Làm dân vận qua các cuộc tiếp xúc, đối thoại

Tin tức - Ngày đăng : 07:36, 13/10/2016

Việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân trong thời gian qua đã thể hiện được là một kênh làm dân vận hiệu quả, thiết thực.



Nhân dân xã An Bình (Nam Sách) phát biểu ý kiến tại hội nghị tiếp xúc, đối thoại với đồng chí Bí thư Huyện ủy

Dân chủ, được việc, được lòng dân

Ngày 20-9, đồng chí Bí thư Huyện ủy Nam Sách tổ chức tiếp xúc, đối thoại (TXĐT) trực tiếp với cán bộ, nhân dân xã An Bình. Ngay từ đầu giờ sáng, nhiều người dân đã có mặt tại hội trường UBND xã để tham dự. Buổi TXĐT bắt đầu từ lúc 8 giờ nhưng đến khoảng 9 giờ, người dân vẫn tiếp tục đến tham dự sau khi đã làm xong công việc đồng áng.

Khoảng 150 người dân tham gia buổi TXĐT đều có chung nhận định, đó thực sự là một cuộc đối thoại dân chủ, thẳng thắn và cởi mở. Người dân được nói lên những ý kiến, suy nghĩ của bản thân, được tuyên truyền, giải thích để hiểu hơn chủ trương của huyện, của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều vấn đề được kiến nghị như hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ di chuyển cột điện, cột bưu chính viễn thông trong quá trình mở rộng đường giao thông nông thôn; hỗ trợ trang thiết bị trong các nhà văn hóa thôn, khu dân cư; vấn đề bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng đội ngũ cán bộ...

Tại cuộc TXĐT, các ý kiến trả lời của đồng chí Bí thư Huyện ủy và lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện về những vấn đề người dân nêu ra được nhân dân đánh giá là thỏa đáng, thể hiện tinh thần tôn trọng, sâu sát, lắng nghe ý kiến nhân dân.

Chỉ sau hơn 1 tháng tổ chức TXĐT nhưng nhiều vấn đề người dân xã Kim Đính nêu ra tại đây với đồng chí Bí thư Huyện ủy Kim Thành đã được chỉ đạo, giải quyết kịp thời. Tại hội nghị này, nhiều người dân trong xã phản ánh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho nhân dân còn chậm. Ngay sau đó, đồng chí Bí thư Huyện ủy đã chỉ đạo các phòng chuyên môn kiểm tra và làm rõ. 97,35% số hộ ở xã Kim Đính đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) ở và hiện còn 120 giấy chứng nhận đã được cấp đổi nhưng do chủ hộ chưa giao nộp giấy cũ để đổi giấy mới. Số hộ còn lại chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ chủ yếu là các hộ có diện tích tăng chưa được xử lý hoặc chưa làm thủ tục mua bán, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho... Đồng chí Bí thư Huyện ủy yêu cầu UBND xã Kim Đính khẩn trương hoàn thiện, xét duyệt hồ sơ cấp giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu cho các hộ còn lại, gửi về Phòng Tài nguyên - Môi trường thẩm định, trình UBND huyện cấp giấy chứng nhận QSDĐ theo quy định. Đồng thời làm việc cụ thể với 120 hộ chưa giao nộp giấy chứng nhận QSDĐ cũ để đổi lấy giấy mới, báo cáo UBND huyện xem xét, giải quyết.

Tạo mối quan hệ khăng khít

Đồng chí Nguyễn Hồng Hà, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy và nhiều đồng chí Bí thư Huyện ủy đánh giá: "Thông qua hoạt động TXĐT, cái được lớn nhất là mở rộng quyền dân chủ. Đồng thời nêu cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương với người dân; thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng với việc chăm lo thực hiện tốt quyền dân chủ, lợi ích của nhân dân. Việc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền với nhân dân cũng là dịp để người dân phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền. Qua đây, cũng có những hiến kế giúp cấp uỷ, chính quyền địa phương lãnh đạo, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng như xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp”.

Tại các cuộc TXĐT, nhân dân được cung cấp thông tin chính thống về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương cũng như của cấp huyện, cấp tỉnh. Do đó, các cuộc TXĐT đã giúp người dân hiểu rõ, nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những thuận lợi, khó khăn của địa phương, từ đó, nhân dân thấy được phần trách nhiệm của mình trong việc tham gia cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều vấn đề chung như hiến đất, tiền của, công sức làm đường giao thông nông thôn; tham gia bảo vệ môi trường, bảo vệ hành lang an toàn giao thông; nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy; giữ gìn an ninh trật tự… được người dân tự giác chấp hành tốt hơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương…

Tuy đã mang lại những kết quả thiết thực nhưng việc tổ chức TXĐT trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế. Một số đơn vị xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện còn sơ sài, mang tính hình thức, chiếu lệ; thông báo thời gian đối thoại không rộng rãi nên nhân dân đến dự hội nghị còn ít; có đơn vị còn tổ chức lồng ghép hội nghị bí thư và chủ tịch cùng TXĐT. Một số người chủ trì đối thoại chưa định hướng cho nhân dân phát biểu theo trọng tâm nên nhiều ý kiến phát biểu lan man, trùng lặp. Nội dung hội nghị TXĐT chưa được hiểu đúng nên cách đặt vấn đề giống như hội nghị tiếp xúc cử tri. Việc kết luận hội nghị còn chung chung chưa rõ trách nhiệm của người đứng đầu và thời gian giải quyết các ý kiến, kiến nghị chính đáng của nhân dân. Một số đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND cấp xã do không nắm chắc tình hình của địa phương cũng như yêu cầu của quy chế TXĐT nên còn sử dụng nhiều cán bộ chuyên môn trả lời ý kiến của nhân dân mà không thể hiện rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đối thoại với nhân dân...

Để việc TXĐT trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân thực sự là một "kênh" dân vận hiệu quả. Vì vậy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần thực hiện nghiêm quy chế TXĐT của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trước khi tổ chức TXĐT, địa phương nên thực hiện tốt công tác khảo sát, nắm tình hình nhân dân, xác định, lựa chọn vấn đề nhằm giải tỏa, tháo gỡ những băn khoăn, bức xúc của đa số nhân dân tại cơ sở; chuẩn bị tốt các vấn đề liên quan phục vụ hoạt động đối thoại. Quan tâm giải quyết tốt các vấn đề sau khi TXĐT để nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào kết quả đối thoại, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương.

PV