Bài cuối: Những cách làm hiệu quả

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 06:42, 13/10/2016

Đã xuất hiện một số mô hình hay, cách làm hiệu quả trong đào tạo nghề, cần được các cơ quan chức năng, địa phương học tập, nhân rộng.




Sau học nghề, nhiều lao động quê Hải Dương được giới thiệu vào làm việc tại Công ty TNHH Goshi
Thăng Long (Hà Nội) với thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng

Gắn đào tạo với giải quyết việc làm

Công ty TNHH Goshi Thăng Long ở phường Việt Hưng, quận Long Biên (Hà Nội) chuyên sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy. Hiện có khoảng 150 lao động quê Hải Dương, chiếm 10% tổng số công nhân trong nhà máy. Đa số những lao động này là “sản phẩm” của chương trình liên kết đào tạo trung cấp nghề gắn với giải quyết việc làm do một số trung tâm dạy nghề ở các huyện trong tỉnh phối hợp với Trường Trung cấp Nghề cơ khí - xây dựng (Hà Nội) tổ chức. Anh Ngô Đăng Quyển (22 tuổi, ở xã Tứ Cường, Thanh Miện) đang làm việc tại công ty này hồ hởi nói: “Vừa học xong lớp hàn là em được trường hỗ trợ xin vào nhà máy làm việc. Thu nhập bình quân 8 triệu đồng/tháng, các quyền lợi của người lao động được thực hiện đúng quy định nên em và gia đình rất hài lòng”.

Cách đó không xa Công ty TNHH Kinh doanh nhà lắp ghép Hoàng Lê cũng có 5 trong tổng số 8 lao động là người Hải Dương. Ông Lê Toàn Thắng, Giám đốc công ty cho biết những công nhân được giới thiệu đến đây đều được đào tạo nghề (ĐTN) bài bản, chỉ mất 1-2 tháng là quen việc. Trước kia, sau khi tuyển dụng lao động, công ty mất 1-2 năm để đào tạo thêm với chi phí từ 10-15 triệu đồng/người.

Từ bỏ “thói quen” ĐTN chạy theo số lượng, nhiều trung tâm dạy nghề ở tỉnh đã và đang hướng tới việc liên kết dạy nghề gắn với giải quyết việc làm. Các ngành nghề nằm trong chương trình đào tạo hằng năm phù hợp với nhu cầu xã hội đang cần. Điều này góp phần khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Ông Hoàng Hữu Thạnh, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp - Dạy nghề Cẩm Giàng cho biết: Từ năm học 2011-2012 đến nay, trung tâm đã chuyển hướng sang gắn ĐTN với giải quyết việc làm. 6 năm qua, trung tâm đã phối hợp tổ chức đào tạo các nghề hàn, điện tử công nghiệp, may, công nghệ ô tô... cho khoảng 650 học sinh tốt nghiệp THCS. Đến nay, đã có 372 em tốt nghiệp, trong đó khoảng 80% được giới thiệu vào làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Trong sản xuất nông nghiệp, trước đây nhiều hộ nông dân vẫn quen làm ăn theo quy mô nhỏ lẻ, manh mún nên hiệu quả thấp. Giờ đây, nhờ những kiến thức, hiểu biết có được từ việc tham gia các lớp tập huấn, các chương trình ĐTN mà họ đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả cao. Anh Phan Văn Trường ở thôn Đồng Bào, xã Gia Xuyên (Gia Lộc) có 1,7 mẫu ao nuôi ghép cá rô phi với cá truyền thống. Trước đây, do thiếu kiến thức nên anh thả cá với mật độ không thích hợp, năng suất thấp. Từ khi tham gia lớp học nghề do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) tổ chức, anh đã tự tin xử lý các tình huống xảy ra trong chăn nuôi. “Sau khóa học, cán bộ trung tâm vẫn thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn cách chữa trị cho cá. Nhờ vậy, gia đình thu lãi mỗi năm gần 100 triệu đồng”, anh Trường chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuyến, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh, những năm gần đây, việc dạy nghề của trung tâm luôn hướng đến nhu cầu của bà con, bảo đảm sau khóa học người lao động có việc làm và thu nhập cao; đi liền với hướng dẫn thành lập các tổ, nhóm liên kết trong sản xuất, kinh doanh... Bình quân mỗi năm, trung tâm mở 25 lớp dạy nghề sản xuất nông nghiệp cho gần 1.000 nông dân. Sau ĐTN, trung tâm đã hỗ trợ nông dân các huyện thành lập 39 Câu lạc bộ chăn nuôi thủy sản, 5 Câu lạc bộ trồng trọt... với hàng nghìn hộ nông dân tham gia.

