Trước đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu: Còn nhiều băn khoăn

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 08:02, 14/10/2016

Dư luận lo ngại tình trạng tham quyền cố vị đối với đội ngũ cán bộ có chức có quyền nhưng những người lao động thì lại muốn nghỉ sớm...



Lao động trực tiếp trong các ngành nặng nhọc không muốn tăng tuổi nghỉ hưu

Chính phủ đang nghiên cứu đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu trong lần sửa đổi Bộ luật Lao động dự kiến sẽ trình Quốc hội vào năm 2017 nhằm ứng phó với tình trạng già hóa dân số và nguy cơ mất cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội. Theo đó, tuổi nghỉ hưu của nữ có thể tăng lên 58-60, nam 62-63.

Ý kiến trái chiều

Đa số người lao động (NLĐ), nhất là lao động trực tiếp các ngành nặng nhọc đều không muốn tăng tuổi nghỉ hưu, bởi kéo dài thêm tuổi lao động sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của họ. Bà Phạm Thị Huyên (47 tuổi, ở khu 10, phường Bình Hàn, TP Hải Dương) đang làm công nhân thu gom rác tại Công ty CP Môi trường đô thị Hải Dương cho biết công việc của bà không chỉ lao động chân tay vất vả mà còn độc hại vì thường xuyên phải tiếp xúc với rác thải. "Ở độ tuổi này mà chủ yếu làm việc vào ban đêm, thỉnh thoảng lại tăng ca mệt lắm. Khi về tới nhà chẳng muốn làm việc gì nữa, chồng con phải lo hết. Tôi chỉ muốn sớm đủ tuổi để được nghỉ hưu, hưởng chế độ. Phía doanh nghiệp cũng không muốn sử dụng người già vì hiệu quả làm việc không cao", bà Huyên nói.

Chị Lê Thị T. ở phố Trần Văn Giáp, phường Thanh Bình (TP Hải Dương) là viên chức trong một cơ quan nhà nước. Công việc khá nhàn nhã nhưng chị cũng không mong muốn kéo dài thêm tuổi lao động. “Độ tuổi lao động hiện nay của nữ 55 tuổi, nam 60 tuổi là phù hợp. Khi tuổi cao, tinh thần làm việc giảm sút. Lớp trẻ được đào tạo bài bản, tiếp cận công nghệ nhanh, làm việc hiệu quả hơn”, chị T. cho hay.

Số người thất nghiệp, không tìm được việc làm đang ở mức cao khiến nhiều người cho rằng nếu quy định tuổi nghỉ hưu tăng thì người đến tuổi lao động không tìm được việc làm sẽ còn tăng mạnh. Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), 9 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có 6.265 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng Phòng Lao động tiền lương - Bảo hiểm xã hội (BHXH) Sở LĐTBXH cho biết: “Những người trẻ sắp đến tuổi làm việc, tham gia vào thị trường lao động càng khó kiếm được việc làm. Từ đó, tạo ra một hệ quả xấu về an ninh, trật tự, làm cho môi trường xã hội phức tạp”.

Ông Nguyễn Đức Khang, Phó Giám đốc BHXH tỉnh lại cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu là việc sớm muộn phải làm. Khi xã hội ngày càng phát triển, tổng thu nhập quốc nội tăng, mức sống, thể lực, tuổi thọ cao hơn thì nhu cầu tiếp tục làm việc của NLĐ cũng tăng. Có nhiều nước trên thế giới quy định tuổi lao động là 62, 63, 65, thậm chí 67 tuổi.

Theo ông Khang, Bộ LĐTBXH - cơ quan thường trực của Chính phủ soạn thảo dự án luật đưa ra 2 căn cứ để đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu không phải không có lý. Từ năm 1995 đến nay, thời gian đóng BHXH trung bình của người Việt Nam là 25 năm, hưởng lương hưu 13 năm và tuổi thọ trung bình 67. Tuy nhiên, hiện tuổi thọ trung bình tăng lên 73 tuổi, cần tới 19 năm hưởng lương hưu thì rõ ràng đang mất cân đối 6 năm. Hải Dương không thoát khỏi tình trạng già hóa dân số của cả nước. Nếu không tính toán, chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực cung ứng cho nền kinh tế.

Ngoài ra, việc tăng tuổi nghỉ hưu giúp tận dụng nguồn lao động, tránh lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao. Khi tăng tuổi nghỉ hưu, NLĐ có cơ hội kéo dài thời gian làm việc, cống hiến và tham gia BHXH. Bước vào giai đoạn tuổi già, NLĐ có lương hưu cao hơn, giảm khó khăn về tài chính. "Nếu vẫn giữ nguyên tuổi nghỉ hưu của nữ 55 tuổi và nam 60 tuổi thì kết dư quỹ đang giảm dần, nếu không điều chỉnh đến năm 2037 mức thu, bao gồm cả kết dư quỹ sẽ bằng mức chi, sau đó sẽ phải lấy ngân sách bù vào", ông Khang phân tích.

Chỉ nên tăng ở từng nhóm lao động

Theo nhiều chuyên gia, tăng tuổi nghỉ hưu là phù hợp với yêu cầu của thực tế hiện nay, song cần có lộ trình, lựa chọn thời điểm thích hợp và thực hiện từng bước. Việc tăng tuổi nghỉ hưu cần bảo đảm song song cả 3 mục tiêu: tận dụng nguồn nhân lực, bảo đảm việc làm và an toàn về Quỹ BHXH. Trước hết, có thể lựa chọn tăng tuổi nghỉ hưu cho NLĐ ở một số ngành nghề, nhóm lao động nhất định như công tác nghiên cứu ở các viện khoa học, giảng dạy ở các trường đại học, khu vực hành chính một số lĩnh vực... để tận dụng trình độ, chất xám nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu có thể dẫn đến tình trạng tham quyền cố vị, mất cơ hội làm việc cho lớp trẻ. Ở nhiều cơ quan nhà nước đã xuất hiện tình trạng nhiều người sắp nghỉ hưu có tâm lý làm ít việc để chuyển giao cho lớp trẻ. Thậm chí, bản thân các đơn vị sử dụng lao động cũng có tâm lý để những người sắp nghỉ hưu làm việc ít hơn. Để giải quyết tình trạng tham quyền cố vị, luật có thể hạn chế độ tuổi nhất định cho từng vị trí công việc, nếu quá tuổi có thể chuyển sang làm chuyên gia, cố vấn chứ không làm lãnh đạo.

Chính phủ từng 2 lần đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu nhưng đa phần dư luận không đồng tình nên chưa được Quốc hội thông qua. "Đã đến lúc phải tăng tuổi nghỉ hưu để giải quyết bài toán già hóa dân số và nguy cơ mất cân đối Quỹ BHXH. Song, chúng ta cần xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng để xây dựng lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cho phù hợp. Trước khi có những bước đi cụ thể, cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu chính sách, đồng thuận với chủ trương. Có như vậy, khi thực hiện mới thuận lợi”, ông Khang nói.

LÊ HƯƠNG