. Về cơ chế, huyện trích ngân sách hỗ trợ cho mỗi xã phấn đấu đạt chuẩn 2 tỷ đồng, hỗ trợ mỗi trường THPT đạt chuẩn quốc gia là 2 tỷ đồng. "Chúng tôi đã đăng ký với tỉnh nhưng hiện nay về văn bản chính thống thì tỉnh chưa có quyết định hay thông báo chính thống cho huyện đăng ký về đích NTM trong năm 2017. Do vậy, chúng tôi đề nghị HĐND, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh cần thông báo, quyết định chính thức để huyện phấn đấu về đích trong năm 2017", ông Tiến đề nghị. Theo ông Tiến, Kinh Môn cũng cần một cơ chế hỗ trợ đặc thù nếu được tỉnh quyết định cho Kinh Môn phấn đấu đạt huyện NTM đầu tiên của tỉnh trong năm 2017.

Đồng tình với ý kiến phải có cơ chế đặc thù của ông Tiến, đại biểu Lưu Văn Bản (Chí Linh) đề nghị tỉnh xem xét có cơ chế đặc thù để hỗ trợ các huyện đầu tiên đạt chuẩn NTM. Đại biểu Bản cho rằng: "Nếu có cơ chế đặc thù và có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh về NTM thì ngay cả Chí Linh năm 2017 cũng có thể đạt được. Chí Linh có ưu thế hơn Kinh Môn và một số huyện khác vì số xã không nhiều. Chúng tôi có 8 phường và 12 xã. Trong đó có 3 xã đạt NTM. Năm nay, chúng tôi phấn đấu 5 xã đạt nữa, như vậy còn 4 xã nữa là có thể về đích NTM. Tất nhiên là các xã còn lại đều khó khăn".

NHÓM PV