Phát huy nội lực


Được ĐTN bài bản, nhiều lao động nông thôn đã đầu tư sản xuất, kinh doanh và trở thành những doanh nhân thành đạt có doanh thu hàng tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Năm 2005, sau khi tốt nghiệp lớp học nghề cơ khí, anh Nguyễn Thanh Thiêm (sinh năm 1982, ở thôn Tứ Kỳ Thượng, xã Ngọc Kỳ, Tứ Kỳ) sang Nhật Bản lao động và làm việc cho một công ty chuyên gia công cơ khí. Sau 5 năm làm việc ở nước ngoài, cuối năm 2009, anh Thiêm về quê mở xưởng chuyên chế tạo khuôn phụ tùng xe máy Yamaha và sản xuất linh kiện cửa cuốn xuất khẩu sang Nhật Bản. Hiện nay, Công ty TNHH một thành viên Thanh Thiêm đầu tư gần 7 tỷ đồng xây dựng 2 nhà xưởng khoảng 1.000 m2, mua sắm máy móc và thuê 1 kỹ sư người Nhật chuyên làm nhiệm vụ tư vấn, thiết kế, giám sát sản xuất. Làm ăn có uy tín, sản phẩm bảo đảm chất lượng nên công ty ngày càng nhận được nhiều hợp đồng từ phía đối tác và hàng chục công ty lớn ở các khu công nghiệp trong nước... Bình quân mỗi năm, công ty đạt doanh thu 3-6 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 15 lao động địa phương với thu nhập bình quân 5-8 triệu đồng/người/tháng. “Chỉ cần được học nghề, có sự quan tâm hỗ trợ của gia đình, xã hội và thêm sự tự tin, quyết đoán của bản thân thì mỗi lao động nông thôn như chúng tôi đều có thể đạt được thành công”, anh Thiêm chia sẻ.

NHÓM PHÓNG VIÊN VĂN HÓA - XÃ HỘI

Nắm bắt nhu cầu

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trước hết cần khảo sát đúng nhu cầu ngành nghề theo tình hình thực tế, nhu cầu của người dân, từ đó mới xây dựng các mô hình đào tạo. Các cơ sở đào tạo phải dự báo được tình hình việc làm và mức thu nhập của học viên sau khi ra trường. Việc đào tạo phải theo phương thức "cầm tay chỉ việc", kết hợp tốt giữa lý thuyết và thực hành.

Ngoài ra, cần nâng cao vai trò, sự tham gia của chính quyền, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiệu quả của các chương trình giảng dạy để tránh lãng phí nguồn kinh phí đào tạo.

NGUYỄN ĐỨC THÁI Trưởng Phòng Dạy nghề, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội


Liên kết với doanh nghiệp

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp công đoàn đang triển khai dạy nghề may công nghiệp theo chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn của tỉnh.

Xuất phát từ nhu cầu của học viên, yêu cầu của các đơn vị sản xuất, trung tâm đã chuyển hướng đào tạo tại chỗ sang liên kết mở lớp đào tạo trực tiếp tại các doanh nghiệp. Người lao động được các giáo viên của trung tâm giảng dạy những kỹ năng cơ bản của nghề may công nghiệp; được thợ lành nghề của doanh nghiệp truyền thụ những yêu cầu ứng dụng trong thực tiễn sản xuất.

Trong quá trình học, sản phẩm do học viên làm ra nếu đủ tiêu chuẩn sẽ được doanh nghiệp bao tiêu luôn. Với cách làm này, hầu hết học viên theo học tại các lớp đào tạo của trung tâm sau một thời gian đều có thu nhập, được các doanh nghiệp nhận vào làm sau khóa đào tạo.

ĐỖ THỊ NGỌC LOANGiám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp công đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh


Đa dạng hóa các lớp dạy nghề

Được sự quan tâm của chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể, tôi cùng hơn 30 học viên đã tham gia lớp dạy nghề do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) tổ chức ở địa phương. Chúng tôi được học những kiến thức cơ bản về nghề may. Sau 3 tháng, chúng tôi nắm bắt thuần thục cách cắt may một sản phẩm hoàn chỉnh.

Chúng tôi mong muốn thời gian tới sẽ có nhiều lớp dạy nghề khác nhau phù hợp với từng lứa tuổi, giới tính, điều kiện của từng người.

BÙI THỊ CÚC (thôn Bồng Lai, xã Ninh Hải, Ninh Giang)